Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, cơ quan chủ quản của Phong trào Paralympic ở Đông Nam Á sẽ kiên trì phát triển sự cộng tác và hợp tác mang tính xây dựng với các bên liên quan trong phong trào paralympic quốc tế nhằm nâng cao thể thao người khuyết tật và VĐV trong khu vực.

Việc đưa thể thao điện tử người khuyết tật vào WorldAbilitysport Games vừa diễn ra tại Nakhon Ratchasima (Korat), Thái Lan, là tín hiệu tốt (Ảnh: insidethegames)
Tổng thư ký Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, Đại tá cấp cao, Tiến sĩ Wandee Tosuwan, đề cập đến việc thúc đẩy và tiếp tục phát triển thể thao điện tử người khuyết tật giữa các quốc gia thành viên, phù hợp với sự phổ biến ngày càng tăng của một trong những môn thể thao phổ biến nhất thế giới.
Thể thao điện tử người khuyết tật được giới thiệu lần đầu tiên và đạt được thành công lớn tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 ở Phnom Penh, Campuchia, mặc dù với tư cách là môn thể thao biểu diễn.
Theo Tiến sĩ Wandee Tosuwan, việc đưa thể thao điện tử người khuyết tật vào WorldAbilitysport Games vừa diễn ra tại Nakhon Ratchasima (Korat), Thái Lan, là tín hiệu tốt cho sự phát triển liên tục của cộng đồng thể thao người khuyết tậ, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng trên toàn cầu của môn thể thao này.
WorldAbilitysport Games thu hút các VĐV đến từ từ 47 quốc gia trên toàn thế giới tham gia thi đấu ở 10 môn thể thao gồm: điền kinh (đua xe lăn), bắn cung, xe đạp, đấu kiếm xe lăn, bắn súng, bơi, cầu lông, cử tạ, bi da và bóng bàn. Ba môn thể thao trình diễn trong chương trình của Đại hội gồm: bóng chày, cầu mây và thể thao điện tử..
Korat sẽ đăng cai Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 13, dự kiến vào tháng 1 năm 2026. Đây sẽ là lần thứ hai Korat đăng cai Đại hội thể thao dành cho 11 quốc gia, 19 năm sau lần đầu tiên diễn ra vào năm 2007.
Ủy ban Paralympic Quốc tế sẽ hỗ trợ Đội Paralympic Người tị nạn tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Paris 2024
Tại Diễn đàn Người tị nạn Thế giới 2023 ở Geneva, Ủy ban Paralympic Quốc tế đã công bố kế hoạch hỗ trợ Đội Paralympic Người tị nạn tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Paris 2024.
Quyết định này của Ủy ban Paralympic Quốc tế đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, Bộ Thể thao Pháp và Airbnb với tư cách là đối tác tư nhân. Ủy ban Paralympic Quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các VĐV Paralympic có tình trạng tị nạn thi đấu tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Paris 2024.
Sự hỗ trợ của Ủy ban Paralympic Quốc tế rất toàn diện, ước tính tiếp cận được khoảng 114 triệu người tị nạn - nhiều hơn gấp đôi tổng dân số của Vương quốc Anh hoặc gần gấp năm lần dân số của Úc. Những người tị nạn này phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nỗi sợ bị đàn áp, bạo lực, xung đột hoặc các tình huống khác gây rối loạn nghiêm trọng trật tự công cộng, chẳng hạn như nội chiến và chiến tranh chủng tộc.
Tại Diễn đàn Người tị nạn Thế giới, Ủy ban Paralympic Quốc tế đã ký Cam kết chung về Thể thao vì Hòa nhập và Bảo vệ, một đóng góp của hệ sinh thái thể thao nhằm cải thiện cuộc sống của những người phải di dời, với cam kết sau:
"Ủy ban Paralympic quốc tế sẽ làm việc với các bên liên quan và đối tác của mình để hỗ trợ các VĐV Paralympic tị nạn trên hành trình đến với Thế vận hội Paralympic mùa hè. Bộ Thể thao Pháp đã đề nghị tài trợ chỗ ở cho Đội tuyển Paralympic Người tị nạn trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội Paralympic dành cho người khuyết tật. Trại huấn luyện Thế vận hội ở Pháp và Airbnb, cũng là nhà tài trợ của Ủy ban Olympic quốc tế, sẽ tham gia với tư cách là đối tác chính thức đầu tiên. Ủy ban Paralympic quốc tế: sẽ làm việc với các thành viên và các bên liên quan khác để thúc đẩy và tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội thể thao hòa nhập cho người tị nạn và người khuyết tật phải di dời; sẽ hướng dẫn và hỗ trợ lộ trình của các VĐV khuyết tật tị nạn tham gia Thế vận hội Paralympic; sẽ sử dụng các kênh toàn cầu của mình nhằm cung cấp nền tảng cho các VĐV khuyết tật người tị nạn chia sẻ câu chuyện của họ với thế giới."
Để đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho Đội Paralympic Người tị nạn tại trước Thế vận hội Paralympic mùa hè Paris 2024, Bộ Thể thao Pháp và Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè đã đề nghị các VĐV Đội Paralympic Người tị nạn tham gia trại huấn luyện trước Thế vận hội tại một trong những trung tâm thể thao của Pháp.
Bộ sẽ cung cấp hỗ trợ chỗ ở và quyền tiếp cận các cơ sở thể thao đẳng cấp thế giới. Trại sẽ mang đến cơ hội quý giá để tập trung vào việc chuẩn bị trước Thế vận hội Paralympic, sẽ khai mạc vào ngày 28 tháng 8 năm 2024, khi các VĐV lần đầu tiên tham gia với tư cách một đội từ khắp nơi trên thế giới.
Kristina Molloy, Giám đốc Thành viên và Tác động của Ủy ban Paralympic quốc tế cho biết: "Thể thao là động lực mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi xã hội tích cực cho người khuyết tật trên toàn thế giới và Thế vận hội Paralympic là sự kiện đỉnh cao giới thiệu những môn thể thao hay nhất của người khuyết tật. Đội Paralympic Người tị nạn là một đại diện quan trọng cho sự kiên cường, sức mạnh và hy vọng trong Phong trào và chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ sự tham gia của các VĐV một cách có ý nghĩa với sự hỗ trợ cần thiết."
Dominique Hyde, Giám đốc Ban Đối ngoại của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn nói thêm: "Người tị nạn khuyết tật sẽ có thể cạnh tranh ở cấp độ cao nhất cùng với các bạn đồng trang lứa của họ. Chúng tôi hoan nghênh quyết định hỗ trợ Đội Paralympic Người tị nạn thi đấu tại Paris và cảm ơn Ủy ban Paralympic quốc tế vì đã tiếp tục hỗ trợ những người bị buộc phải di dời.”
Paris 2024 sẽ là lần thứ ba có sự tham dự của Đội Paralympic Người tị nạn. Tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Rio 2016, đội có hai VĐV, con số này tăng lên sáu VĐV cho Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020, thi đấu ở các môn điền kinh, bơi, chèo thuyền và taekwondo.
Đầu năm 2024, một đội gồm tối đa 10 VĐV sẽ được xướng tên tham dự Thế vận hội Paralympic mùa hè Paris 2024 dựa trên thành tích của họ cũng như việc tuân thủ các tiêu chí lựa chọn và đủ điều kiện. Hiện không có VĐV nào được chọn vào thời điểm này.
Ủy ban Paralympic quốc tế đã và đang cung cấp nhiều hỗ trợ, cả trong và ngoài thi đấu, cho các VĐV để giúp họ tập trung vào việc chuẩn bị cho Thế vận hội. Hỗ trợ bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào các cơ hội thi đấu trước Thế vận hội, việc nhập cảnh, đi lại và chỗ ở cũng như đào tạo VĐV và huấn luyện viên.
Để được xem xét tham gia Đội Paralympic Người tị nạn, các VĐV phải xác nhận tình trạng tị nạn của họ theo khuôn khổ pháp lý liên quan. Các VĐV có tiềm năng tranh tài tại Thế vận hội sẽ được Ủy ban Paralympic quốc tế xác định với sự phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn quốc tế, Thể thao người khuyết tật thế giới và Ủy ban Paralympic quốc gia.
A.T biên dịch