Thể thao dân tộc với nét đẹp văn hoá

Là một tỉnh miền núi phía Bắc Tây Nguyên với cộng đồng 34 dân tộc sinh sống, Gia Lai có thế mạnh các môn thể thao truyền thống như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co ...

Những môn thể thao dân tộc có ưu thế là kinh phí đầu tư ít và dễ chơi, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Vào những lễ hội đồng bào dân tộc chỉ cần một sợi dây thừng là tự tổ chức được trò chơi kéo co với sự tham gia của hàng chục người. Những người tham gia kéo co, có thể chia đội theo tốp nam, nữ; các bản, làng, xã...

Thông thường cuộc thi kéo co tự phát có những qui ước riêng, do những người chơi thống nhất với nhau. Các cuộc thi kéo co có ban tổ chức, các đội tham gia phải tuân thủ các qui định chung về số người tham gia trực tiếp, gián tiếp và trọng lượng toàn đội trực tiếp tham gia: hạng cân, số lượng vận động viên, hình thức thi đấu ...

Dù môn kéo co chơi dưới dạng tự phát hay có tổ chức thì sự vui nhộn, hấp dẫn và kịch tính luôn là đặc tính của môn chơi này. Để chiến thắng, môn kéo co phải có sự thống nhất về lực của tất cả các vận động viên và như vậy thông thường đội phải cử ra một người bắt nhịp. Kéo co là môn chơi mang tính đoàn kết, cộng đồng, thể hiện nét đẹp văn hoá cao.

Đối với dân tộc GiaLai, môn bắn nỏ đã đi vào lịch sử góp phần chống giặc ngoại xâm, với câu chuyện huyền thoại anh hùng Núp đã bắn “chảy máu Tây”. Người dân tộc thiểu số vẫn lưu giữ những chiếc nỏ tự tạo và vào những dịp lễ hội, đồng bào lại tổ chức thi bắn nỏ.

Bắn nỏ là môn thể thao truyền thống, đã được đưa vào thi đấu tranh giải trong các kỳ Đại hội thể dục thể thao cấp quốc gia và Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc. Vận động viên bắn nỏ, đòi hỏi phải có thần kinh khoẻ, tâm lý vững vàng, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao. Vận động viên có thể tham gia thi đấu đơn nam, đơn nữ, đôi nam nữ, đồng đội.

Đẩy gậy là môn thi cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của vận động viên. Đẩy gậy hấp dẫn người xem do kịch tính của môn thi. Hai vận động viên cùng hạng cân ra sân chào khán giả trong trang phục đặc trưng. Trọng tài giữ thăng bằng cho gậy, hai vận động viên trong tư thế sẵn sàng. Tiếng còi của trọng tài vang lên, các vận động viên vào cuộc trong sự reo hò của khán giả. Sự gay cấn của môn đẩy gậy tuỳ theo sự cân bằng về trình độ, sức lực của hai vận động viên và trận đấu diễn ra nhanh hay chậm. Thi đấu trong một vòng tròn cố định do Ban tổ chức qui định, vận động viên nào bị đối thủ đẩy bật ra khỏi xới là thua. Khi thi đấu, môn đẩy gậy được phân ra thành các hạng cân, tuỳ theo số lượng vận động viên tham gia, Ban tổ chức bố trí các hình thức thi đấu: vòng tròn tính điểm, loại trực tiếp, đấu theo bảng ...

Thể thao nói chung và các môn thể thao dân tộc truyền thống, giúp cho con người ngày càng hoàn thiện toàn diện về Trí, Đức, Thể, Mỹ, góp phần củng cố sức mạnh dân tộc. Để các môn thể thao truyền thống được duy trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần lành mạnh hoá xã hội, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, rất cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.

Trước mắt, năm 2005 BTC Đại hội TDTT các cấp cần cơ cấu các môn thể thao dân tộc vào nội dung môn thi đấu chính thức tại Đại hội. Có như vậy, các môn thể thao dân tộc mới được khơi dậy và phát huy, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Đức Thắng - Sở TDTT Gia Lai


 

Ảnh trong bài
  •  Thể thao dân tộc với nét đẹp văn hoá