Nỗi lo tiêu cực trước giờ G

Tại cuộc họp báo vừa qua, Ban tổ chức giải đã bày tỏ quan điểm chống tiêu cực đến cùng và đề nghị mọi người cùng hợp sức lôi những tiêu cực ra ánh sáng. Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi đến khả năng chống tiêu cực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các ban tổ chức giải...

Chỉ còn hơn 24h nữa trái bóng chuyên nghiệp sẽ lại lăn trên sân cỏ cả nước, nhưng liệu có đủ sức đưa Nguời hâm mộ (NHM) tới sân hay không thì còn phải chờ xem đã, lý do vẫn chỉ là một, nạn tiêu cực. Dẫu đã biết từ lâu, nhưng "đến hẹn lại lên" mỗi khi mùa giải mới sắp bắt đầu, chúng ta lại phải nhắc đến tiêu cực như là một trở ngại lớn nhất trong quá trình đưa bóng đá Việt Nam phát triển.
Có lẽ dạng tiêu cực mang tính truyền thống nhất đó là kiểu dàn xếp trước tỉ số giữa lãnh đạo của các đội. Bởi thực lực có hạn, nên đa số các đội bóng nhóm giữa áp dụng chiến thuật nhường điểm, chia điểm này, nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng, là tiết kiệm sức cho những trận đấu quyết định. Ở các mùa giải trước, có đội bóng chỉ thi đấu thật sự có 10/ 22 trận, còn một nửa trong số đó là những cuộc dàn xếp theo kiểu “anh thắng tôi lượt đi, tôi thắng anh lượt về”. NHM không ít lần chứng kiến cảnh xù nợ của các đội bóng trong các cuộc mua bán "tư cách" kiểu này. Việc ngày càng có nhiều các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào làm bóng đá chuyên nghiệp đã làm giảm đáng kể kiểu tiêu cực trên, các đội bóng đầu tư lớn, mướn thầy ngoại và cầu thủ nước ngoài, thì họ không thể chơi thứ bóng đá “bịp” ấy được. Nếu như các giải trước, số đội bóng chơi trung thực đếm chưa hết các ngón tay trên một bàn tay thì đến nay con số đó đã leo lên gần một chục.

Tiêu cực trong bóng đá còn là những trận độ “long trời, lở đất” trên khán đài, hoặc ở các căn phòng sang trọng, nơi mà các”đại gia” có máu mê đỏ đen mượn đôi chân cầu thủ làm phương tiện kiếm tiền. Khi ấy, đồng tiền cá cược sẽ luồn sâu vào từng đội bóng, lăn vào đôi tay của từng cầu thủ và biến họ thành những công cụ đắc lực, làm thay đổi kết quả các trận đấu.

Tuy nhiên, ở hai dạng tiêu cực trên vẫn có thể hạn chế, loại trừ một khi bóng đá thật sự chuyển sang chuyên nghiệp, nhưng dạng tiêu cực từ trọng tài thì khó khôn lường...
-" Khi trọng tài tiêu cực, đội bóng chỉ có thua"

Nhiều lãnh đạo đội bóng đã công khai bày tỏ quan điểm của mình với Ban tổ chức giải về vấn đề tiêu cực. Ông Phạm Phú Hòa, Trưởng đoàn bóng đá Gạch Đồng Tâm Long An cho rằng đội của ông không ngại các đối thủ, chỉ ngại trọng tài.

Một số huấn luyện viên (đề nghị giấu tên) cho biết không tin tưởng nhiều trọng tài cầm cân nẩy mực ở giải lần này. Họ nói nếu các vị trọng tài mắc những sai lầm thông thường của một con người thì không ai chấp, nhưng nhiều vị lại mắc sai lầm có chủ đích.

Các đội bóng rất ngại nói tên các trọng tài này, vì sợ bị “trù dập”, số khác không muốn “gây thù chuốc oán” thêm và thậm chí có đội đã lên kế hoạch P.R (Public Relation, tức “quan hệ đối ngoại”) riêng đối với các trọng tài. Họ nghĩ thà tốn thêm chút ít, mà được việc, còn hơn “không biết điều” thì dễ thiệt thân.

Tại cuộc họp báo vừa qua, Ban tổ chức giải đã bày tỏ quan điểm chống tiêu cực đến cùng và đề nghị mọi người cùng hợp sức lôi những tiêu cực ra ánh sáng. Tuy nhiên, người ta vẫn hoài nghi đến khả năng chống tiêu cực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các ban tổ chức giải...

Q.T
 

Ảnh trong bài
  • Nỗi lo tiêu cực trước giờ G