Chia sẻ về vai trò này, Ryan Pini cho biết mục tiêu của mình là ủng hộ sự hỗ trợ và giáo dục về vấn đề này cho các VĐV trên toàn thế giới. Động lực để Ryan Pini hoàn thành sứ mệnh của mình bắt nguồn sâu sắc từ những trải nghiệm của chính bản thân.
Ủy ban Olymoic quốc tế chú trọng vấn đề sức khỏe tâm thần trong thể thao (ảnh: insidethegames)
Khi nhớ lại giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp của mình vào khoảng năm 2009, khi hoàn toàn mất hứng thú với môn Bơi, Ryan Pini nhấn mạnh: "Tôi đến muộn và về sớm; tôi không nỗ lực và cảm thấy mình chẳng có gì để cống hiến trong quá trình tập luyện. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, vì vậy tôi quyết định tìm hiểu một chút trên mạng. Và điều đầu tiên hiện ra là về sức khỏe tâm thần, điều này khiến tôi hơi bất ngờ – tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra với mình".
Nhưng sau đó, nhờ sự hướng dẫn của HLV và tình yêu thương của gia đình, Ryan Pini bắt đầu giải quyết được vấn đề. Cùng với đó, mạng lưới hỗ trợ đã giúp Ryan Pini nhận ra sự cần thiết của việc nói chuyện cởi mở về những trở ngại. "Bạn không cần phải là một chuyên gia. Bạn chỉ cần một không gian an toàn để đối thoại, để trò chuyện về cảm xúc của mình. Đây là điều rất quan trọng", Ryan Pini đúc kết từ những kinh nghiệm mà mình đã trải qua.
Nhiệm vụ cùa một đại sứ như Ryan Pini là đưa những trải nghiệm này đến với đông đảo những VĐV đang có nhu cầu và khuyến khích các VĐV, đặc biệt là những người đến từ những khu vực mà sức khỏe tâm thần vẫn còn là điều quá xa lạ, để họ có thể chia sẻ những khó khăn của mình.
Cùng với sự trợ giúp của Ủy ban Olympic Papua New Guinea (PNGOC) và Ủy ban Olympic quốc gia châu Đại Dương (ONOC), Ryan Pini đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu tại Diễn đàn VĐV châu Đại Dương, tổ chức các hội thảo tập trung vào việc bắt đầu các cuộc trò chuyện về vấn đề tâm lý.
Từ các diễn đàn này, một thực tế đã được nhìn nhận rằng ở một số cộng đồng, khái niệm về sức khỏe tâm thần hầu như không được thừa nhận, thậm chí, nó giống như thể là một khái niệm không tồn tại.
Hướng dẫn chung của Ủy ban Olympic quốc tế về sức khỏe tâm thần
Có thể nói, sự quyết tâm của Ryan Pini cùng với những nỗ lực rộng hơn của Ủy ban Olympic quốc tế đã từng bước giải quyết được vấn đề sức khỏe tâm thần trong thể thao.
Sau khi triển khai thành công các sáng kiến về sức khỏe tâm thần tại Paris 2024, Ủy ban Olympic quốc tế đã xây dựng "Hướng dẫn về sức khỏe tâm thần cho các sự kiện thể thao lớn", nhằm thiết lập một bộ tiêu chuẩn mới về chăm sóc tâm lý trong toàn bộ phong trào Olympic.
Những hướng dẫn này do Ban Y tế và Khoa học Ủy ban Olympic quốc tế xây dựng với sự hợp tác của Nhóm công tác sức khỏe Tâm thần và ý kiến đóng góp từ Liên đoàn Thể thao Quốc tế (IF). Qua đó, đã cung cấp các nguồn lực vô giá để đảm bảo các biện pháp sức khỏe tâm thần an toàn, toàn diện và hiệu quả được tích hợp vào quá trình lập kế hoạch cho các sự kiện thể thao, từ khâu hình thành ý tưởng đến khâu thực hiện.
Từ những hướng dẫn này, BTC được khuyến khích hỗ trợ các VĐV ở mọi giai đoạn của cuộc thi, từ khâu chuẩn bị trước cuộc thi đến khâu phục hồi sau cuộc thi. Mục đích là đảm bảo sức khỏe tinh thần của các VĐV và đội ngũ hỗ trợ của họ, đồng thời thúc đẩy thảo luận về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần tốt và quyền được hưởng sức khỏe tinh thần của các VĐV.
Chủ tịch Liên đoàn Trượt băng Quốc tế Kim Jae-youl cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng: “Sức khỏe tinh thần cũng quan trọng đối với thành công của một VĐV như thể lực. Chúng tôi hiểu rằng các VĐV ưu tú phải đối mặt với áp lực rất lớn. Với tư cách là một tổ chức, chúng tôi có trách nhiệm tạo ra môi trường ưu tiên sức khỏe tinh thần của họ. Chúng tôi rất vui khi thấy Ủy ban Olympic quốc tế chú trọng hơn vào vấn đề quan trọng này và cam kết sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho các VĐV của chúng tôi”.
Paris 2024: hình mẫu cho các kỳ Thế vận hội trong tương lai
Chương trình sức khỏe tinh thần được giới thiệu tại Paris 2024 đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần tại Thế vận hội. Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất là việc giới thiệu chương trình phòng ngừa lạm dụng trực tuyến.
Bằng cách tận dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát và lọc các tương tác trên mạng xã hội, chương trình đã giúp bảo vệ các VĐV khỏi tình trạng quấy rối trực tuyến, vốn đã trở thành tác nhân gây căng thẳng ngày càng phổ biến trong thời đại kỹ thuật số.
Giám đốc điều hành cấp cao về Chính trực và Các vấn đề pháp lý Liên đoàn Quần vợt quốc tế Stuart Millar cho biết: việc cung cấp các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ cả trong và ngoài sân đấu cho phép thúc đẩy một môi trường an toàn hơn. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các VĐV khỏi tình trạng bạo lực trực tuyến để họ có thể tập trung vào thành tích của mình.
Một sáng kiến tiên phong khác là Athlete365 Mind Zone tại Làng Olympic, một không gian riêng được thiết kế để cho phép các VĐV thư giãn và thực hành "chánh niệm". Không gian này kết hợp các hoạt động sáng tạo, chẳng hạn như: viết bưu thiếp và vẽ tranh, cùng với các trải nghiệm thực tế ảo để giúp các VĐV kiểm soát căng thẳng khi thi đấu.
Giám đốc điều hành của World Rowing Vincent Gaillard đánh giá cao Ủy ban Olympic quốc tế và các đối tác đã đưa các dịch vụ sức khỏe tâm thần đến gần hơn với các VĐV thông qua việc phòng ngừa và điều trị sớm. Ông cũng tuyên bố rằng, điều này nên tiếp tục được phát triển trong các kỳ Thế vận hội trong tương lai bất cứ khi nào có thể.
Các sáng kiến trong tương lai và tác động lâu dài
Ủy ban Olympic quốc tế cũng đã đưa ra Kế hoạch hành động về sức khỏe tâm thần vào năm 2023 như một phần của Chương trình nghị sự Olympic 2020+5, qua đó củng cố cam kết của mình đối với sức khỏe tâm thần trong lộ trình rộng. Kế hoạch này bao gồm một khóa học trực tuyến -Mentally Fit. Khóa học cung cấp cho các VĐV và đội của họ các kỹ thuật để tăng cường khả năng phục hồi tinh thần và kết hợp "chánh niệm" vào thói quen hàng ngày của họ.
Giám đốc y khoa của Liên đoàn Bóng đá thế giới, Tiến sĩ Andrew Massey, đã ca ngợi các sáng kiến của Ủy ban Olympic quốc tế trong việc bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người tham gia thể thao khi khẳng định: đây là điều bắt buộc để tạo ra một môi trường mà tất cả các VĐV có thể phát triển.
Hướng dẫn sức khỏe tâm thần của Ủy ban Olympic quốc tế dành cho các sự kiện thể thao lớn còn được dịch ra nhiều ngôn ngữ - một bước đi nhằm nhấn mạnh mục tiêu của tổ chức là làm cho các nguồn tài nguyên về sức khỏe tâm thần có thể tiếp cận rộng rãi và phù hợp với từng vùng văn hóa.
Khả năng tiếp cận này sẽ cho phép các Ủy ban Olympic quốc gia, Ủy ban tổ chức địa phương và Liên đoàn quốc gia triển khai các tiêu chuẩn cụ thể trong mỗi sự kiện thể thao. Từ các cuộc thi thế giới đến các cuộc gặp gỡ khu vực, đảm bảo rằng sức khỏe tâm thần của các VĐV luôn là ưu tiên hàng đầu.
A.T biên dịch