Yên Bái : thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư TW Đảng, "về phát triển sự nghiệp TDTT tới năm 2010"

Quán triệt Chỉ thị 17 của Ban bí thư Trung ương Đảng, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra kế hoạch số 32 về việc phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao tới năm 2010. Mục tiêu cơ bản là nhằm tạo ra sự biến đổi căn bản trên cả 3 lĩnh vực: thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đưa Yên Bái trở thành một trong các tỉnh mạnh trong phong trào thể thao của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tính đến nay đã tròn hai năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao tới năm 2010. Quán triệt Chỉ thị 17 của Ban bí thư Trung ương Đảng, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra kế hoạch số 32 về việc phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao tới năm 2010. Mục tiêu cơ bản là nhằm tạo ra sự biến đổi căn bản trên cả 3 lĩnh vực: thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đưa Yên Bái trở thành một trong các tỉnh mạnh trong phong trào thể thao của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhìn lại hai năm thực hiện Chỉ thị 17 và Kế hoạch số 32 của Tỉnh Uỷ về chiến lược phát triển sự nghiệp Thể dục Thể thao tới năm 2010, Sở TDTT đã có nhiều cố gắng, có những biện pháp hữu hiệu tạo ra thành tích đáng phấn khởi. Trước tiên phải nói đến quá trình chuẩn bị chương trình hành động, cụ thể hoá từng mục tiêu, giải pháp, phối hợp với triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động Thể dục Thể thao. Ngành Thể dục Thể thao đã tổng kết chương trình phối hợp với 20 ngành giai đoạn (2001-2003) và tiếp tục ký chương trình phối hợp 2 năm (2004-2005) với 22 ngành và đoàn thể trong tỉnh. Cuộc vận động "5 triệu chữ ký ủng hộ SEAGAMES 22" đã thu hút gần 5 vạn người, từ các huyện vùng cao như: Trạm Tấu. Mù Cang Chải, tới các thị trấn huyện, thị và thành phố Yên Bái. Các hoạt động Thể dục Thể thao được tổ chức đa dạng và phong phú vừa mang lại bầu không khí vui tươi phấn khởi trong quần chúng nhân dân, vừa phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Số người tham gia tập luyện thường xuyên cho tới tháng 8 năm 2004 đạt trên 16% dân số (mục tiêu tới 2010 là 25% dân số) so với năm 2003 tăng từ 1,2 đến 1,5%. Đã có gần 12000 gia đình thể thao, gần 400 Câu lạc bộ thể thao cơ sở. Đội ngũ cán bộ thể thao xã, phường được bồi dưỡng theo chương trình hướng dẫn viên (hàng năm từ 200-250 người) bước đầu đã phát huy tác dụng ở cơ sở. Các xã Y can, Lương Thịnh, Hưng Khánh (Trấn Yên), các phường Pú trạng, Trung tâm (Thị xã Nghĩa Lộ) Mậu A (Văn Yên) có từ 10 tới 18 đội bóng đá, bóng chuyền. Tính riêng cấp huyện, thị ngành có tới hàng trăm cuộc thi đấu thể thao được tổ chức trong các dịp lễ tết, tiêu biểu là các ngành Công nghiệp, Nông nghiệp, Xây dựng, Y tế, các ban Đảng, Kho bạc, Ngân hàng, Đảng uỷ Khối cơ quan dân chính Đảng...

Công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên được quan tâm chú trọng, gắn liền với các hoạt động thể thao ngoại khoá, các liên đoàn, các hội, các Câu lạc bộ thể thao hoạt động có chất lượng hơn, đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động xã hội hoá, tổ chức một số giải có chất lượng chuyên môn tốt như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn...

Thể thao thành tích cao của Yên Bái cũng giành được thành tích khả quan. Năm 2003 tham gia thi đấu 27 giải quốc gia giành được 45 huy chương (10 vàng, 10 bạc và 22 đồng), 5 đội đạt hạng A quốc gia, 42 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia (trong đó có 12 kiện tướng). Đặc biệt Thể thao Yên Bái đóng góp cho thể thao Việt nam 5 vận động viên, 5 trọng tài và 1 huy chương bạc tại Đại hội thể thao Đông Nam Á SEAGAMES 22. Năm 2004 vận động viên Ngô Thị Ngà đã phá 2 kỷ lục quốc gia ở hạng 48 kg, động tác cử giật đạt 80 kg (kỷ lục cũ 73 kg), tổng cử 170 kg (kỷ lục cũ 165 kg) và giành liền 3 huy chương vàng.

Về xây dựng cơ sở vật chất có nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng. Nhà thi đấu tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc gia cũng được đưa vào khai thác sử dụng vào dịp Yên Bái đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Các công tác thi đua, tuyên truyền, tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra chống tiêu cực trong các hoạt động Thể dục Thể thao được dư luận trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những thành tích và kết quả đạt được nêu trên, thể thao Yên Bái cũng còn một số tồn tại nhất định. Trong đó, sự chuyển biên nhận thức của một số cơ sở địa phương tuy đã có nhiều đổi mới, song vẫn còn hạn chế nhất là trong việc xây dựng quy hoạch thiết chế văn hoá - thể thao, cấp đất xây dựng công trình thể thao, đào tạo đội ngũ cán bộ xã phường... Theo đó, sự hạn hẹp về kinh phí, cơ sở vật chất lạc hậu, sự non kém về trình độ của một số cán bộ thể thao, sự thiếu hụt giáo viên giảng dạy thể chất trong các nhà trường.... cũng là khó khăn không nhỏ hạn chế tới phong trào.

Để từng bước khắc phục những yếu kém trên, ngành Thể dục Thể thao Yên Bái sẽ chủ động kiểm điểm đánh giá những mặt được và chưa được, rà soát các mục tiêu, đề ra biện pháp thực thi có hiệu quả thiết thực. Trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhất là những văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Thực hiện công tác xã hội hoá Thể dục Thể thao, thông qua các hoạt động thể thao truyền thống, phối hợp tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhất là với cán bộ cơ sở, phấn đấu hàng năm là đơn vị xuất sắc trong cụm khu vực Tây Bắc.

Lê Hoà (Sở TDTT Yên Bái)

Ảnh trong bài
  • Yên Bái : thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Bí thư TW Đảng, "về phát triển sự nghiệp TDTT tới năm 2010"