Thế hệ vàng của thể thao TP HCM triển vọng tỏa sáng năm 2005?

Năm 2004, TP HCM gửi 30 VĐV tài năng của 10 môn đi tập luyện ở nước ngoài theo chương trình Thế hệ vàng. Các VĐV này hứa hẹn sẽ góp phần giúp thể thao thành phố lột xác năm tới, sau khi đã trải qua hơn một năm rèn luyện tại các quốc gia có nền thể thao phát triển như Trung Quốc, Australia, Nhật...

Chương trình Thế hệ vàng nằm trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Uỷ ban nhân dân thành phố, phát động trong năm nay, với 10 môn: điền kinh, thể dục, bóng bàn (tập huấn ở Trung Quốc), quần vợt, bơi lội (Australia), cờ vua, cử tạ (Bulgaria), cầu lông (Indonesia), taekwondo (Hàn Quốc) và judo (Nhật Bản). Kinh phí cho chương trình này gần 30 tỷ đồng, và được thực hiện đến năm 2006. Đây là một trong những chương trình trọng điểm nhằm đào tạo một thế hệ vận động viên giỏi để vực dậy nền thể thao TP HCM trong tương lai, trước mắt sẽ là Đại hội TDTT toàn quốc 2006, SEA Games 2007 và ASIAD 2010. Mặc dù chương trình này đến 2006 mới bắt đầu thu hoạch được kết quả, nhưng nhiều chuyên gia thể thao dự đoán năm 2005 chính là cột mốc quan trọng để TP HCM lấy lại danh tiếng của mình khi các VĐV này trở về nước bảo vệ màu cờ, sắc áo địa phương.

Trung bình một môn sẽ có 3 vận động viên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, và cũng tùy thuộc vào nhu cầu thực tế mà có sự biến đổi chút ít về số lượng. Những VĐV này đa số đều còn rất trẻ và được đánh giá là những tài năng thể thao. Họ được lựa chọn sau khi đã vượt qua hàng loạt cuộc sàng lọc nghiêm túc của Sở TDTT TP HCM. Để có thể vượt qua và có tên trong đội ngũ được đánh giá là Thế hệ vàng này cũng không phải là một điều dễ dàng. Ngoài tài năng thể thao, họ còn phải là những vận động viên có ý chí, quyết tâm cao độ, sẵn sàng trở thành một VĐV chuyên nghiệp, hết mình vì màu cờ sắc áo địa phương và quốc gia,...

Hiệu trưởng trường nghiệp vụ TDTT TP HCM, ông Nguyễn Nam Khoa, cho biết: "Hơn 30 VĐV này thật sự là những tài năng, họ sẽ là nòng cốt cho nền thể thao TP HCM trong những năm sắp tới như: Minh Quân (quần vợt), Mỹ Trang (bóng bàn), Ngọc Thịnh (nhảy cao),.... Và còn rất nhiều cá nhân xuất sắc nữa nhưng vì nhiều lý do khác nhau (chủ yếu là từ phía gia đình VĐV) nên chúng tôi không đưa vào chương trình này được như Lê Quang Liêm (cờ vua), Huy Bảo (bóng bàn),... Hy vọng từ năm sau trở đi, TP HCM sẽ lại là một trung tâm thể thao mạnh nhất nước. Các em đều đang phát triển rất tốt, Ngọc Thịnh đã bắt đầu đạt đến mức xà 2,05 đến 2,10 m. Thậm chí, 3 kình ngư của TP HCM tại Australia được trung tâm tập huấn giữ lại thi đấu cho họ cho đến tận 7/1/2005".

Những quốc gia được lựa chọn để gửi gắm các tài năng thể thao này cũng đã được Sở TDTT nghiên cứu rất kỹ dựa vào các tiêu chí: thành tích, kinh phí,... đặc biệt là sự phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Chế độ cũng là một phần rất được coi trọng của chương trình này. Điều kiện tập luyện, nơi ăn ở, HLV, giải trí... đều được các chuyên gia chú ý chăm sóc cho các VĐV. Ở Trung Quốc, Sở TDTT trung bình phải chi 30 USD người/ngày, ở Australia là 1.500 USD/tháng,... và các VĐV còn được 5 USD/ngày tiền tiêu vặt. Học văn hóa cũng là một phần bắt buộc, nếu họ muốn tiến xa trong nghề nghiệp thể thao của mình. Thậm chí kình ngư Quang Bảo đã thi đậu vào một trường phổ thông của Australia, còn lại đều phải dành một phần thời gian còn lại trong ngày sau giờ tập luyện để trau dồi văn hóa, ngoại ngữ.

Sở TDTT TP HCM quan tâm sâu sắc đến chương trình này, các chuyên gia, HLV được yêu cầu báo cáo thường xuyên thành tích của VĐV để có sự điều chỉnh kịp thời. Ngoài chương trình Thế hệ vàng này, TP HCM còn hàng loạt chương trình khác như: chỉnh hóa công tác tuyển chọn VĐV, quốc tế hóa trình độ HLV,... với mục tiêu là trong thời gian sớm nhất bắt kịp sự tiến bộ của các địa phương khác(đặc biệt là Hà Nội) và hòa nhập chung với trình độ của khu vực. Giới chuyên môn, đặc biệt là người hâm mộ thể thao TP HCM hy vọng rất nhiều vào thế hệ được gọi là vàng này sẽ "lấp lánh" thành tích cao vào năm sau.

Theo VnExpress

Ảnh trong bài
  • Thế hệ vàng của thể thao TP HCM triển vọng tỏa sáng năm 2005?