Tình hình các môn đã thi đấu trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V (23/08/2006)

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V dù chưa Khai mạc nhưng các nội dung thi đấu đã dần được tổ chức từ những ngày đầu năm (1/2006). Tính đến ngày 12/8, đã có 22/40 môn thi trong chương trình Đại hội được tổ chức. Theo thống kê của Tiểu Ban chuyên môn - kỹ thuật, số lượng VĐV đã tham gia thi đấu lên đến 4.026 VĐV tranh tài ở 222 nội dung và được trao 232 HCV, 222 HCB, 324 HCĐ.

 

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V dù chưa Khai mạc nhưng các nội dung thi đấu đã dần được tổ chức từ những ngày đầu năm (1/2006). Tính đến ngày 12/8, đã có 22/40 môn thi trong chương trình Đại hội được tổ chức. Theo thống kê của Tiểu Ban chuyên môn - kỹ thuật, số lượng VĐV đã tham gia thi đấu lên đến 4.026 VĐV tranh tài ở 222 nội dung và được trao 232 HCV, 222 HCB, 324 HCĐ.  

Đoàn Hà Nội hiện tại đang dẫn đầu với 41 HCV, tiếp theo là Tp. Hồ Chí Minh 31 HCV và Quân Đội 18 HCV. Trong bảng tổng sắp của các tỉnh miền núi, tạm dẫn đầu là đoàn Thái Nguyên 9 HCV; với 8 HCV, Bắc Giang đang đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba là Hoà Bình 5 HCV. Đáng lưu ý là hiện có tới 9 đơn vị thuộc các tỉnh miền núi vẫn chưa có HCV nào. Trong đó, Kon Tum thấp nhất với 1 HCĐ.

Tính từ những môn thi đấu đầu tiên của Đại hội đến nay đa số các môn đều thực hiện tốt công tác tổ chức. Theo đánh giá của Tiểu ban chuyên môn - kỹ thuật, những môn và phân môn đã tổ chức tốt gồm: Điền kinh (Việt dã leo núi, Việt dã Tiền Phong); Thuyền truyền thống; Wushu; Vật dân tộc; Đá cầu đồng đội; Đấu kiếm; Pencak Silat; Tennis đồng đội; Vật; Ghe ngho; Bóng đá nữ; Cờ (Cờ nhanh, Cờ chớp); Cầu lông đồng đội; Thể hình; Bơi đường dài truyền thống; Bắn nỏ và Bóng ném.

 

Bên cạnh đó, công tác tổ chức vẫn còn một số vấn đề tồn tại và khuyết điểm cần khắc phục. Ở môn Xe đạp địa hình (tổ chức tại An Giang từ 9-16/7) đã xảy ra va chạm giữa VĐV của 2 đơn vị (An Giang và Đồng Tháp) và BTC đã loại kết quả của 2 VĐV này. Song lý do dẫn đến lộn xộn đó là BTC địa phương và bộ phận chuyên môn chọn lộ trình chưa hợp lý. Hơn nữa, năng lực của BTC cũng như đội ngũ trọng tài còn hạn chế nên đã để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc: lộn xộn tại môn Đẩy gậy (tại Hoà Bình, từ 8-13/7); một số cuộc thi có hiện tượng VĐV, HLV có hành vi ứng xử thiếu văn hoá (Karatedo, tại Thừa Thiên Huế từ ngày 4-12/8)...

Về công tác chuyên môn đã có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Điển hình là chất lượng thi đấu của VĐV Bắn nỏ đã được nâng cao do có sự đầu tư, chuẩn bị tốt của các địa phương; lực lượng VĐV trẻ tham dự thi đấu tại Đại hội có nhiều khả năng hứa hẹn. Tuy nhiên, tại môn Cầu lông, việc chuyển nhượng VĐV thực hiện không hợp lệ nên BTC đã loại các trường hợp này khỏi giải đấu.

Đặc biệt, BTC địa phương đăng cai các giải thuộc khuôn khổ Đại hội cơ bản đã thực hiện tốt công tác tổ chức thi đấu. Ngoài ra, đa số các môn đã tổ chức đảm bảo tốt các công tác như: an ninh, trật tự, bố trí ăn ở, nơi tập luyện, thi đấu... Trong các Lễ khai mạc, Bế mạc đều diễn ra trang trọng, ngắn gọn và đầy đủ nghi lễ theo quy định. 

 

Trọng tài điều hành tại phần lớn các môn thi đấu đều thể hiện chất lượng chuyên môn tốt, kết quả đảm bảo tính trung thực và tuân thủ đúng luật. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số trường hợp khiếu nại không lớn nhưng đã được giải quyết kịp thời theo đúng luật định. Riêng giải Xe đạp địa hình cần rút kinh nghiệm nghiêm túc ở cấp quản lý và Liên đoàn.

Công tác tuyên truyền tại các môn thi đấu vừa qua, BTC địa phương đăng cai đã có nhiều sáng tạo nhằm làm bật lên ngày hội thể thao của quốc gia tại địa phương mình, song quy mô vẫn còn hạn hẹp ở các đơn vị tổ chức mà chưa có tính tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc. Với Trung tâm báo chí của Đại hội được thiết lập trong thời gian diễn ra VCK cùng với những biện pháp khắc phục của BTC (hy vọng sớm được hoàn thiện), nhất định công tác tuyên truyền cho Đại hội sẽ được phát huy một cách hiệu quả, góp phần vào thành công chung của ngày hội thể thao của Đất nước.

 

HX


 

Ảnh trong bài
  •  Tình hình các môn đã thi đấu trong chương trình Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V (23/08/2006)