Báo cáo của Liên hợp quốc nêu quan điểm về tiêu chuẩn giới tính trong thể thao dành cho nữ

Tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Reem Alsalem, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ có bài phát biểu về "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao". Trong đó khuyến nghị về hạng mục thể thao dành cho giới nữ dị tính.

Báo cáo viên đặc biệt Reem Alsalem cũng kết luận rằng các VĐV không nên bị kiểm tra giới tính xâm lấn hoặc buộc phải giảm mức testosterone. Bà Reem Alsalem cũng khuyến nghị nên tạo ra các hạng mục mở cho những người không muốn thi đấu ở hạng mục giới tính sinh học của họ.

Báo cáo viên đặc biệt Reem Alsalem (ảnh: insidethegames)

Báo cáo viên đặc biệt Reem Alsalem cũng đã có phần chia sẻ với Sky News vào tháng 8 sau vụ tranh cãi về quyền anh tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 liên quan tới vấn đề này: "Chúng tôi biết rằng có những cách đơn giản, hiệu quả và có phẩm giá để kiểm tra giới tính... không xâm lấn, chi phí hợp lý và đáng tin cậy".

Sau cuộc tranh cãi về giới tính nêu trên, bà Reem Alsalem đã đề xuất khôi phục xét nghiệm giới tính và ủng hộ xét nghiệm tăm bông má. Sau đó, bà đã đưa vấn đề này vào báo cáo để trình lên Đại hội đồng.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao

Theo bà Reem Alsalem, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực ở mọi cấp độ. Mặc dù bạo lực thể xác là vấn để nổi cộm gần đây nhất, nhưng nó có thể biểu hiện ở những trường hợp ít hữu hình hơn như bạo lực trực tuyến và kinh tế.

Phụ nữ thường xuyên phải chịu các mối đe dọa thù địch, bạo lực, quấy rối và hành vi lạm dụng trong không gian ảo, bao gồm lạm dụng tình dục, phân biệt chủng tộc và ngôn từ kích động thù địch. Họ thường bị chế giễu ngoại hình, bị tình dục hóa, bị gạ gẫm và bị theo dõi.

Phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao cũng có thể gặp phải tổn hại kinh tế do giới tính. Ngoài việc được trả lương thấp hơn so với nam giới, họ có thể mất quyền kiểm soát thu nhập hoặc bị từ chối nguồn tài chính. Hình ảnh của họ cũng bị sử dụng mà không có sự chi trả thỏa đáng.

Thiếu tự do

Bà Reem Alsalem cũng đưa ra ví dụ những trường hợp phụ nữ bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính của họ. Trong khi một số phụ nữ và trẻ em gái tự loại mình khỏi một số môn thể thao nhất định do định kiến ​​giới, một số phụ nữ khác bị cấm tham gia các môn thể thao chỉ vì giới tính của họ.

Chẳng hạn như trường hợp của phụ nữ Afghanistan kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021. Ngày nay, phụ nữ ở Afghanistan tập luyện bí mật và nhiều VĐV nữ chuyên nghiệp đã trốn khỏi đất nước để tiếp tục tập luyện ở nơi khác. Phụ nữ Hồi giáo muốn tập luyện và thi đấu với khăn trùm đầu có thể bị cấm tham gia các đội tuyển quốc gia hoặc ngược lại, bị buộc phải trùm đầu khi chơi thể thao, như ở Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Việc giám sát cơ thể phụ nữ không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, với các VĐV nữ phải tuân theo các quy định về trang phục hơn so với các VĐV nam.

Reem Alsalem cho biết: khuyến nghị của bà chỉ mang tính đóng góp một lập luận tập trung vào quyền con người để các bên ủng hộ cân nhắc thay đổi chính sách. Bà khuyến nghị ưu tiên đánh giá chính sách và nghiên cứu chuyên sâu về các chính sách và lỗ hổng hiện có, đặc biệt tập trung vào các vấn đề chưa được khám phá như ngôn từ kích động thù địch và bạo lực tình dục không liên quan đến việc dụ dỗ.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Báo cáo của Liên hợp quốc nêu quan điểm về tiêu chuẩn giới tính trong thể thao dành cho nữ