Những bài học kinh nghiệm từ TVH Bắc Kinh

Các quan chức thể thao Philippines cho biết: họ học được nhiều kinh nghiệm từ Olympic Bắc Kinh để từng bước nâng cao trình độ của các VĐV Philippines cũng như nâng cao khả năng giành thành tích cao nhất tại các sự kiện thể thao quốc tế.


VĐV Prapawadee Jaroenrattanatarakoon giành HCV đầu tiên cho Thái Lan tại TVH Bắc Kinh 2008. Ảnh: AP
Các quan chức thể thao Philippines cho biết: họ học được nhiều kinh nghiệm từ Olympic Bắc Kinh để từng bước nâng cao trình độ của các VĐV Philippines cũng như nâng cao khả năng giành thành tích cao nhất tại các sự kiện thể thao quốc tế.

Chủ tịch Uỷ ban Olympic Philippines, William "Butch" Ramirez nhấn mạnh: Vào thời điểm này, Philippines nên tập trung vào những môn thể thao mũi nhọn mới mong có cơ hội cao giành huy chương ở đấu trường lớn nhất hành tinh này. Việc tuyển chọn các VĐV tài năng nên bắt đầu thực hiện sớm và những người được chọn phải trải qua những chuyến tập huấn kéo dài từ 8 đến 12 năm. Đây là một việc làm cấp thiết nếu muốn giành huy chương tại Olympic.

Ông cũng đưa ra ví dụ về Thái Lan, một cường quốc thể thao ở khu vực Đông Nam Á. Tại Olympic lần này, Thái Lan đã giành được 2 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Số lượng huy chương giành được của Thái Lan chủ yếu tập trung vào các môn Cử tạ, Quyền anh...

Thành công của Thái Lan tại các kỳ TVH cũng là do nước này đã có chương trình tập huấn dài hạn cho các tài năng trẻ ở môn Quyền anh và tại Thái Lan bắt đầu từ khi 10 tuổi các VĐV tài năng đã được giới thiệu về môn thể thao truyền thống của quốc gia. Sau đó, các VĐV này sẽ trải qua các đội tập huấn để tuyển chọn ra những VĐV có khả năng tham gia các chuyến tập huấn dài ngày. Sau những chuyến tập huấn dài ngày này, các VĐV sẽ trở thành những hy vọng vàng của thể thao Thái Lan tại các sự kiện thể thao lớn.

Ở môn Cử tạ, Thái Lan cũng đang đào tạo thế hệ thứ 3 của các VĐV Cử tạ dưới sự huấn luyện của các chuyên gia người Trung Quốc. Các chương trình tập huấn cho các VĐV Cử tạ thường kéo dài ít nhất là 5 năm cho đến thời điểm các VĐV tham gia tranh tài tại Olympic. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thế hệ VĐV Cử tạ trẻ Thái Lan sẽ giành thành tích cao hơn tại các kỳ Olympic tới.

Một nước khác ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia. Indonesia đã bị mất vị trí đứng đầu môn Bắn cung sau khi gặp khủng hoảng về tài chính năm 1996. Hiện tại, nước này đang tập trung vào môn Cầu lông. Tại Olympic Bắc Kinh, Indonesia giành 3 huy chương, đều là những tấm huy chương ở môn Cầu lông (1 HCV nội dung đôi nam, 1 HCB nội dung đôi nam nữ và 1 HCB nội dung đơn nữ). Thành tích của Indonesia tại Olympic lần này ở môn Cầu lông cũng là điều dễ hiểu bởi Cầu lông ở nước này cũng được tập trung đầu tư cao và được phát triển khá rộng rãi như môn Muay thái của Thái Lan. Malaysia cũng đã tập trung cho môn Bơi, trong khi Singapore lại có thành tích cao ở môn Bóng bàn.

Từ thành tích của các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông Ramirez chỉ ra rằng: hiện tại Philippines vẫn tập trung nguồn kinh phí cho tất cả 36 môn thể thao. Tuy nhiên do nguồn kinh phí không nhiều, trong thời gian tới Philippines phải tập trung vào các môn thể thao mũi nhọn với mục tiêu giành thành tích tại Olympic. Thậm chí nếu đầu tư 30 triệu Peso trong 1 năm trong chương trình Olympic cũng sẽ không giải quyết được việc nâng cao thành tích bởi phải cần thời gian dài với những chuyến tập huấn dài hạn mới giúp các VĐV giành thành tích cao tại các đấu trường lớn nhất thế giới.

 

Quỳnh Trang (theo jakartapost)


 

Ảnh trong bài
  • Những bài học kinh nghiệm từ TVH Bắc Kinh