Phong trào TDTT quần chúng ở An Giang

Từ lợi ích thiết thực của việc tập luyện TDTT, tại An Giang ngày càng đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu và đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm, Hoa, Khơme) đã tự nguyện tham gia tập luyện TDTT một cách tích cực, thường xuyên với các môn thể thao tiêu biểu như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Đá cầu, Bóng bàn, Đi bộ, Quần vợt, Xe đạp, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thể hình…

Từ lợi ích thiết thực của việc tập luyện TDTT, tại An Giang ngày càng đông đảo nhân dân từ thành thị đến nông thôn, kể cả vùng sâu và đồng bào dân tộc thiểu số (Chăm, Hoa, Khơme) đã tự nguyện tham gia tập luyện TDTT một cách tích cực, thường xuyên với các môn thể thao tiêu biểu như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Đá cầu, Bóng bàn, Đi bộ, Quần vợt, Xe đạp, Thể dục dưỡng sinh, Thể dục thể hình…Do vậy mà so với năm 2006 số người tập luyện TDTT thường xuyên trong toàn tỉnh tăng lên đáng kể từ 23% lên 25,4% (vượt 0,4% so với kế hoạch UBND tỉnh giao); số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao cũng tăng từ 20,2%  lên 21% (đạt 100%  kế hoạch UBND tỉnh giao).

Để thúc đẩy hơn nữa việc tập luyện TDTT trong nhân dân, ngay từ đầu năm 2007, An Giang đã tổ chức nhiều giải thể thao với quy mô ngày càng lớn hơn, thu hút số lượng VĐV tham gia thi đấu nhiều hơn. Ở cấp tỉnh đã tổ chức 30 giải thể thao, Hội thao thu hút 6.871 lượt VĐV tham dự. Cấp huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 215 giải thể thao, Hội thao, thu hút 31.950 lượt VĐV tham dự. Ở cấp xã đã tổ chức nhiều hoạt động TDTT phong phú và đa dạng thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nổi bật nhất là giải Bóng đá, Bóng chuyền và Việt dã nông dân. Trong đó, giải Bóng đá nông dân có 850 đội với 17.000 VĐV; giải Bóng chuyền nông dân có 838 đội với 10.056 VĐV và giải Việt dã nông dân có gần 15.000 VĐV tham dự.

Bên cạnh đó, năm 2007 có gần 140 CLB TDTT được thành lập, nâng tổng số CLB TDTT của tỉnh lên đến 911 CLB, ngoài ra còn có 695 nhóm tập có tổ chức và 711 điểm tập duy trì hoạt động đều đặn như: Bóng đá, Bóng chuyền, Thể dục dưỡng sinh, Xe đạp, Võ thuật, Cầu lông, Quần vợt, Đá cầu, Thể dục thể hình, Thể dục thẩm mỹ… Hiện nay, cả tỉnh thành lập được 05 tổ chức xã hội nghề nghiệp: CLB Bóng đá, Liên đoàn Quần vợt, Liên đoàn xe đạp – Môtô thể thao, Liên đoàn Cầu lông và Liên đoàn Điền kinh.

Về cơ sở vật chất để phục vụ cho việc tập, hiện toàn tỉnh có hơn 1.800 sân bãi, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho nhu cầu tập luyện thể thao các môn. Trong đó nhiều tư nhân đã bỏ vốn xây dựng các công trình phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như tập luyện TDTT của nhân dân lên tới hàng tỷ đồng, tiêu biểu như: CLB Khải Hoàn, CLB Kỷ Nguyên ở thành phố Long Xuyên; CLB Trần Phát, khu vui chơi giải trí Ngôi Sao ở thị xã Châu Đốc... Sự ra đời của các CLB trên là minh chứng rõ nhất thể hiện rõ hiệu quả của công tác xã hội hoá TDTT trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng VĐV trẻ nâng cao thành tích thể thao, ngành TDTT An Giang đã triển khai Chương trình năng khiếu trọng điểm ở các huyện, thị xã, thành phố bao gồm một số môn thể thao mà địa phương có thế mạnh như: Xe đạp, Điền kinh, Đá cầu, các môn Võ…

Với những kết quả trên, có thể nhận thấy sự quan tâm tạo mọi điều kiện của chính quyền các cấp, của ngành TDTT tỉnh Anh Giang cùng với nhân dân địa phương đã cùng nhau nỗ lực, để sự nghiệp TDTT của An Giang ngày càng vững bước, sánh ngang với nhiều địa phương khác trong cả nước, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển sự nghiệp TDTT của nước nhà trước thời kỳ hội nhập.

 

Hữu Sơn

Ảnh trong bài
  • Phong trào TDTT quần chúng ở An Giang