Các Ủy ban thành viên, Hiệp hội các Ủy ban lục địa đã có cơ hội trình bày kế hoạch hành động. Cùng với đó, kế hoạch chiến lược và kế hoạch tăng tốc kỹ thuật số của Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia đã được đưa ra tại phiên họp. Các thông tin về tiến độ chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Mùa đông Milano-Cortina 2026 và Thế vận hội Olympic trẻ Dakar 2026 cũng được cập nhật tại buổi họp.
Kết thúc phiên họp Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia (ảnh: insidethegames)
Trong khuôn khổ phiên họp Đại hội đồng, Ủy ban Olympic quốc tế đã tổ chức một số phiên họp tập trung vào các dự án cho chương trình Đoàn kết Olympic bốn năm 2025-2028 và các đề xuất từ Ủy ban VĐV Ủy ban Olympic quốc tế.
Phiên làm việc kết thúc với các khuyến nghị từ Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia lần thứ 27. Hội đồng điều hành Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia đưa ra quyết định và thông báo rằng, phiên họp Đại hội đồng tiếp theo được lên lịch vào năm 2026 tại Hồng Kông.
Đại diện Ban tổ chức chủ nhà, nơi diễn ra phiên họp Đại hội đồng, Chủ tịch Ủy ban Olympic Bồ Đào Nha Artur Lopes nhấn mạnh rằng thể thao và chủ nghĩa Olympic đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết mọi người lại với nhau, thúc đẩy hòa bình và giải quyết xung đột sắc tộc. Trong một thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và các mối đe dọa liên tục, khả năng đoàn kết cộng đồng và thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau của thể thao quan trọng hơn bao giờ hết.
Phiên họp Đại hội đồng lần này đã đề cập tới những nội dung quan trọng sau:
Quan điểm của các Ủy ban Olympic quốc gia
Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp và Ủy ban Olympic châu Âu Spyros Capralos trong một cuộc thảo luận nhóm về sự phát triển của Chương trình Olympic đã chia sẻ về việc đưa vào các môn thể thao mới và những thách thức cũng như cơ hội mà chương trình này mang lại cho các Ủy ban Olympic quốc gia. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình vòng loại và tích điểm kéo dài và tốn kém có thể gây ra khó khăn cho các VĐV từ các quốc gia kém phát triển về kinh tế.
Cuộc thảo luận cũng nêu bật những thách thức do Chương trình nghị sự chiến lược mới của Ủy ban Olympic quốc tế đặt ra, cho phép các thành phố chủ nhà đề xuất đưa vào các môn thể thao mới. Điều này đặt ra những yêu cầu đặc biệt đối với các Ủy ban Olympic quốc gia trong việc phát triển, tài trợ và chuẩn bị cho các VĐV trong các môn thể thao có thể không nằm trong chương trình Olympic thường trực, có khả năng ảnh hưởng đến sự cân bằng của các kế hoạch chuẩn bị giữa các quốc gia có cơ sở hạ tầng thể thao khác nhau.
Tổng giám đốc điều hành của Hiệp hội Olympic Ireland Peter Sherrard đã chia sẻ về những thách thức mà các quốc gia nhỏ hơn phải đối mặt khi tham gia Thế vận hội Olympic mở rộng, tập trung vào các vấn đề tài trợ cho cả các môn thể thao đã nổi tiếng và mới nổi tiếng.
Tổng thư ký Ủy ban Olympic New Zealand Nicki Nicol đã đề cập đến tình trạng cô lập của đất nước trong bối cảnh thể thao quốc tế và nhấn mạnh rằng phong trào thể thao về cơ bản là về con người và đòi hỏi một hệ thống thúc đẩy lòng tin và sự chuyển đổi suôn sẻ giữa các bộ môn Olympic khác nhau.
Tổng thư ký Ủy ban Olympic Namibia Joan Smith đã nói về những thách thức và cơ hội đối với các quốc gia châu Phi trong việc đưa các môn thể thao mới vào, lưu ý rằng lục địa này có xu hướng cạnh tranh trong các môn thể thao truyền thống với sự tham gia hạn chế hoặc không tham gia vào các môn thể thao mới hơn.
Các chiến lược hiệu quả cho thể thao an toàn hơn
Với việc bảo vệ thể thao là ưu tiên hàng đầu của tất cả các Ủy ban Olympic quốc gia, có một mối quan tâm chung về các chiến lược, trách nhiệm và các nguồn lực sẵn có.
Đề cập tới vấn đề này, Hoàng tử Feisal Al Hussein, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Olympic Jordan đã nhấn mạnh rằng: mục tiêu của các chương trình thể thao quốc tế là để các VĐV trải nghiệm đầy đủ lợi ích của thể thao, không bị lạm dụng về thể chất, tình cảm hoặc tình dục. Ông nhấn mạnh lòng tin là yếu tố quan trọng trong thể thao và ủng hộ cách tiếp cận phối hợp có sự tham gia của nhiều đối tác, với các bài học tại địa phương cung cấp thông tin cho các quyết định toàn cầu nhằm bảo vệ thể thao.
Tổng thư ký Ủy ban Olympic Bồ Đào Nha Araújo khẳng định: đây là vấn đề nhân quyền và phải là ưu tiên của tất cả các Ủy ban Olympci quốc gia. Lấy ví dụ về các dự án mà Bồ Đào Nha tham gia, bao gồm "Vì sự tôn trọng", kể từ năm 2013 đã cung cấp các phiên họp, hội thảo và hoạt động đào tạo cho các VĐV trẻ hay dự án European Safe Harbour, nhằm mục đích bảo vệ thể thao trên khắp châu Âu và Safer Grassroots Sport, tập trung vào việc bảo vệ.
Damaris Young, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế và giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic Panama, đã trình bày sáng kiến thể thao an toàn của Panama, được các cơ quan chức năng quốc gia hỗ trợ và nhằm mục đích giảm thiểu các trường hợp lạm dụng. Damaris Young cũng kêu gọi các Ủy ban Olympic quốc gia có kế hoạch chiến lược để bảo vệ thể thao và VĐV.
Donald Rukare, Chủ tịch Ủy ban Olympic Uganda, đã thảo luận về các hoạt động trong kế hoạch chiến lược của tổ chức mình, bao gồm việc phát triển chính sách bảo vệ thể thao, đào tạo và quy tắc ứng xử để nâng cao nhận thức về vấn đề quan trọng này.
Tương lai của trí tuệ nhân tạo cho Ủy ban Olympic quốc gia
Nhận thấy tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với tương lai của Phong trào Olympic, Ủy ban Olympic quốc tế đã đưa ra Chương trình nghị sự dành riêng cho AI. Sự đóng góp của Ủy ban Olympic quốc gia trong lĩnh vực này là rất cần thiết để nhận ra đầy đủ tiềm năng của AI, dự đoán rủi ro và dự đoán việc sử dụng AI trong tương lai.
Varvn Aryacetas, Trưởng nhóm nghiên cứu tương lai tại Deloitte Ventures UK đã đưa ra những lập luận tập trung vào sự phát triển của AI và tác động của nó đến khả năng lãnh đạo. Ông đã thảo luận về việc điều hướng sự không chắc chắn trong bối cảnh AI liên tục tiến bộ và nhấn mạnh phân tích dữ liệu và lập kế hoạch chiến lược là những lĩnh vực mà AI có thể mang lại lợi ích cho các tổ chức thể thao.
Amine Kouame, Tổng giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic Morocco, đã nêu ra tiềm năng của AI trong việc tối ưu hóa các tổ chức thể thao trong các lĩnh vực như phân tích hiệu suất, xác định tài năng, phòng ngừa và phục hồi chấn thương, thu hút và đánh giá người hâm mộ.
Hans Natorp, Chủ tịch Ủy ban Olympic Đan Mạch, đã trình bày dự án 'DIF Innovation Lab', dự án đã hoạt động từ năm 2017 và hợp tác với các liên đoàn, trường đại học, VĐV và công ty để trang bị cho thể thao Đan Mạch những công cụ tốt hơn và hướng đến mục tiêu tác động tích cực đến cuộc sống thông qua thể thao và đổi mới.
Matej Machytka từ Ủy ban Olympic Séc đã trình bày cách AI được sử dụng để tạo nội dung kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các hoạt động của ủy ban, làm dấy lên cuộc thảo luận về việc liệu AI sẽ thay thế các nhóm sáng tạo hay nâng cao hiệu suất của con người trong các tổ chức thể thao.
A.T biên dịch