Phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái tại cuộc họp Ban Thường vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam lần thứ 9 khoá 4 đã kết thúc và thành công. Nhân dịp này Website UBTDTT trích đăng bài phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái tại cuộc họp Ban thường vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

I/. Đánh giá hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: 

 Đánh giá một cách khách quan, trong nhiệm kỳ này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã làm được một số việc tốt:

          - Hệ thống quản lý, điều hành hoạt động bóng đá từng bước đi vào nền nếp.

          - Thành tích thi đấu của các đội tuyển (nam, nữ) có tiến bộ.

          - Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên được hình thành và vận hành khá nền nếp.

          - Hệ thống thi đấu quốc gia tiếp tục có nhiều cải tiến, được phân hạng rõ ràng, từ giải thi đấu của các câu lạc bộ chuyên nghiệp đến các giải hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, các lứa tuổi (U).

          - Quan hệ hợp tác quốc tế có sự tiến bộ. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam được các tổ chức FIFA, AFC, AFF đánh giá là thành viên tích cực. Trong thời gian qua, VFF đã tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ của các tổ chức quốc tế, thể hiện qua một số dự án, chương trình mà FIFA, AFC, AFF giúp Việt Nam để phát triển bóng đá.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu kể trên, trong hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể là:

          - Cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhân sự của Liên đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu mới của phát triển bóng đá. Trước hết là tư duy, nhận thức chung của cán bộ làm bóng đá còn chậm được đổi mới để thích ứng với yêu cầu của sự phát triển. Tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành còn yếu. Quy chế hoạt động của Liên đoàn có những tồn tại, bất cập. Trách nhiệm cá nhân và phân cấp quản lý chưa rõ ràng.

          - Trong thời gian qua, chúng ta để xảy ra 4 sự cố gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Liên đoàn Bóng đá:

                    + Sự cố trọng tài tại trận chung kết SEA Games 22;

                    + Sự cố bầu chọn cầu thủ vàng 50 năm của bóng đá Việt Nam;

                    + Thất bại của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại Tiger Cup 2004;

                    + Vụ việc thanh lý hợp đồng huấn luyện viên Letard.

          Cần nhìn sự việc một cách bình tĩnh và tỉnh táo. Chúng ta phải thấy được nguyên nhân chính của những thất bại, sai phạm là do đâu? ở khâu nào? Do trình độ chuyên môn hay do mô hình tổ chức, hay do cơ chế điều hành? Các khuyết điểm, sai phạm phải được kiểm điểm một cách hết sức nghiêm túc, thấu đáo, cả đối với tập thể và cá nhân liên quan.

          Trong 4 năm qua, Liên đoàn Bóng đá đã tổ chức thí điểm 04 mùa giải vô địch quốc gia bóng đá chuyên nghiệp. Kết quả là bóng đá Việt Nam đã có bước tiến bộ đáng kể. Nhưng qua 4 mùa giải đó cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong công tác tổ chức điều hành theo cơ chế chuyên nghiệp. Còn nhiều câu hỏi chúng ta chưa giải đáp được về thực chế bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam là như thế nào?

          Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chưa lý giải được 3 yếu tố cơ bản sau:

          a. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp chưa phản ánh thực chất tình hình bóng đá Việt Nam, còn nhiều bất cập, nhiều mâu thuẫn trong cơ chế điều hành.

          b. Chưa giải trình được nguồn tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật của bóng đá chuyên nghiệp. Thực chất ta đang vận dụng cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.

          c. Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp là nhân tố cơ bản, nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp. Trong những nước có nền kinh tế thị trường, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp thực chất là một doanh nghiệp. Trong việc xác định mô hình, tạo cơ chế chính sách và định hướng hoạt động đối với câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta còn nhiều lúng túng.

Tình trạng tiêu cực trong xã hội một phần đã thâm nhập, tác động vào các hoạt động bóng đá; tình trạng móc ngoặc bán độ, nhường điểm; tình trạng thô bạo trong thi đấu trên sân cỏ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Liên đoàn.

Trong bối cảnh chúng ta đang chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, chuyển đổi từ bóng đá nghiệp dư sang bóng đá chuyên nghiệp, việc không nắm bắt kịp thời sự biến động, phát triển của thực tiễn, chưa tập trung nghiên cứu sâu và nhận thức đầy đủ về cơ sở lý luận làm bóng đá chuyên nghiệp đã khiến chúng ta mắc phải một số sai lầm trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động bóng đá. Tóm lại, chúng ta đang hướng tới phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng tổ chức và điều hành lại chưa chuyên nghiệp. Cần phải khắc phục sự bất cập này!

- Một vấn đề bất cập nữa là mặc dù đã có sự tiến bộ về công tác đối ngoại, song trong hội nhập quốc tế chúng ta còn kém hiểu biết vè luật pháp quốc tế, chưa nghiên cứu nắm bắt một cách đầy đủ về những quy định của FIFA, AFC. Vì vậy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã mắc phải một số sai lầm. Đó là cái giá phải trả của sự thiếu hiểu biết trong quá trình hội nhập.

Những tồn tại, bất cập nêu trên là những bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm cho Ban chấp hành khoá mới.

II/. Việc tổ chức đại hội Liên đoàn Bóng đá và kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam.

1. Trước hết, chúng ta cần thống nhất nhận thức và sự cần thiết phải cải tổ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dựa trên những căn cứ sau đây:

- Bóng đá đã trở thành một vấn đề xã hội. ý nghĩa xã hội của bóng đá trước hết thể hiện ở sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Mọi hoạt động của Liên đoàn Bóng đá đều được xã hội giám sát và đánh giá. ở cấp độ đội tuyển, bóng đá còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Chúng ta làm bóng đá, nhưng cũng có nghĩa là đang thực hiện nhiệm vụ của quốc gia. Trách nhiệm rất lớn!

- Trong xu thế xã hội hoá ngày nay, hoạt động bóng đá không phải chỉ do anh em bóng đá làm. Anh em bóng đá chỉ lo một mảng về chuyên môn thôi. Cần phải huy động nhiều thành phần xã hội tham gia trong công tác quản lý, điều hành bóng đá thì mới phát huy sức mạnh phát triển bóng đá Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường hội nhập, muốn khẳng định vị thế ở khu vực và vươn lên tầm châu lục.

- ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và cần thiết phải có hình thức kỷ luật đối với những người có sai phạm, đồng thời sớm kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chúng ta phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sớm tiến hành Đại hội Liên đoàn Bóng đá nhiệm kỳ tới, vì sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.

2. Về xác định mô hình tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam: Việc xác định, lựa chọn mô hình tổ chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải đảm bảo những nguyên tắc và yêu cầu sau:

- Tổ chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao. Vì vậy bộ máy điều hành của Liên đoàn phải được chuyên môn hoá; tăng cường chế độ làm việc chuyên trách chứ không kiêm nhiệm như hiện nay.

- Đảm bảo nguyên tắc các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động độc lập, tuân thủ pháp luật; phát huy tối đa tính tự chủ của Liên đoàn theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế xã hội hoá các hoạt động thể dục thể thao.

- Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là thành viên của các tổ chức FIFA, AFC, AFF. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải phù hợp với các thông lệ quốc tế và các qui định, điều lệ của FIFA, AFC, AFF.

Như vậy, mô hình tổ chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải là sự kết hợp hài hoà giữa  mô hình của FIFA và nguyên tắc điều hành theo mô hình của một Tổng công ty. Nên đưa ra 2-3 mô hình để lấy ý kiến đóng góp của dư luận rộng rãi

3. Về cơ cấu nhân sự của Liên đoàn: Để phát huy hiệu quả hoạt động, Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nhiệm kỳ tới cần bao gồm những thành phần sau:

- Các nhà hoạt động chính trị - xã hội có uy tín;

- Các nhà doanh nghiệp có tâm huyết, nhiệt tình và hiểu biết về bóng đá;

- Các chuyên gia bóng đá có uy tín;

- Đại diện giới truyền thông, phát thanh, truyền hình, thông tấn báo chí;

- Các chuyên gia pháp luật, tài chính...

Để đảm bảo dân chủ, sau khi giới thiệu danh sách Ban chấp hành Liên đoàn khoá mới, có thể thông báo công khai để lấy ý kiến dư luận, hoặc lấy phiếu tín nhiệm rộng rãi.

4. Công tác chuẩn bị Đại hội sớm:

Để chuẩn bị tốt cho Đại hội Liên đoàn, Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo chặt chẽ các khâu chuẩn bị Đại hội. Thường vụ Liên đoàn bóng đá cần phối hợp chặt chẽ với các Vụ chức năng của Uỷ ban Thể dục thể thao để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Trước mắt, cần chuẩn bị chu đáo các văn kiện cho Đại hội: báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, dự thảo Điều lệ... Các văn kiện này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, có chất lượng; đánh giá được những mặt đã làm được, những tồn tại, nguyên nhân và biện pháp tháo gỡ, đồng thời vạch ra được phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các điều kiện đảm bảo và giải pháp đảm bảo triển khai thực hiện để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới. Dự thảo Điều lệ của Liên đoàn nhiệm kỳ tới cũng phải được điều chỉnh, bổ sung, khắc phục được những bất cập của Điều lệ hiện hành.

Tinh thần chung, đề nghị các bộ phận liên quan, các đồng chí có trách nhiệm tích cực, khẩn trương chuẩn bị để tiến hành Đại hội Liên đoàn sớm!

III/. Về kiểm điểm vụ việc thanh lý hợp đồng với Huấn luyện viên Letard:

Đây là vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phải nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Thường vụ và các cá nhân có liên quan; trên cơ sở đó có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng.

Theo Văn phòng Uỷ ban TDTT

 

Ảnh trong bài
  • Phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái tại cuộc họp Ban Thường vụ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam