Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu thể hiện ước mơ chung và sự đoàn kết bất chấp những khác biệt

Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu, một sự kiện thể thao đa môn hoành tráng nhất châu lục đã thể hiện một thông điệp rõ ràng rằng thể thao có sức mạnh đặc biệt trong việc thúc đẩy sự hòa nhập văn hóa và là cầu nối cho một xã hội bị chia rẽ - ngay cả trong những thời điểm đầy thử thách.

Quyền Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á Raja Randhir Singh cho biết: “Đại hội thể thao châu Á không chỉ là cuộc thi đấu thể thao; đây là thời điểm để tôn vinh văn hóa và di sản của châu lục”.

Thời khắc Ham Yu Song và Kim Kum Yong của CHDCND Triều Tiên bắt tay với Jang Woo-jin và Jeon Ji-hee của Hàn Quốc (Ảnh: today.line.me)

Văn hóa thể thao đa dạng

Số lượng môn thể thao tại mỗi Đại hội thể thao châu Á thay đổi theo thời gian, nhưng luôn bám sát chương trình của Thế vận hội Olympic, trong đó điền kinh và bơi là những môn thể thao nòng cốt.

Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu có tổng cộng 40 môn thể thao, 61 phân môn và 481 sự kiện, trong đó breakdance và thể thao điện tử là những môn thể thao lần đầu ra mắt với tư cách là môn thể thao tranh huy chương chính thức. Chương trình thi đấu cũng bao gồm các môn thể thao phản ánh văn hóa thể thao đa dạng của lục địa, chẳng hạn như cầu mây của Đông Nam Á, kabaddi và cricket của Nam Á và kurash của Trung Á.

Wei Jizhong, Phó Chủ tịch danh dự của Hội đồng Olympic châu Á cho biết: việc đưa các môn thể thao thích hợp này vào Đại hội thể thao châu Á đã mang lại cho các quốc gia nhỏ hơn cơ hội giành được huy chương tại Đại hội. Việc giành được huy chương cũng sẽ giúp các môn thể thao này nhận được nhiều sự đầu tư của chính phủ hơn.

Quan trọng hơn, trong những năm qua, Đại hội thể thao châu Á đã cung cấp cho các môn thể thao địa phương một nền tảng rất cần thiết để vươn ra tầm quốc tế và thậm chí còn lọt vào chương trình thi đấu của Thế vận hội Olympic.

Taekwondo lần đầu tiên được đưa vào Đại hội thể thao châu Á vào năm 1986 trước khi trở thành môn thể thao tranh huy chương tại Thế vận hội Olympic mùa hè 2000 ở Sydney, Úc. Môn võ thuật Hàn Quốc đã xuất hiện ở mọi kì Thế vận hội Olympic kể từ đó.

Karate ra mắt tại Đại hội thể thao châu Á tại Hiroshima vào năm 1994 và sau nhiều thập kỷ theo đuổi, Karate đã trở thành một trong năm môn thể thao mới được bổ sung vào chương trình của Thế vận hội Olympic mùa hè tại Tokyo 2020.

Thế thao giúp đoàn kết thế giới

Mặc dù thể thao chủ yếu là để cạnh tranh, nhưng Đại hội thể thao châu Á luôn chứng minh rằng thể thao có thể giúp giảm leo thang khủng hoảng thông qua việc thúc đẩy các giá trị tôn trọng, hòa bình, đoàn kết và hợp tác. Năm 2002, lần đầu tiên trong lịch sử, Triều Tiên và Hàn Quốc có một phái đoàn thống nhất cùng nhau diễu hành dưới lá cờ thống nhất của Hàn Quốc tại lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á Busan. Năm 2018, hai nước lại diễu hành dưới cùng một lá cờ tại lễ khai mạc và thi đấu chung một đội ở các môn bóng rổ, ca nô và chèo thuyền nữ.

Mặc dù tình trạng quan hệ liên Triều hiện nay đã khác so với Đại hội thể thao châu Á trước đây vào năm 2018, nhưng Asian Games Hàng Châu đã chứng kiến nhiều hành động thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và tình bạn.

Đó là thời khắc Ham Yu Song và Kim Kum Yong của CHDCND Triều Tiên bắt tay với Jang Woo-jin và Jeon Ji-hee của Hàn Quốc hay VĐV bơi người Trung Quốc Zhang Yufei và đối thủ người Nhật Bản Rikako Ikee đã chia sẻ một cái ôm chân thành sau khi Rikako Ikee trở lại thi đấu sau chẩn đoán bệnh bạch cầu vào năm 2019

Đoàn kết còn có nghĩa là tích cực giúp đỡ, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau

VĐV điền kinh Ernest John Obiena, người giành HCV đầu tiên cho Philippines tại Đại hội thể thao châu Á lần này, đã phải đối mặt với những thách thức về hậu cần khi đến Hàng Châu trước khi Đại hội chính thức khai mạc. Hussain Al-Hizam của Ả Rập Xê Út đề nghị Ernest John Obiena lưu trú tạm thời tại khu vực tập huấn của Ả Rập Xê Út cũng như chia sẻ cả về các thiết bị tập luyện.

Các võ sĩ đến từ Jordan và Iran đã tổ chức trại huấn luyện chung ở Amman trước thềm Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu.

Wattanasin, người trước đây từng tham gia Á vận hội với tư cách là VĐV cầu lông và sau đó là quan chức thể thao, cho biết: “Điều rất quan trọng là tăng cường quan hệ hòa bình giữa các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu ngày nay. Đại hội thể thao châu Á đóng vai trò là một nền tảng quan trọng cho sự trao đổi và tình hữu nghị đa văn hóa.”

Thông điệp mà Đại hội thể thao châu Á có thể gửi tới cho tất cả chúng ta là trong khi các VĐV và các quốc gia cạnh tranh trong một loạt các sự kiện, thì bản chất phối hợp của tất cả những điều đó mới cho phép khả năng tồn tại.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế tiếp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Lausanne 

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã chào đón Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda tới thăm trụ sở Ủy ban Olympic quốc tế ở Lausanne.

Trong buổi gặp mặt, Chủ tịch Thomas Bach đã cảm ơn Tổng thống Ba Lan vì sự ủng hộ của Ba Lan đối với nghị quyết đình chiến Olympic cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Paris 2024 mà Ba Lan đồng tài trợ. Nghị quyết này đã được đa số áp đảo các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Nghị quyết “kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hợp tác với Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban Paralympic quốc tế trong nỗ lực sử dụng thể thao như một công cụ thúc đẩy hòa bình, đối thoại và hòa giải trong các lĩnh vực xung đột trong và ngoài thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic”.

Trong bối cảnh này, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình địa chính trị hiện tại và tác động của nó đối với thể thao, tập trung vào Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ lời cảm ơn vì sự chào đón nồng nhiệt của Chủ tịch Thomas Bach và vì các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Tổng thống Andrzej Duda cũng chúc Ủy ban Olympic quốc tế thành công trong việc phát huy các giá trị của Phong trào Olympic để Thế vận hội Olympic vẫn là biểu tượng của hòa bình và tôn trọng lẫn nhau theo tinh thần của Hiến chương Olympic.

Chủ tịch Thomas Bach đã mời Tổng thống Andrzej Duda vào Bức tường của các VĐV Olympic và tặng ông một chiếc huy hiệu của Ủy ban Olympic quốc tế. Trong khi tham quan Bảo tàng Olympic với Tổng thống Andrzej Duda, Chủ tịch Thomas Bach đã nêu bật một số câu chuyện thành công vĩ đại của Ba Lan trong lịch sử Olympic bằng cách giới thiệu một số hiện vật mà các VĐV Olympic từ Ba Lan đã tặng cho Bảo tàng. Chúng bao gồm chiếc xe đạp leo núi xuyên quốc gia mà Maja Włoszczowska đã sử dụng tại Thế vận hội Olympic đầu tiên của cô, Athens 2004; giày đinh của Irena Szewinska, nhà vô địch Olympic 400m tại Montreal 1976 và là người phụ nữ đầu tiên chạy 400m dưới 50 giây; một chiếc găng tay của VĐV ném búa Anita Wlodarczyk, người đã giành được ba trong số sáu HCV Olympic kể từ khi sự kiện dành cho nữ ra mắt lần đầu tiên vào năm 2000. Ngoài ra còn có đôi giày trượt tuyết của Kamil Stoch mà VĐV này đã mang khi thi đấu ném búa. Kamil Stoch là VĐV thứ ba trong lịch sử Thế vận hội Olympic giành chiến thắng ở cả hai nội dung cá nhân tại cùng một kỳ Thế vận hội Olympic, vào năm 2014 ở Sochi.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu thể hiện ước mơ chung và sự đoàn kết bất chấp những khác biệt