Các ứng cử viên chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế cam kết hành động nhằm biến đối khí hậu

Người lãnh đạo tiếp theo của Ủy ban Olympic quốc tế sẽ phải thực hiện cam kết của tổ chức là giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và giám sát các tổ chức thể thao thực hiện điều tương tự.

Theo lý giải của Ứng cử viên chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế David Lappartient: Ủy ban Olympic quốc tế chỉ có cơ hội họp và tranh luận về tương lai của tổ chức sau mỗi 08 hoặc 12 năm. Và điều quan trọng là các thành viên phải xem ứng cử viên nào có đủ năng lực để lãnh đạo tổ chức. Ông nhấn mạnh rằng Ủy ban Olympic quốc tế đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon và lựa chọn tổ chức nhiều cuộc họp và hội nghị truyền hình hơn khi có thể.

Các ứng cử viên cho vị trí chủ tịch tương lai của Ủy ban Olympic quốc tế

Khi Thomas Bach từ chức vào tháng 3, người tiếp theo lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc tế sẽ phải thực hiện cam kết của tổ chức là giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030 và giám sát các tổ chức thể thao thực hiện điều tương tự.

Có thể nói, việc đi lại là một trong những hoạt động tạo ra lượng khí thải carbon lớn nhất trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế. Thế vận hội Olympic mùa hè Paris, được ca ngợi vì các chiến lược phát triển bền vững đã giảm được một nửa lượng khí thải so với các kỳ Thế vận hội trước. Theo báo cáo, lượng khí thải carbon chiếm 53% tổng lượng khí thải carbon, được tính toán là 1,59 triệu tấn CO2 tương đương. Con số này chưa tính đến các vòng loại Olympic và các cuộc thi trong quá trình chuẩn bị.

Biến đổi khí hậu và tính bền vững là một số lĩnh vực chính mà Ủy ban Olympic quốc tế cần giải quyết, với nhiều liên đoàn lo ngại về tương lai của các môn thể thao và sức khỏe của các VĐV. Vâỵ các ứng cử viên đã chia sẻ vấn đề này thế nào trong các chiến dịch của họ.

David Lappartient

David Lappartient nêu chi tiết những thách thức và hậu quả của biến đổi khí hậu trong bản tuyên ngôn của mình và nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua vấn đề này. David Lappartient cũng thừa nhận vai trò của Ủy ban Olympic quốc tế và thể thao nói chung là cầu nối cho sự thay đổi và tin rằng họ đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại các vấn đề về khí hậu.

Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp Quốc tế đặt mục tiêu bảo đảm tương lai của Thế vận hội Olympic mùa đông và đề cập đến việc lên lịch lại Thế vận hội Olympic mùa hè. Ông cũng thúc đẩy phát triển bền vững phù hợp với hành động vì khí hậu. Hơn nữa, David Lappartient kêu gọi các bên liên quan của phong trào Olympic, bao gồm cả các VĐV, phải có trách nhiệm hơn để phù hợp với chiến lược khí hậu của Ủy ban Olympic quốc tế.

Johan Eliasch

Một trong những tiếng nói toàn cầu nổi bật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Chủ tịch Liên đoàn tượt tuyết quốc tế nhấn mạnh rằng cam kết về tác động carbon thấp là điều cần thiết và việc lập kế hoạch cẩn thận là chìa khóa. Johan Eliasch trước đây đã tuyên bố rằng tính bền vững phải là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Ủy ban Olympic quốc tế và tự định vị mình là một bên hành động vì khí hậu. Ông cũng là người đã thành lập Quỹ Rừng nhiệt đới vào năm 2005 và mua 1.600 km2 rừng nhiệt đới Amazon để bảo tồn, hy vọng rằng Thế vận hội có thể sử dụng thương hiệu của mình để nâng cao nhận thức và trở thành người đi đầu trong việc giúp các doanh nghiệp và cá nhân đưa ra những lựa chọn tốt hơn. Ông cũng đề xuất 'Thành phố Rừng' cho mỗi thành phố đăng cai để bảo tồn.

Hoàng tử Feisal Al Hussein

Feisal Al Hussein tin rằng một trong những đóng góp tiềm năng lớn nhất mà thể thao có thể mang lại là giúp bảo vệ hành tinh và hướng đến mục tiêu thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Ủy ban Olympic quốc tế để bảo vệ những người tham gia thể thao và tài nguyên thiên nhiên của hành tinh. Ông nhấn mạnh trong bản tuyên ngôn của mình rằng chúng ta không thể đạt được một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao bằng cách đánh đổi môi trường.

Thành viên Ban điều hành tuyên bố rằng Ủy ban Olympic quốc tế phải đáp ứng hoặc vượt quá các cam kết của mình về việc giảm phát thải carbon và tận dụng các chương trình tiếp cận cộng đồng để cung cấp giáo dục và thu hút những người theo dõi bảo vệ khí hậu.

Juan Antonio Samaranch Jr

Bản tuyên ngôn của Juan Antonio Samaranch Jr tuyên bố rằng phong trào Olympic có thể đóng vai trò là chất xúc tác và là mô hình cho sự tiến bộ bằng cách tích hợp các hoạt động thực hành tốt nhất trong các lĩnh vực như hành động vì khí hậu. Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Mặc dù phạm vi hoạt động của Ủy ban Olympic quốc tế rất rộng, tuy nhiên, ông tin rằng tác động trực tiếp của Ủy ban Olympic quốc tế đến môi trường là có hạn. Vì vậy tổ chức này vẫn phải tiếp tục tăng cường cam kết trở thành tổ chức tích cực về carbon trong mọi hoạt động của mình. Ông cũng đã đề xuất lên lịch lại Thế vận hội do các quốc gia cực kỳ nóng tổ chức vào mùa đông để ứng phó với nhiệt độ tăng cao.

Kirsty Coventry

Coventry tin rằng Thế vận hội Olympic phải là tấm gương về trách nhiệm với môi trường. Bà đề xuất các hoạt động thực hành bền vững trong cơ sở hạ tầng, hậu cần và hoạt động, cùng với việc áp dụng các sáng kiến ​​để giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu lượng khí thải carbon.

Sebastian Coe

Sebastian Coe cho biết trong bản tuyên ngôn của mình rằng ông sẽ đưa các mục tiêu đầy tham vọng về môi trường vào mọi khía cạnh của Thế vận hội, đặt ra các tiêu chuẩn mới về tính bền vững và đổi mới xanh trong thể thao để đưa Thế vận hội trở thành người bảo vệ tính bền vững. Người đứng đầu Điền kinh thế giới cũng là người ủng hộ các vấn đề về khí hậu và lên tiếng phản đối tình trạng môi trường ngày càng xấu đi và triển vọng tương lai của thể thao. Điền kinh thế giới có chiến lược bền vững mạnh mẽ, quản lý tận tụy và nhân viên toàn thời gian hướng dẫn các sự kiện và thành viên của mình để đáp ứng các nghĩa vụ về môi trường, xã hội và quản lý. Điền kinh thế giới đang hướng tới chính sách du lịch bền vững và tái cấu trúc lịch thi đấu để giảm khoảng cách mà mọi người cần di chuyển.

Morinari Watanabe

Morinari Watanabe đã đề xuất một thay đổi lớn đối với thể thức Olympic rằng "Thế vận hội Olympic đã phát triển quá lớn và hiện nay việc tổ chức chúng ở hầu hết các thành phố đều gặp khó khăn về mặt kinh tế và môi trường". Ông đề xuất tổ chức ở cả năm châu lục với quyền đăng cai được chia sẻ giữa năm thành phố khác nhau, với Thế vận hội diễn ra 24 giờ một ngày trong khi vẫn được phát sóng. Để tái tạo sự thống nhất của làng Olympic, ông đề xuất tổ chức Diễn đàn Olympic để tập hợp các VĐV lại dưới một mái nhà vào cuối năm diễn ra Thế vận hội. Mặc dù những ý tưởng mang tính đột phá này được đánh giá có thể giải quyết những khó khăn về kinh tế và môi trường cho nước chủ nhà, nhưng vẫn chưa rõ tác động chung sẽ như thế nào đối với khí hậu.

A.T biên dịch, ảnh insidethegames

Ảnh trong bài
  • Các ứng cử viên chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế cam kết hành động nhằm biến đối khí hậu