Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á

Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới Witold Bańka đã chia sẻ với các Bộ trưởng Thể thao và các quan chức cấp cao khác về tầm quan trọng của việc tăng cường quản lý và các chương trình chống doping của khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch Witold Bańka nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, đối tác giữa khu vực Đông Nam Á và Cơ quan chống doping thế giới, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch hành động nhằm triển khai thành công Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Bên.

Chủ tịch Witold Bańka đã chia sẻ với các Bộ trưởng Thể thao và các quan chức cấp cao về tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á (ảnh: wada-ama.org)

Chủ tịch Witold Bańka cho biết: “Thể thao ngày càng trở thành một phần trong cuộc sống và văn hóa hàng ngày ở châu Á.Đối với Cơ quan chống doping thế giới, châu Á đã trở thành đồng minh quan trọng trong việc bảo vệ thể thao sạch. Khu vực này hiện đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống chống doping toàn cầu và thế giới thể thao nói chung. Thật đáng khích lệ khi thấy nhiều quốc gia thành viên Đông Nam Á đã tham gia vào các hoạt động chống doping chất lượng cao và triển khai các hoạt động đã được chứng minh là rất thành công.

Mặc dù Cơ quan chống doping thế giới hài lòng với phần lớn sự phát triển của chương trình chống doping gần đây trong khu vực nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Một trong những thách thức lớn nhất mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt hiện nay là việc áp dụng luật chống doping trong hệ thống pháp luật của họ. Điều cực kỳ quan trọng là các quốc gia khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới phải có khung pháp lý vững chắc để làm cơ sở cho một chương trình thể thao sạch mạnh mẽ. Cơ quan chống doping thế giới sẽ tiếp tục hợp tác với các nước thành viên Đông Nam Á để xây dựng các chương trình chống doping trong những năm tới.”

Năm 2022, Cơ quan chống doping thế giới và Đông Nam Á đã ký Biên bản thỏa thuân hợp tác với mục tiêu nâng cao năng lực ngăn ngừa doping trong khu vực. Thông qua thỏa thuận này, Cơ quan chống doping thế giới đang hỗ trợ các nước thành viên khu vực Đông Nam Á thực thi Bộ luật chống doping thế giới và hợp lực thực hiện một loạt hoạt động phát triển chương trình chống doping.

Tại cuộc họp năm 2023, Đông Nam Á đã thống nhất triển khai kế hoạch hoạt động giai đoạn 2023-2027, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan theo Bộ Quy tắc và có các mục tiêu cụ thể, nổi bật:

Phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khu vưc Đông Nam Á để giúp xây dựng và hài hòa các khuôn khổ pháp lý chống doping quốc gia phù hợp với Bộ luật và Tiêu chuẩn quốc tế;

Phối hợp thông qua và thực hiện khuôn khổ pháp lý chống doping phù hợp để tổ chức các sự kiện khu vực của các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á, phù hợp với Bộ quy tắc và liên kết với các bên liên quan chính như Tổ chức chống doping khu vực Đông Nam Á;

Cung cấp hỗ trợ và tư vấn cho các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á để đảm bảo tính độc lập hoạt động của các Tổ chức chống doping quốc gia;

Hỗ trợ các Tổ chức chống doping quốc gia trong khu vực trong việc thiết lập các hoạt động tuân thủ Quy tắc và phát triển các chương trình chống doping tùy chỉnh và tập trung vào VĐV.

Chủ tịch Thomas Bach chào đón Tổng thống Hy Lạp tới thăm Nhà Olympic 

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã chào đón Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp, Katerina Sakellaropoulou tới thăm và làm việc tại Nhà Olympic. Hai Bên đã thảo luận về tình hình địa chính trị hiện tại và sứ mệnh của Olympic vì hòa bình thông qua cạnh tranh hòa bình.

Chủ tịch Thomas Bach đã cùng Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đến thăm Nhà Olympic, một trong những tòa nhà bền vững nhất trên thế giới.

Trong các cuộc thảo luận, hai Bên đều khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa Ủy ban Olympic quốc tế và Cộng hòa Hy Lạp (Hy Lạp), nơi Thế vận hội Olympic cổ đại bắt nguồn từ năm 776 trước Công nguyên, cũng như Thế vận hội Olympic thời hiện đại đầu tiên được tổ chức từ ngày 6 -15 /4/1896, đánh dấu một giai đoạn mới.

Chủ tịch Thomas Bach và Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đã thảo luận về tình hình địa chính trị hiện nay và tác động của nó đối với thể thao. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sứ mệnh hòa bình của Thế vận hội Olympic, nhằm đoàn kết thế giới thông qua cạnh tranh hòa bình. Điều đáng chú ý là gần đây Hy Lạp đã cùng với đại đa số các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết đình chiến Olympic cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Paris 2024.

Tại Nhà Olympic, Tổng thống Katerina Sakellaropoulou đã ký vào sổ lưu bút của Ủy ban Olympic quốc tế với nội dung: "Tôi rất hân hạnh được đến thăm Ủy ban Olympic quốc tế tại Lausanne. Lý tưởng của chủ nghĩa Olympic, bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, phản ánh các giá trị xuất sắc, tình bạn và sự tôn trọng, vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay."

Trong chuyến tham quan Bảo tàng Olympic ở Ouchy, Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp đã được chiêm ngưỡng tuyên ngôn ban đầu của Pierre de Coubertin về việc tái lập Thế vận hội Olympic trong thời hiện đại. Nguồn gốc Thế vận hội Olympic của Hy Lạp giữ một vị trí đặc biệt trong Bảo tàng Olympic, cũng như Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Olympic quốc tế: doanh nhân và nhà văn người Hy Lạp Demetrios Vikelas.

Kể từ khi người sáng lập Ủy ban Olympic quốc tế, nhà giáo dục và nhà sử học người Pháp Pierre de Coubertin hồi sinh Thế vận hội Olympic vào năm 1894, mối quan hệ giữa Ủy ban Olympic quốc tế và Hy Lạp vẫn bền chặt hơn bao giờ hết, việc tổ chức không chỉ Thế vận hội Olympic cổ đại mà cả Thế vận hội Olympic hiện đại.

Mối quan hệ của Ủy ban Olympic quốc tế với Hy Lạp bền chặt đến mức trước mỗi kỳ Thế vận hội Olympic và Thế vận hội Olympic trẻ, ngọn lửa Olympic được thắp sáng trong một buổi lễ mang tính biểu tượng ở Olympia, địa điểm ban đầu của Thế vận hội Olympic cổ đại, trước sự chứng kiến của các quan chức. Từ Olympia, ngọn lửa di chuyển đến Sân vận động Panathenaic ở Athens rồi đến nước chủ nhà Thế vận hội Olympic để bắt đầu cuộc rước đuốc Olympic. Ngoài ra, trong mỗi lễ khai mạc Thế vận hội Olympic, đoàn Hy Lạp luôn dẫn đầu các VĐV đi đầu trong cuộc diễu hành của các quốc gia.

Theo dự kiến, trong Thế vận hội Olympic sắp tới ở Paris từ ngày 26 /7 - 11/ 8/ 2024, đoàn Hy Lạp sẽ dẫn đầu cuộc diễu hành của các VĐV dọc theo sông Seine nổi tiếng thế giới.

Ủy ban Olympic Nigeria giao chỉ tiêu tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 cho các nhà quản lý và VĐV 

Ủy ban Olympic Nigeria đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch các liên đoàn thể thao quốc gia, Bộ Phát triển Thể thao Liên bang và các VĐV đảm bảo rằng thể thao Nigeria có thể nâng cao thành tích tại Thế vận hội Olympic Mùa hè 2024 ở Paris.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nigeria, Habu Gumel, đã đưa ra ra tuyên bố trên tại phiên họp Đại hội đồng thường niên của cơ quan. Chủ tịch Habu Gumel nhấn mạnh rằng Nigeria cần cải thiện trong ba kì Thế vận hội Olympic sắp tới mà trước hết là năm 2024.

Kết quả đạt được tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 phải vượt qua kết quả của Thế vận hội Olympic mùa hè Atlanta 1996. Thời điểm đó, thể thao Nigeria đã giành được hai HCV.

Yêu cầu của Chủ tịch Habu Gumel sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng đặc biệt là khi thể thao nước này cũng chuẩn bị tham gia Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông 2024 và Đại hội thể thao châu Phi.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Chủ tịch Cơ quan chống doping thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á