Sơ thảo Lịch sử TDTT: 25 năm (1975 - 2000) xây dựng và phát triển nền TDTT

Trong tình hình đất nước hoà bình, thống nhất, cả nước sôi sục khí thế chiến thắng, quyết tâm xây dựng một đất nước hoà bình, ấm no và giàu mạnh. Phát huy tinh thần ấy, nền TDTT cũng đã đạt được những thành tích vượt bậc. Trên con đường xây dựng và phát triển này, công tác TDTT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", TDTT đã góp phần tích cực vào công cuộc củng cố, nâng cao sức khoẻ toàn dân và TDTT đã được xác định "là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới" (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982)).

Trong tình hình đất nước hoà bình, thống nhất, cả nước sôi sục khí thế chiến thắng, quyết tâm xây dựng một đất nước hoà bình, ấm no và giàu mạnh. Phát huy tinh thần ấy, nền TDTT cũng đã đạt được những thành tích vượt bậc. Trên con đường xây dựng và phát triển này, công tác TDTT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Với mục tiêu "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", TDTT đã góp phần tích cực vào công cuộc củng cố, nâng cao sức khoẻ toàn dân và TDTT đã được xác định "là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới" (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982)).

Ngay sau khi thống nhất nước nhà, Tổng cục TDTT (thành lập 09/01/1971) đã trở thành cơ quan lãnh đạo TDTT trên toàn quốc, cũng trong những ngày đầu thống nhất, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã được thành lập (theo Quyết định 500 TTg của Chính phủ ngày 20/12/1976). Uỷ ban Olympic Việt Nam, hoạt động trực tiếp dưới sự quản lý của Tổng Cục TDTT,  là một tổ chức đại diện cho phong trào TDTT nước ta với Uỷ ban và các Liên đoàn thể thao quốc tế. Trong giai đoạn này, đất nước vừa thống nhất, nền kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước cùng các địa phương đã nỗ lực đầu tư, cải tạo, xây dựng nhiều công trình TDTT mới. Tuy nhiên, đại đa số những công trình này còn ở quy mô đơn giản, thiết bị kỹ thuật phục vụ thi đấu còn thiếu và cho đến năm 1996, các công trình, cơ sở vật chất mới được xây dựng với đầy đủ những trang thiết bị hiện đại, sẵn sàng phục vụ cho các giải thể thao quốc tế.

25 năm xây dựng và phát triển, việc phát triển thể thao thành tích cao luôn là một nhiệm vụ chiến lược của thể thao Việt Nam. Các VĐV của chúng ta đã tham dự nhiều giải thi đấu ở khu vực Đông Nam Á, con số huy chương tăng dần qua các kỳ Đại hội (SEA Games 16, đoàn thể thao Việt Nam giành 7 HCV xếp thứ 6/10 nước tham dự, SEA Games 17, giành 9 HCV xếp thứ 6/9 nước tham dự cho đến SEA Games 19 (1997) số HCV đã tăng lên 35). Còn trên đấu trường Châu lục và thế giới, thành tích của các VĐV ngày càng được nâng cao, điển hình năm 2000 với chiếc HCB nội dung Taekwondo nữ tại Thế vận hội Sydney. Ngoài HCB tại Thế vận hội trong năm 2000, các VĐV Việt Nam đã có 13 danh hiệu Vô địch Thế giới, 17 Vô địch Châu Á và 53 Vô địch Đông Nam Á. Việc đào tạo đội ngũ vận động viên có trọng tâm, trọng điểm là một chiến lược dài hạn được Chính phủ quan tâm và đầu tư (năm 1992 có 11 môn trong đó chỉ có 3 môn mũi nhọn, năm 1994 có 14 môn, 1995 có 22 môn và cho đến năm 2000 đã tăng lên 28 môn) trong giai đoạn này. Việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và điều trị chấn thương cho các VĐV ngày càng được quan tâm. Cũng trong giai đoạn này, ngày 21/05/1997, Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình quốc gia về thể thao" (số 341 TTg) với số lượng hơn 2000 VĐV trẻ ở 22 môn, 1.300 VĐV đội tuyển trẻ và 1.200 VĐV đội tuyển ở 28 môn.

Song song với việc phát triển Thể thao thành tích cao, phong trào TDTT Quần chúng cũng đã phát triển sâu, rộng trong nhân dân, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên... Hệ thống giáo dục thể chất bắt buộc trong các nhà trường và lực lượng vũ trang được cải tiến qua từng giai đoạn, có khoảng 70 - 80% số trường học các cấp và 90 - 95% lực lượng vũ trang thực hiện chế độ rèn luyện thân thể. Với nhiều nội dung thi đấu phong phú, gồm các môn thể thao dân tộc và hiện đại, thể dục thể thao đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cũng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Cũng trong giai đoạn này, Hội khoẻ phù đổng toàn quốc lần thứ I (1983) và Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ nhất (1984 - 1985) đã được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào TDTT phát triển phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hoá của nhân dân. Đây là hai hoạt động được tổ chức thường kỳ 4 năm/ 1 lần.

Một trong những sự kiện nổi bật trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 (1990 - 2000) là việc ngành TDTT được Nhà nước nâng lên thành Uỷ ban TDTT - cơ quan ngang Bộ của Chính phủ với nhiều chế độ chính sách tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển TDTT. Có thể nói một đặc điểm chung trong suốt thời kỳ phát triển là việc "Nhà nước hoá" trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội về TDTT.

Tóm lại, sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà trong 25 năm qua (1975 - 2000) đã xây dựng, tạo lập một nền móng vững chắc cho việc phát triển thể thao thành tích cao cũng như thể thao quần chúng trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là một trong những bước đệm giúp thể thao Việt Nam giành thành tích cao trên đấu trường khu vưc, Châu lục và thế giới trong tương lai.

V.A

Ảnh trong bài
  • Sơ thảo Lịch sử TDTT: 25 năm (1975 - 2000) xây dựng và phát triển nền TDTT