Bộ thể thao không hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với thành tích của đoàn thể thao Malaysia tại Doha

Mặc dù đầu tư cho công tác chỉ đạo các VĐV xuất sắc chuẩn bị cho Đại hội nhưng Bộ Thể thao và Hội đồng thể thao quốc gia Malaysia (NSC) có thể sẽ không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả của đoàn Thể thao Malaysia tại ASIAD 15.

Mặc dù đầu tư cho công tác chỉ đạo các VĐV xuất sắc chuẩn bị cho Đại hội nhưng Bộ Thể thao và Hội đồng thể thao quốc gia Malaysia (NSC) có thể sẽ không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả của đoàn Thể thao Malaysia tại ASIAD 15.

Bộ trưởng Thể thao Malaysia, ông Datuk Azalina Athman phát biểu “không phải là chúng tôi muốn đẩy trách nhiệm cho một đơn vị khác, tuy nhiên trách nhiệm về thành tích của đoàn thể thao quốc gia không thể chỉ do các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm toàn bộ bởi các cơ quan này (Bộ Thể thao và Hội đồng thể thao quốc gia) không thể kiểm soát hoạt động của các liên đoàn thể thao quốc gia mặc dù họ đầu tư hàng triệu ring git vào quá trình chuẩn bị của các VĐV”.

Cơ quan quản lý chỉ có thể tác động dưới hình thức thông qua một số uỷ viên của Hội đồng thể thao quốc gia mà không tác động trực tiếp tới việc tập luyện, chuẩn bị cho giải đấu. Chính vì lẽ đó, Bộ Thể thao không hoàn toàn có trách nhiệm khi không kiểm soát được các Liên đoàn mà đây mới là người đưa ra những quyết định về mặt chuyên môn.

Uỷ ban Olympic quốc gia (OCM) đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với các Liên đoàn thể thao quốc gia và là cơ quan chịu trách nhiệm trong các sự kiện thể thao như Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), ASIAN Games và Thế vận hội Olympic. Ở Á vận hội 15, OCM đặt chỉ tiêu cho đoàn thể thao Malaysia phải đạt từ 5 đến 8 HCV. Tuy nhiên, Uỷ ban Olympic quốc gia Malaysia (OCM) cũng không đóng vai trò là cơ quan chỉ đạo chính trong việc lập kế hoạch, thực hiện, điều chỉnh chương trình tập luyện của VĐV.

Sự không nhất quán này đã tạo ra mâu thuẫn, khi vừa qua NSC lại tuyên bố mục tiêu của đoàn thể thao Malaysia tại ASIAD 15 là cố gắng giành 9 HCV, cụ thể: môn Squash và Bowling phấn đấu mỗi môn giành 02 HCV còn các môn Thể hình, Xe đạp, Karatedo, Đua thuyền và Wushu mỗi môn giành 01 HCV.

Ông Azilina cho biết thêm “đối với một số quốc gia mà Bộ trưởng Bộ (Uỷ ban) Thể thao đồng thời cũng là người lãnh đạo Uỷ ban Olympic quốc gia sẽ có toàn quyền để can thiệp vào quá trình chuẩn bị của đoàn thể thao nước mình. Đáng tiếc, các Liên đoàn thể thao quốc gia lại tuyên bố là việc can thiệp của cơ quan nhà nước vào hoạt động của Liên đoàn là không được các Liên đoàn thể thao quốc tế (IF) cho phép. IF chỉ chấp nhận việc Chính phủ hỗ trợ kinh phí chứ không đồng ý sự can thiệp vào công tác chuyên môn của từng Liên đoàn. Đây quả là sức ép đối với chúng tôi khi mà chúng tôi là người bỏ tiền đầu tư cho các VĐV và nếu muốn tiếp tục được nhận hỗ trợ các VĐV phải đạt được thành tích cao hơn. Tất nhiên chẳng ai mong các VĐV của mình thất bại bởi chúng tôi cũng đã đầu tư khá nhiều kinh phí vào đó.”

“Đương nhiên, chúng tôi không phải nói ra điều này để chuyển trách nhiệm cho một ai khác. Bởi sau khi kết thúc Doha, dù kết quả ra sao thì chúng tôi cũng sẽ lập báo cáo về kết quả các chương trình thể thao mà chúng tôi chỉ đạo thực hiện trong năm 2006. Điều chúng ta cần xác định ở đây là chính xác mục tiêu của chúng ta trong thể thao là gì. Nếu HCV là mục tiêu duy nhất thì liệu chúng ta có nên học theo Qatar trong việc nhập quốc tịch cho VĐV nước người để họ đại diện cho Malaysia tham dự. Trong trường hợp chúng ta làm vậy, mục tiêu về huy chương có thể đạt được nhưng sẽ chỉ có ít VĐV người Malaysia được đại diện cho quốc gia của mình tham dự các giải quốc tế. Hay mục tiêu của chúng ta là đang bắt đầu một ngành Du lịch thể thao thay vì một nền thể thao thành tích cao. Đó là những câu hỏi mà chúng tôi cần phải giải mã trong thời gian tới.”

Biên dịch Thu Phương (theo www.nst.com.my)
 

Ảnh trong bài
  • Bộ thể thao không hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với thành tích của đoàn thể thao Malaysia tại Doha