Sáng kiến này nhằm mục đích ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng và là một phần trong nỗ lực liên tục nhằm đảm bảo an toàn kỹ thuật số cho các VĐV trước tình trạng lạm dụng ngày càng gia tăng, được phát hiện trên internet trong các sự kiện quốc tế lớn.
Điền kinh thế giới công bố báo cáo phân tích tình trạng lạm dụng trực tuyến trong bốn năm qua (ảnh: insidethegames)
Nghiên cứu tiên phong phân tích các hành vi bắt nạt trực tuyến sử dụng dịch vụ Threat Matrix từ Signify Group, phân tích tập trung vào các cuộc thi như Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, Giải vô địch Điền kinh thế giới Oregon 2022, Giải vô địch thế giới Budapest 2023 và Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024. Tổng cộng, hơn 1,4 triệu bài đăng đã được theo dõi để bảo vệ 2.438 VĐV.
Đây là lần đầu tiên một Liên đoàn thể thao quốc tế tiến hành một cuộc kiểm tra chi tiết như vậy về bắt nạt trên mạng. Kể từ khi bắt đầu tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, phạm vi của dự án đã tăng đáng kể, mở rộng từ việc chỉ theo dõi Twitter sang bao gồm cả Instagram, Facebook và TikTok cho Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024. Hơn nữa, số lượng VĐV được bảo vệ đã tăng từ 161 lên 1.917 trong vòng bốn năm với phạm vi bao phủ cho phép xác định các mô hình lạm dụng đáng lo ngại.
Trong số những phát hiện đáng chú ý nhất của báo cáo, cần lưu ý rằng Twitter vẫn là nền tảng ưa thích của những kẻ bắt nạt trên mạng trong thời gian thực tại các sự kiện thể thao. Đây cũng là nền tảng cung cấp quyền truy cập toàn diện nhất vào dữ liệu. Trong khi đó, Instagram, Facebook và TikTok đang trở nên phổ biến hơn nhưng lại đặt ra nhiều thách thức hơn để phát hiện. Ngoài ra, còn có sự gia tăng trong việc sử dụng biểu tượng cảm xúc với mục đích lạm dụng, được sử dụng để lách luật nội dung của nền tảng.
Chủ tịch Điền kinh thế giới Sebastian Coe nhấn mạnh tầm quan trọng của những sáng kiến như vậy: "Trong bốn năm qua, chúng tôi đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc nghiên cứu tình trạng lạm dụng trực tuyến trong các sự kiện lớn của môn Điền kinh. Một trong những thành tựu lớn nhất là hỗ trợ các VĐV và cung cấp cho họ các công cụ để chủ động bảo vệ bản thân. Sức khỏe của các VĐV là ưu tiên hàng đầu của tổ chức".
Báo cáo cũng nêu chi tiết về tác động trực tiếp của bắt nạt trên mạng đối với các VĐV. Valerie Adams, Chủ tịch Ủy ban VĐV của Điền kinh thế giới, giải thích rằng "Được thi đấu tại một giải vô địch toàn cầu là một trong những thành tựu lớn nhất đối với nhiều VĐV, nhưng nó cũng mang lại nhiều áp lực hơn. Phương tiện truyền thông xã hội là một công cụ tuyệt vời để kết nối với người hâm mộ và xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng khi những kẻ phá đám ẩn danh gửi tin nhắn lăng mạ, điều đó có thể phá hỏng trải nghiệm. Nhiều VĐV chọn cách ngắt kết nối tài khoản của họ trong những khoảnh khắc quan trọng đó".
Tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, 240.707 bài đăng đã được phân tích, trong đó 132 bài được xác minh là có nội dung lăng mạ. Trong số này, 63% nhắm vào hai VĐV nữ, trong khi 29% nội dung lăng mạ là phân biệt giới tính và 26% là phân biệt chủng tộc. Tại Oregon 2022, các bài đăng được theo dõi đã tăng lên 427.764, với 59 bài được xác định là lăng mạ, 36% trong số đó là nội dung khiêu dâm hoặc phân biệt giới tính và 19% là phân biệt chủng tộc.
Đối với Giải vô địch thế giới Budapest 2023, nội dung phân biệt chủng tộc chiếm 35%, tăng gấp 12 lần so với sự kiện trước đó. Tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, trọng tâm là 355.873 bài đăng, với 809 bài được đánh dấu là ví dụ về bắt nạt trên mạng. Trong số này, 18% là phân biệt chủng tộc, 13% là khiêu dâm và 17% là phân biệt giới tính. Dữ liệu cho thấy hai VĐV đã nhận được 82% trong số tất cả các lời lăng mạ được phát hiện.
Một trong số các biện pháp mà Điền kinh thế giới thực hiện là tạo ra các tài liệu giáo dục để giúp các VĐV quản lý tài khoản của mình và bảo vệ bản thân khỏi bị lạm dụng trực tuyến. Trong thời gian nghiên cứu, 1.258 bài đăng lạm dụng đã được báo cáo lên các nền tảng có liên quan và 254 tài khoản chịu trách nhiệm đã được xác định và báo cáo lên các nền tảng để có hành động thích hợp. Trong hai trường hợp nghiêm trọng, các báo cáo đã được gửi lên chính quyền. Ngoài ra, bảo vệ trí tuệ nhân tạo đã được cung cấp quanh năm cho 25 VĐV được xác định là rất dễ bị tổn thương.
Nghiên cứu cũng bao gồm các phát hiện bổ sung, chẳng hạn như thực tế là 03 trong số 05 VĐV bị tấn công nhiều nhất tại Giải vô địch thế giới Budapest 2023 cũng là mục tiêu được ưa chuộng tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024, phản ánh một mô hình đáng lo ngại về tình trạng lạm dụng dai dẳng đối với một số VĐV nhất định.
Báo cáo nhấn mạnh rằng mặc dù các VĐV phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng, nhưng cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong bảo vệ kỹ thuật số. Chủ tịch Sebastien Coe nhắc lại, "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các bước để đảm bảo rằng các VĐV có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách tự tin và an toàn".
Với những phát hiện này, Điền kinh thế giới đang xây dựng một kế hoạch hành động để tăng cường chính sách bảo vệ của mình và đảm bảo rằng các giải pháp được điều chỉnh theo nhu cầu thực sự của những người bị ảnh hưởng. Điều này bao gồm các cuộc tham vấn trực tiếp với các VĐV để tinh chỉnh các chiến lược bảo vệ. Nghiên cứu không chỉ làm sáng tỏ mức độ bắt nạt trên mạng mà còn nhấn mạnh đến nhu cầu phải nỗ lực liên tục để tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn cho tất cả các VĐV.
A,T biên dịch