Sơ thảo lịch sử thể TDTT Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975: Công tác xây dựng

Trong thời kỳ từ 1954 đến 1975, các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thể dục thể thao được hình thành từ giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã được bổ sung, hoàn thiện trở thành tài sản tinh thần vô giá trong sự nghiệp TDTT của nước ta.

Trong thời kỳ từ 1954 đến 1975, các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thể dục thể thao được hình thành từ giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945 đã được bổ sung, hoàn thiện trở thành tài sản tinh thần vô giá trong sự nghiệp TDTT của nước ta. 

Về bối cảnh lịch sử trong giai đoạn này, đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền: miền Bắc hoàn toàn giải phóng bắt đầu chuyển sang thời kỳ khôi phục kinh tế và quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, miền nam vẫn còn bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống trị. Bối cảnh trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển phong trào TDTT ở nước ta. Trải qua 21 năm phát triển, TDTT nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ đóng góp tích cực vào công cuộc hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất nước nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Mở đầu trong giai đoạn này là việc xây dựng lại cơ sở vật chất TDTT bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Giai đoạn này, rất nhiều công trình thể thao đã được sửa chữa, nâng cấp thành những cơ sở huấn luyện và đào tạo cán bộ TDTT ở miền Bắc như khu Quần ngựa (Hà Nội), sân vận động Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), sân vận động Cẩm Phả, Cửa Ông... Cũng trong thời gian này nhiều công trình thể thao trọng điểm đã được xây dựng như Sân Vận động Hàng Đẫy, Trường Trung cấp TDTT (Từ Sơn), sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng), bể bơi Tăng Bạt Hổ, bể bơi Đống Đa (Hà Nội)...

Song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, việc sản xuất dụng cụ thể dục thể thao trong giai đoạn này cũng được chú trọng. Sau 1954, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao chủ yếu được sản xuất thủ công ở các cơ sở cá thể (bóng, lưới, vợt, giày, quần áo thể thao...), trong khi đó các dụng cụ thể thao kỹ thuật cao đều phải nhập khẩu từ các nước khác. Trước tình hình đó, năm 1960 một số cơ sở sản xuất dụng cụ thể dục thể thao đã hình thành (cơ sở sản xuất bóng, vợt bóng bàn...). Lô hàng vợt bóng bàn đầu tiên do cơ sở vợt bóng bàn Đường sắt sản xuất vào năm 1964. Sau đó 1 năm, các sản phẩm vợt bóng bàn Việt Nam của cơ sở bóng bàn Đường sắt đã xuất khẩu sang Liên Xô, Bungari, Hungari, Balan, Mông Cổ, Cu Ba. Và đến năm 1974, một xưởng sản xuất dụng cụ TDTT Thái Bình đã được thành lập với các mặt hàng sản xuất: bóng bàn, vợt bóng bàn và vợt cầu lông. 

 Trong giai đoạn này, bộ máy quản lý TDTT cũng dần được hình thành. Những năm đầu sau khi hoà bình lập lại, các hoạt dộng TDTT ở miền Bắc nước ta đều do Đoàn Thanh niên cứu quốc, Ty văn hoá ở các tỉnh, thành phố chỉ đạo, chưa có cơ quan chuyên trách về TDTT. Đến tháng 6/1956, Ban TDTT Trung ương được thành lập do đồng chí Hoàng Anh (Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng) làm Chủ nhiệm. Đầu năm 1960, Ban TDTT Trung ương đã chuyển thành Uỷ ban TDTT trực thuộc Hội đồng Chính phủ do trung tướng Hoàng Văn Thái làm chủ nhiệm. Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ cũng đưa ra quyết định thành lập các ban TDTT ở các tỉnh, thành, huyện và thị xã. Đến năm 1971, Uỷ ban TDTT chuyển thành Tổng cục TDTT, đồng thời Hội đồng TDTT cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ở cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã ở Hà Nội và Hải Phòng cũng được thành lập.

Khoá học đầu tiên cho 160 cán bộ TDTT do Ban TDTT Trung ương tổ chức đã khai giảng năm 1956 ( có 40 cán bộ là nữ). Năm 1958, Ban Thể dục thể thao trung ương và Bộ Giáo dục đã phối hợp tổ chức khoá đào tạo giáo viên thể dục (6 tháng) với hơn 100 học viên do các chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Đến cuối 1959, trường trung cấp TDTT trung ương được thành lập. Khoá học đầu tiên khai giảng vào giữa năm 1960. Tuy nhiên, trong những năm đầu giai đoạn này, các cán bộ TDTT phải vừa làm vừa học hỏi từ đó đúc kết nhũng kinh nghiệm từ thực tiễn. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, nền TDTT nước nhà đã dần dần lớn mạnh, một số môn thể thao được tiếp cận với phương pháp huấn luyện hiện đại. Nhiều tài liệu TDTT của Liên Xô, Trung Quốc đã được dịch và phổ biến, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học TDTT cũng đuợc hình thành.  Cho đến năm 1971, Ban nghiên cứu khoa học, kỹ thuật TDTT được thành lập và đã thực hiện một số công trình nghiên cứu khoa học TDTT. Cũng trong giai đoạn này, nhiều hoạt động tích cực nhằm tuyên truyền, vận động phong trào tập luyện theo phương pháp hoa học và phương pháp y học phát triển mạnh.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tập luyện cũng như công tác đào tạo cán bộ, áp dụng khoa học và y học vào TDTT là một bước đệm vững chắc tạo nền móng cho ngành TDTT nước nhà phát triển trong những giai đoạn sau. Đây  cũng là những điều kiện tiền đề cho sự nghiệp phát triển phong trào TDTT trong giai đoạn này.

 

V.A

Ảnh trong bài
  • Sơ thảo lịch sử thể TDTT Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975: Công tác xây dựng