Những giải pháp phát triển kinh tế thể thao của Trung Quốc

Trung Quốc đã ban hành những chính sách gì để phát triển kinh tế thể thao và vai trò của những chính sách đó trong thực tiễn triển khai tại Trung Quốc như thế nào?

Trong mười năm qua, tại Trung Quốc, sự hội nhập và phát triển của thể thao và các ngành khác đã trở thành điểm nóng kinh tế, thể thao + du lịch, thể thao + văn hóa, thể thao + giáo dục, thể thao + chăm sóc người già... ngành thể thao dần trở thành một điểm tăng trưởng mới để kích cầu trong nước. Vậy Trung Quốc đã ban hành những chính sách gì để phát triển kinh tế thể thao và vai trò của những chính sách đó trong thực tiễn triển khai tại Trung Quốc như thế nào?

Thị trường thể thao mùa đông của Trung Quốc có trị giá hơn 50 tỷ đô la và đã tạo ra 1,5 triệu việc làm tại thời điểm kết thúc Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh năm 2022 (ảnh: insidethegames)

Là một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp cấp ba, sau 20 đến 30 năm phát triển, ngành thể thao Trung Quốc đã bắt đầu hình thành một bố cục ngành nghề, phát huy vai trò nhất định trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội, thúc đẩy hài hòa xã hội. Năm 1995, Trung Quốc ban hành "Luật thể thao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" và cùng năm đó, "Đề cương phát triển ngành thể thao giai đoạn 1995-2010" đã được ban hành và thực thi, tạo cơ sở để xây dựng các chính sách đồng bộ cho ngành thể thao toàn quốc và các tỉnh, thành.

Vào ngày 20 tháng 10 năm 2014, Quốc vụ viện đã ban hành "Một số ý kiến về việc đẩy nhanh sự phát triển của ngành thể thao và thúc đẩy tiêu dùng thể thao", đề xuất đến năm 2025, tổng quy mô của ngành thể thao sẽ vượt quá 5 nghìn tỷ nhân dân tệ và trở thành một lực lượng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Vào ngày 28 tháng 10 năm 2016, Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành "Ý kiến chỉ đạo về việc đẩy nhanh sự phát triển của ngành thể dục và giải trí", đề xuất đến năm 2025, tổng quy mô của ngành thể dục và giải trí sẽ đạt 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Vào ngày 25 tháng 10 năm 2016, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã ban hành “Đề cương quy hoạch Trung Quốc Khỏe mạnh 2030" với nhiệm vụ chiến lược quan trọng là phổ biến lối sống lành mạnh, tối ưu hóa các dịch vụ y tế, hoàn thiện bảo đảm sức khỏe, xây dựng môi trường lành mạnh và phát triển coi ngành y tế.

Vào ngày 31/3/2019, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Văn phòng Quốc vụ viện đã công bố "Ý kiến về việc coi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 là thời cơ để phát triển mạnh mẽ các môn thể thao băng tuyết".

Vào ngày 17/9/2019, Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành "Ý kiến về việc thúc đẩy tập luyện thển thao và tiêu dùng thể thao quốc gia, thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của ngành thể thao".

Vào ngày 2/9/2019, Văn phòng Quốc vụ viện đã ban hành "Đề cương xây dựng cường quốc thể thao", đề xuất rằng đến năm 2035, ngành thể thao sẽ lớn hơn, năng động hơn và tốt hơn,  trở thành ngành trụ cột của nền kinh tế quốc dân.

Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành các chính sách thể thao khác cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao Trung Quốc như "Ý kiến về việc hội nhập sâu giữa giáo dục và thể thao, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thanh thiếu niên", "Ý kiến về việc tăng cường Xây dựng các cơ sở thể dục thể thao toàn dân và phát triển thể thao quần chúng”, “Những ý kiến về tăng cường và cải tiến toàn diện công tác thể thao tại các trường học trong thời kỳ mới” và hàng loạt “Kế hoạch toàn dân tập thể thao”…

Để các ngành thể thao với những đặc thù riêng sẽ giúp nâng cao sức khỏe con người, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, tạo thành vòng tuần hoàn tích cực thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cần tìm hiểu hiện trạng phát triển ngành nghề và quy hoạch  chính sách phát triển ngành nghề. Từ các phương diện như quy mô ngành nghề, cơ cấu ngành nghề, quy mô và số lượng doanh nghiệp, cơ sở vật chất, số người tập thể thao... để nắm bắt hiện trạng phát triển, tổng kết những ưu thế và bất lợi, cơ hội và thách thức trong việc phát triển ngành thể thao. Trên cơ sở đó, xây dựng chính sách, quy hoạch phát triển ngành, xác định rõ nguyên tắc, phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển ngành.

Tiếp đến, cải thiện các yếu tố cơ bản trong phát triển ngành thể thao. Một là cải thiện các cơ sở hạ tầng. Sử dụng nguồn vốn của Trung ương để hỗ trợ chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh xây dựng hoặc cải tạo các công viên thể thao, sân vận động công cộng, sân bóng đá, đường chạy thể dục và các công trình công cộng phục vụ cho các hoạt động thể thao ngoài trời. 

Hai là bồi dưỡng chủ thể thị trường. Khuyến khích các chủ thể thị trường như doanh nghiệp thể thao, hiệp hội hoặc liên đoàn thể thao, câu lạc bộ thể thao phát triển lành mạnh, tìm tòi xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại mang đậm bản sắc, kích thích sức sống của chủ thể thị trường, mở rộng tiêu dùng thể thao, tăng cường giám sát thị trường thể thao.

Ba là tổ chức thi đấu thể thao. Thi đấu thể thao là nội dung và cơ sở quan trọng để các thương hiệu quốc gia, thành phố được nâng cao và mở rộng tầm ảnh hưởng. Một mặt  có thể tích cực thu hút các cuộc thi đẳng cấp quốc tế, mặt khác có thể đổi mới các cuộc thi một cách tự chủ, sáng tạo. Tích cực quảng bá các hoạt động thể thao dân tộc trong nước, đồng thời có kế hoạch xây dựng, nâng tầm thương hiệu của một số cuộc thi sẵn có, từng bước hình thành hệ thống cung cấp hoạt động thi đấu 3 trong 1 khi kết hợp giữa các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các cuộc thi dành cho thanh thiếu niên với các cuộc thi quần chúng đa dạng hóa.

Bốn là đào tạo số người chơi thể thao. Người tiêu dùng thể thao chủ yếu bao gồm người tham gia và người xem, phát triển thêm người tiêu dùng thể thao, phải bắt đầu từ tầng lớp thanh thiếu niên. Một mặt, có thể thông qua việc hội nhập giữa thể dục và thể thao, hoàn thiện hệ thống thể thao thanh thiếu niên, mở rộng số thanh thiếu niên chơi thể thao, mặt khác, có thể tích cực quảng bá phong trào thể dục thể thao toàn dân, ra sức phát triển thể thao đại chúng

Tiếp đến, tích cực thúc đẩy sự hội nhập xuyên biên giới giữa ngành thể thao và các ngành liên quan khác.  Kết hợp với thực tế, phát huy đầy đủ vai trò của thể thao trong việc thúc đẩy nâng cấp và giá trị gia tăng của các ngành liên quan, đồng thời thúc đẩy sự hội nhập của ngành thể thao với lối sống cộng đồng, ngành bất động sản, ngành du lịch, nông nghiệp, bồi dưỡng đào tạo giáo dục, ngành nghề văn hóa, ngành nghề y tế, dưỡng lão, khoa học và công nghệ... để khám phá các kịch bản để kết hợp  giữa Thể thao  và những lĩnh vực khác

Cuối cùng, tăng cường hợp tác với ngành thể thao ở các khu vực xung quanh, mở rộng giao lưu quốc tế, đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi. Ví dụ, Quảng Tây của Trung Quốc với lợi thế vị trí nổi bật và nền tảng vững chắc có cơ sở môi trường tương đối lý tưởng cho việc giao lưu thông tin và văn hóa với các nước Đông Nam Á. Có thể thuận theo nhu cầu phát triển xã hội và thị trường, tìm hiểu các cơ chế hợp tác và đầu tư trong ngành thể thao, đồng thời lựa chọn một cách khoa học các lĩnh vực có tính bổ trợ cao và có thể thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Lan anh ghi

Ảnh trong bài
  • Những giải pháp phát triển kinh tế thể thao của Trung Quốc