Chuyện Bóng đá

...Không còn những mức giá trên trời, cầu thủ dường như ngày càng hiểu rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi khi quyết tâm gắn bó cả cuộc đời với trái bóng. Như vậy cũng là một bước tiến dài của năng lực tư duy và quan niệm đúng đắn về nghề (cũng quan trọng không kém sự tiến bộ trong lĩnh vực chuyên môn).

Công Vinh có thể là kỷ lục chuyển nhượng mới của BĐVN. Ảnh: Internet
Dư luận những ngày này như đang sôi lên bởi thông tin về mức giá chuyển nhượng các cầu thủ, được coi là "hàng hiệu" của làng Bóng đá Việt Nam.

Những cái tên đã khẳng định được giá trị của mình nhờ trình độ và tầm ảnh hưởng cả ở màu áo CLB và đội tuyển Quốc gia như: Công Vinh, Ngọc Thanh, Thành Lương... đang được gắn liền với những khoản tiền lớn, lên tới hàng tỉ đồng, thật sự khiến cho những người quan tâm tới Bóng đá Việt Nam không khỏi giật mình, để rồi tự đưa ra các câu hỏi: Liệu những khoản tiền khổng lồ (so sánh với mặt bằng chung của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, vẫn còn ở mức khiêm tốn) đã tương xứng với giá trị thực của các cầu thủ? Hay là, chính xác hơn, sự tăng giá của các "món hàng" đặc biệt trên thị trường Bóng đá Việt Nam như vậy, liệu có phải là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phát triển, hay ngược lại, chỉ là hình ảnh của những cái bong bóng, càng phình to bao nhiêu thì càng tới gần thời khắc vỡ tan, mất mát bấy nhiêu.

Nhìn ra bên ngoài, giải Bóng đá Ngoại hạng Trung Quốc (C-League) có "tuổi đời" xấp xỉ với V- League. Quá trình hình thành và phát triển của giải đấu đó cũng vào quãng trên dưới chục năm. Bản thân C- Leagua cũng có những đặc điểm, yếu tố chi phối, tác động như: chuyên nghiệp hoá từ một nền thể thao được nhà nước bao cấp hoàn toàn; xuất phát điểm với trình độ chuyên môn thấp, nhưng lại phải chịu một sức ép vô cùng lớn từ sự hâm mộ của khán giả và căn bệnh thành tích của các cấp lãnh đạo trong và ngoài ngành TDTT; điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ không đáp ứng kịp nhu cầu tập luyện, thi đấu... cũng đã từng rất tự hào về tốc độ và quy mô phát triển của mình trong những năm đầu thành lập.

Còn nhớ hồi đó, giá trị của một ngôi sao hàng đầu như Hao Hai Dong, Li Tie hay Fan Zhi Yi... đã có lúc được tính bằng tiền triệu đôla Mỹ. Báo chí, rồi các nhà chuyên môn tại Trung Quốc, cũng như chúng ta hiện nay, đã vô cùng lo lắng. Họ sợ rằng đó là những giá trị... ảo, sẽ dễ dàng bóp chết các CLB Bóng đá non trẻ với các ông chủ tịch "bồng bột", tiềm lực thì có hạn, nhưng lại sở hữu những khao khát khôn cùng, nhiều lúc rất viển vông, luôn đắm chìm vào cuộc ganh đua, kèn cựa nhau qua các khoản phí chuyển nhượng "điên rồ", nhiều khi không hẳn là do các yêu cầu về chuyên môn. Rồi sợ số tiền khổng lồ kiếm được một cách quá nhanh chóng và dễ dàng ấy, không những chẳng giúp gì được cho các ngôi sao sân cỏ, mà ngược lại, biến thành liều độc dược, "hại chết" các cầu thủ của họ, khi mà hành trang để bước trên con đường thể thao chuyên nghiệp mới chỉ được chuẩn bị có một nửa, hoàn toàn thiếu đi phần quan trọng cho đời sống bên ngoài thảm cỏ.

Sự thực là chỉ sau đó một thời gian ngắn, khi những CLB được coi là hùng mạnh nhất, bạo gan nhất trên thị trường chuyển nhượng của C- League như: Vạn Đạt Đại Liên, Quốc An Bắc Kinh, Thân Hoa Thượng Hải... không hẹn mà cứ lần lượt đổi tên, thay chủ mới, thành ra những: Thạch Đức Đại Liên, Hyundai Bắc Kinh hay Inter Thượng Hải... người làm nghề mới giật mình thảng thốt. Hay tệ hơn, thêm một bằng chứng không thể chối cãi, đã cho thấy một cách rõ ràng nhất về chất lượng, giá trị thật sự của một nền Bóng đá, đó là trình độ của các cầu thủ cũng chẳng sáng sủa hơn gì. Li Tie, Sun Ji Hai, Shao Jia Yi ... và rất nhiều người khác nữa, lần lượt nhận lấy thất bại đắng chát khi tìm kiếm các cơ hội phát triển sự nghiệp ở Châu Âu - nơi mà mặt bằng trình độ Bóng đá thật sự phát triển và đã được thừa nhận.

Đa số họ không duy trì được phong độ của mình, không hẳn là do sự tác động từ yếu tố bên ngoài (lối sống buông thả như một số cầu thủ VN mắc phải, dẫn tới sự sa sút phong độ như trong thời gian qua, không được tính tới, bởi các cá nhân đó hoàn toàn chưa phải là một VĐV chuyên nghiệp) mà là do thiếu đi những phẩm chất khác, cơ bản và quan trọng hơn, ví như: kỹ năng tự đánh giá và điều chỉnh khả năng, trình độ vận động như của các VĐV tới từ Âu, Mỹ, - sản phẩm chỉ có được từ một nền thể thao thật sự chuyên nghiệp, tiên tiến và được đúc kết qua bề dày lịch sử. Và thế là các cầu thủ Trung Quốc cứ rơi rụng dần, với thành tích, biểu hiện chuyên môn năm sau kém hơn năm trước, mất đi khả năng cạnh tranh, để rồi phải chuyển dần xuống các CLB ít tên tuổi, có đẳng cấp thấp hơn.

...Đối diện với hiện thực đó, giờ đây các Nhà chuyên môn, quản lý của Bóng đá Trung Quốc mới thấy rằng: cần phải dũng cảm thừa nhận, đánh giá kỹ lưỡng, để trả lại cho nền Bóng đá quốc nội các giá trị thực, qua đó mới có thể vạch ra và thực hiện được các liệu pháp tích cực, nhằm nâng tầm trình độ. Hiệp hội, liên minh các CLB Ngoại hạng ra đời, để rồi từ đó, hình thành nên một thị trường chuyển nhượng cầu thủ lành mạnh, số lượng các vụ "đi đêm" ít hẳn đi nhờ được đảm bảo bằng các chế tài, luật lệ nghiêm khắc và chặt chẽ. Nhiều ông chủ "ngông nghênh" trước kia đã biết thay vì ném một đống tiền ra mua, bán một cách không hề chắc chắn, thì nay đã biết giành dụm, tích góp để mở trường hay các Trung tâm đào tạo ra những tài năng sân cỏ tương lai, thuộc sở hữu của mình. Không còn những mức giá trên trời, cầu thủ dường như ngày càng hiểu rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi khi đã quyết tâm gắn bó cả cuộc đời với trái bóng. Như vậy cũng là một bước tiến dài của năng lực tư duy và quan niệm đúng đắn về nghề (cũng quan trọng không kém sự tiến bộ trong lĩnh vực chuyên môn).

Riêng cá nhân tôi, không có ý so sánh hay gán ghép 2 nền Bóng đá Việt Nam và Trung Quốc, mà chỉ bởi đơn giản, lựa chọn đường - hướng nào cũng vậy, đều cần tới cái tâm, tầm, để rồi qua đó mới mong có được những đúc kết, bài học đúng đắn, để hoàn thiện bản thân mình.

Huy Long


 

Ảnh trong bài
  • Chuyện Bóng đá