Lại nói về chuyện ông TTK vừa từ chức.

Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (TTK- LĐBĐVN) Phạm Ngọc Viễn thuộc lứa Vận động viên bóng đá đầu tiên của Hệ văn hoá Thể thao (như các đội U15-17 học tập, sinh hoạt ở trường ĐH TDTT I bây giờ)

Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (TTK- LĐBĐVN) Phạm Ngọc Viễn thuộc lứa Vận động viên bóng đá đầu tiên của Hệ văn hoá Thể thao (như các đội U15-17 học tập, sinh hoạt ở trường ĐH TDTT I bây giờ).Từ năm 1965, nếu nhẩm tính thì đã hơn 40 năm rồi, Ông gắn đời mình cùng trái bóng. Bạn bè cùng lứa của Ông hồi ấy giờ đều thành đạt và giữ những nhiệm vụ quan trọng khác trong ngành TDTT. Có thể kể ra như : ông Mai Đức Chung HLV trưởng đội bóng đá nữ quốc gia; ông Lưu Quang Hiệp, Phó hiệu trưởng trường ĐHTDTT I...
Thời kỳ đó, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt, ông Viễn và một số người nữa do có học lực tốt, đã được Đảng, Nhà nước và Ngành TDTT lựa chọn đi du học tại Liên Xô (cũ). Tốt nghiệp về nước, Ông làm công tác giảng dạy tại bộ môn bóng đá trường ĐHTDTT I (ngày nay). Có thể nói, 2/3 số người làm bóng đá chuyên nghiệp (đã qua đào tạo bài bản tại các truờng chuyên ngành TDTT trên toàn quốc), đều là học trò của Ông. Bạn bè đồng nghiệp, học trò, đều nói Ông hiền, giản dị, chẳng ganh đua kèn cựa với ai bao giờ. Cho tới đầu những năm 80, Ông trở lại Liên Xô làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Tâm lý học TDTT- một ngành học quan trọng và còn khá mới mẻ trên thế giới. Từ đó, ông Viễn đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau mà lãnh đạo ngành TDTT giao phó như giảng dạy, nghiên cứu (Viện khoa học TDTT), quản lý (Trung tâm Huấn luyện quốc gia I- Nhổn), quan hệ đối ngoại (Vụ Quan hệ quốc tế Uỷ ban TDTT), ông đã dịch và viết rất nhiều sách giáo khoa mà cho tới giờ vẫn là tài liệu giảng dạy quan trọng tại các truờng ĐHTDTT . Và ở đâu ông cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc cho tới khi ông về LĐBĐ...

Sở dĩ, người viết phải dài dòng như trên để bạn đọc, NHM hiểu cho rằng, năng lực, uy tín của ông Viễn ở trong ngành TDTT là điều không cần bàn cãi. Nếu như cứ làm những việc cũ, thì giờ đây chắc ông Viễn đã "ổn" lắm rồi. Việc Ông ngồi vào cái ghế TTK-LĐBĐ là bởi ngoài ông ra, lúc đó hình như không ai đủ tư cách và uy tín hơn. Sau này, nhiều HLV các đội bóng, kể cả lãnh đạo Sở TDTT các địa phương gặp Ông vẫn cứ tôn trọng, chào là "thầy" như trước. Là một cán bộ Nhà Nước, một Đảng viên, mọi việc ông làm, ông quyết, đều có tổ chức và tập thể quyết định, một người cán bộ ưu tú, một Đảng viên không có quyền thoái thác nhiệm vụ đựơc giao. Thế nên cái câu hỏi mà một nhà báo đặt ra với ông Viễn hôm vừa rồi "vì sao lại phải trình đơn từ chức lên Uỷ ban TDTT trong khi LĐBĐ là một tổ chức xã hội?" thật buồn cuời quá. Không biết nhà báo "biết rồi" mà cứ hỏi, hay là vì lý do gì khác, chứ không đệ trình lên UB TDTT mà đã nghỉ thì quá là đảo ngũ? Vì cho tới giờ phút này ông Viễn vẫn là cán bộ Uỷ ban biệt phái sang Liên đoàn, nhất cử nhất động Ông đều phải có tổ chức, cơ quan cho ý kiến chứ.

Ông Viễn sang LĐ tháng 10/1997, một năm sau, chúng ta có cơ hội tổ chức một sự kiện, một giải đấu ( lớn nhất trong lịch sử ngành TDTT Việt Nam cho tới thời điểm đó) là Tiger Cup 98, với chiếc huy chương Bạc đầy tiếc nuối. Rồi các mối quan hệ tốt với FIFA, AFC, AFF...Tất nhiên, không phải một mình ông Viễn làm nên những thành quả đó, nhưng cũng không thể phủ nhận phần đóng góp lớn của Ông trong thời gian qua với bóng đá Việt Nam. Bài viết này không phải để bênh vưc hay đề cao ông Viễn, bởi như rất nhiều đồng nghiệp trong ngành TDTT, tôi hiểu rằng, đầu tiên, trên hết, ông Viễn là một cán bộ, công chức, mọi vinh quang, thành quả của Ông phải thuộc về tập thể, cơ quan,... những người đã đào tạo, bồi dưỡng, tin tuởng, tạo cơ hội cho Ông...

BĐVN đang từng bước hoàn thiện mình, con đường thật dặm dài, gieo neo vất vả. Những gềnh thác trước mặt bắt buộc phải vượt qua, mà đâu có ai chỉ cho ta phải bước đi ra sao cho khỏi ngã, chúng ta luôn mơ tới một ngày nắng đẹp, mong sao BĐVN có thể vươn lên, chạm tay vào những thành tích cao hơn, xứng đáng với niềm tin của NHM. Khát vọng ấy đâu tự đến, nó cần có những con người thực, ưu tú của ngành TDTT và cả xã hội xắn tay dựng xây. Và một lẽ tự nhiên chẳng ai hoàn hảo bao giờ, tài giỏi mấy rồi cũng có khi sai lầm, thiếu sót, điều quan trọng là dám làm và làm với cái tâm "trong trẻo".

Sai lầm của ông Viễn và những nguời có trách nhiệm ở LĐBĐ rồi sẽ có Chính phủ và lãnh đạo ngành TDTT xem xét, xử lý tuỳ theo mức độ sai phạm, việc một số tờ báo không hiểu vì quá bức xúc trước thất bại của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua, hay vì những lý do nào khác, đã cho đăng những lời lẽ mang tính đả kích cá nhân, nhằm vào các cán bộ LĐBĐ như vừa qua là không thể chấp nhận. Những bài báo đó như một sự xúc phạm, đạp đổ, chứ không hề mang tính xây dựng.


LƯU CHU HƯNG 
 

Ảnh trong bài
  • Lại nói về chuyện ông TTK vừa từ chức.