Vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V-2006: "Tiết kiệm, hiệu quả cao" (23/08/2006)

Chiều 22/08/2006, BTC Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V -2006 đã tổ chức buổi họp báo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trọng Hỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Phó Trưởng ban tổ chức Đại hội. Tham dự họp báo có đại diện các tiểu ban Đại hội cùng giới truyền thông trong và ngoài Ngành.

Chiều 22/08/2006, BTC Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V -2006 đã tổ chức buổi họp báo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Trọng Hỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, Phó Trưởng ban tổ chức Đại hội. Tham dự họp báo có đại diện các tiểu ban Đại hội cùng giới truyền thông trong và ngoài Ngành.

Tại buổi họp, ông Lê Anh Thơ - Vụ trưởng Vụ Thể thao Quần chúng báo cáo về công tác tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, huyện và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo số liệu thống kê, số xã tổ chức Đại hội TDTT cấp xã đạt tỷ lệ 90.9% với số lượng VĐV tham gia lên tới 2.896.521 (226.887 VĐV người dân tộc thiểu sổ). Trung bình số môn thi đấu tại Đại hội cấp xã là 6 môn trong đó có 3 môn thể thao dân tộc. Ở Đại hội cấp huyện đã có 661 huyện tổ chức Đại hội (đạt tỷ lệ 98,9%). Số VĐV tham dự Đại hội cấp Huyện là 706.372. Riêng Đại hội thể thao cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 2 tỉnh chưa tổ chức xong Đại hội là Quảng Trị và Lạng Sơn (dự kiến tổ chức vào 1 và 2/9). Tính đến thời điểm này, có 238.959 VĐV tham gia Đại hội cấp tỉnh trong đó có 7.500 VĐV người dân tộc thiểu số. 

Phát biểu về công tác chuyên môn, kỹ thuật, ông Nguyễn Hồng Minh - Vụ trưởng Vụ TTTTCI, Trưởng tiểu ban chuyên môn - kỹ thuật Đại hội cho biết: "Tính đến ngày 18/08/2006 đã tổ chức xong 23 môn thi đấu với gần 4,500 VĐV tham dự. Đã có 65/66 đoàn giành được huy chương. Đoàn Hà Nội đang dẫn đầu bảng tổng sắp với 42 HCV, 28 HCB và 20 HCĐ. Tiếp đó là đoàn Tp. HCM (33 HCV, 21 HCB, 41 HCĐ) và đoàn Quân đội (18 HCV, 10 HCB, 24 HCĐ). Nhìn chung, công tác tổ chức được đánh giá cao. Tuy nhiên một số môn cũng đã nảy sinh những vấn đề về công tác điều hành Giải (Đẩy gậy - Hòa Bình), việc lựa chọn địa điểm thi đấu chưa hợp lý (Xe đạp địa hình - An Giang)...".Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm, do điều kiện địa điểm tổ chức môn Điền kinh ở sân Thống Nhất không đảm bảo nên môn này sẽ không được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh mà chuyển sang thi đấu ở Đà Nẵng. 

 

Một vấn đề cũng đang được nhiều người quan tâm là công tác chuẩn bị cho Lễ khai mạc, Bế mạc cũng như các địa điểm thi đấu tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hoàng Năng - Giám đốc Sở TDTT Tp. HCM đã giới thiệu sơ bộ về chương trình Lễ khai mạc, đồng thời khẳng định "công tác chuẩn bị cho Đại hội dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 06/09". Dự kiến Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 18h50 ngày 16/09/2006 tại SVĐ Thống Nhất với số lượng tham dự lên đến 15000 người. Mục tiêu đặt ra cho BTC tại Đại hội lần này là không tốn kém về mặt kinh phí (dự kiến kinh phí cho vòng chung kết Đại hội chỉ hơn 5 tỷ) nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao, trang trọng và ấn tượng. Đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi cho giới truyền thông, Ban tổ chức cũng đã thành lập 1 Trung tâm báo chí với hơn 10 máy tính có thể sử dụng Internet. Tại các địa điểm thi đấu cũng nối kết mạng nội bộ với trung tâm chính tại Tp. Hồ Chí Minh. Mạng nội bộ này sẽ tạo điều kiện cho việc truyền tải thông tin về diễn biến, kết quả các môn thi đấu tại các địa điểm thi nhanh chóng và thuận tiện. 

 

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V -2006 đã thực sự là ngày hội thể thao của toàn xã hội. Theo đánh giá chung, cho đến thời điểm này thành tích của các đoàn cao hơn so với các kỳ Đại hội trước và nhiều môn thể thao dân tộc đã được đưa vào thi đấu với mục đích duy trì và phát triển những môn thể thao dân tộc trong thời gian tới.

 

V.A


Ảnh trong bài
  •  Vòng chung kết Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V-2006: "Tiết kiệm, hiệu quả cao" (23/08/2006)