Đại hội TDTT sinh viên toàn quốc lần thứ 3, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng vào cuối tháng 10/2007 đã thu hút sự tham dự của gần 1.000 VĐV là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong cả nước. Nhìn vào số lượng đơn vị cũng như số VĐV tham dự chỉ riêng của giai đoạn 2 gồm 5 môn: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cờ Vua, Điền kinh và Thể thao quốc phòng (giai đoạn 1 đã tổ chức 3 môn: Bóng rổ, Taekwondo, Cầu lông), hẳn các nhà tổ chức sẽ rất phấn khởi vì quy mô của nó đã vượt xa 2 kỳ Đại hội trước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Để Đại hội thành công hơn và thực sự trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đại đa số học sinh, sinh viên (hoặc du học sinh nước ngoài học tại VN), có lẽ vẫn còn nhiều việc cần được rà soát, chấn chỉnh và bổ sung.
Trước hết, về mặt thành phần và đối tượng tham dự, trong bối cảnh hiện nay, các nhà tổ chức đã rất có lý khi “khoanh vùng” đối tượng trong điều lệ Đại hội: “sinh viên, học sinh chuyên nghiệp hệ chính quy tập trung hiện đang học tập trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học dạy nghề trong toàn quốc đều được quyền tham dự”. BTC sẽ không thể quản lý và kiểm soát được số VĐV thuộc các hệ tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa học theo hình thức tích luỹ tín chỉ vv… Do đó, việc khoanh vùng như hiện nay dường như chưa đủ và chỉ mới đáp ứng được yêu cầu “dễ kiểm soát” cho các nhà tổ chức. Điều này còn có thể xuất phát từ quy định của điều lệ Đại hội TTSV Đông Nam Á cho phép như thế. Nhìn về tổng thể thì quy định của BTC là khá chặt chẽ, song xét về bên trong nó cũng bộc lộ một số điểm đáng quan tâm.
Mặc dù đều thoả mãn điều kiện mà Điều lệ đưa ra, nhưng sinh viên, học sinh có nhiều loại cùng tranh tài trong một sân chơi ắt có điểm không công bằng và do cảm thấy ít có cơ hội nên số đông SVHS là VĐV không chuyên sẽ ít có hứng thú để nhập cuộc. Hơn nữa, có thể do kinh phí không cho phép, số lượng môn thi được tổ chức còn ít. Đó là chưa kể đến một bất cập khác, do điều lệ không chặt chẽ nên một số trường đã “kéo” các SV là thành viên của ĐTQG chuẩn bị cho SEA Games 24 tham dự Đại hội này. Điều này phải chăng ít nhiều xuất phát từ căn bệnh chạy theo thành tích - một trong hai vấn nạn khiến Bộ Giáo dục & Đào tạo phải đưa vào cuộc vận động “hai không” thời gian gần đây.
Trước những vướng mắc đó, nên chăng ở những kỳ tổ chức Đại hội TDTT sắp tới, các nhà tổ chức – Hội Thể thao Đại học và Chuyên nghiệp VN cần nghiên cứu để có cách “khoanh vùng” cụ thể hơn về thành phần tham dự. Bởi nếu giữ như hiện nay để làm cơ sở cho việc chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội TTSV Đông Nam Á diễn ra vào năm kế tiếp thì thời điểm tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc phải được xác định sao cho ít gây ảnh hưởng nhất đến các sinh viên là VĐV ĐTQG sẽ dự SEA Games, Asian Indoor Games, Asiad hay Olympic vv…
Để nhằm thu hút đông đảo SVHS tham dự Đại hội các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc, có lẽ BTC nên "xiết chặt" điều lệ thi đấu, ví dụ như không cho phép các VĐV là thành viên đội dự tuyển quốc gia, đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội. Nhưng số VĐV không được dự Đại hội TDTT SV toàn quốc vẫn sẽ được xem chọn vào các đội tuyển dự Đại hội TTSV Đông Nam Á. Thêm nữa, nên chăng Đại hội sẽ được thi đấu theo hai hệ: hệ chuyên nghiệp (gồm 8 trường Đại học TDTT I Từ Sơn – Bắc Ninh, Đại học TDTT II Tp. HCM, Đại học TDTT III - Đà Nẵng, ĐHSP TDTT I Hà Tây, ĐHSP TDTT II Tp. HCM, Cao đẳng TDTT Thanh Hoá, Trung học TDTT Yên Bái, Trung học TDTT Tp. Cần Thơ và SV khoa giáo dục thể chất các trường ĐHSP khác), dự tranh ở giai đoạn 2 của Đại hội; hệ không chuyên nghiệp sẽ gồm tất cả các trường ĐH, CĐ, THCN và dạy nghề còn lại (thi đấu giai đoạn I tại các khu vực được phân chia theo địa dư), thi đấu với số lượng môn thi đa dạng hơn (bổ sung các môn thể thao dân tộc, dễ tổ chức và ít tốn kém kinh phí như: Kéo co, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Vật dân tộc, Võ cổ truyền, Vovinam...).
Thiết nghĩ, Đại hội TDTT SV toàn quốc muốn trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích và thu hút ngày càng đông đảo SVHS tham gia trước hết nó phải được quy chuẩn hoá bằng các thể lệ cuộc thi hợp lý nhằm góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong tương lai.