Ding Ning được công bố là một trong 09 cá nhân được bầu vào Ủy ban VĐV Hội đồng Olympic châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên Hội đồng Olympic châu Á tổ chức bầu cử Ủy ban VĐV.

Ding Ning công bố mục tiêu giúp chuyển đổi nghề nghiệp sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Ủy ban VĐV Hội đồng Olympic châu Á (ảnh: insidethegames)
Ding Ning đã vượt qua VĐV bơi người Đài Bắc- Trung Hoa Huang Mei-chien để giành vị trí nữ ở khu vực Đông Á sau khi nhận được 56,97% phiếu bầu.
Ding Ning từng giành HCV đồng đội và đơn nữ tại Thế vận hội Olympic mùa hè London 2012 trước khi giành được danh hiệu ở cả nội dung đồng đội và đơn nữ tại Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016. VĐV này cũng đã giành được 8 danh hiệu vô địch thế giới và vị trí số một thế giới vào năm 2019 trước khi giải nghệ vào năm 2021.
Kể từ đó, Ding Ning đảm nhận vai trò giáo viên tại Đại học Bắc Kinh và trở thành thành viên của Hội đồng Olympic châu Á và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Giờ đây, Ding Ning muốn truyền cảm hứng cho những người khác về cách chuyển sang các vai trò ngoài thể thao. Ding Ning chia sẻ: “Mọi VĐV đều phải đối mặt với việc giải nghệ và chuyển đổi vai trò. Vì vậy, tôi hy vọng rằng trong tương lai, tôi không chỉ có thể giúp nhiều VĐV theo đuổi ước mơ của họ mà còn hỗ trợ nhiều hơn trong cuộc sống và những lựa chọn trong tương lai của họ”.
Mọi người đều có vai trò trong việc trao quyền cho phụ nữ trong thể thao
Gần 200 người ra quyết định quan trọng từ khắp Phong trào Olympic ở Châu Phi đã tập trung tại Cabo Verde để tiếp tục cùng nhau hướng tới bình đẳng giớithông qua thể thao. Chủ đề của diễn đàn, “Từ phòng họp đến sân chơi”, nhắc lại sự cần thiết của Phong trào Olympic trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực hoạt động và dẫn đến 10 cam kết hành động chính.
Thúc đẩy sự bình đẳng ở mọi cấp độ
Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 sẽ là Thế vận hội đầu tiên hoàn toàn bình đẳng giới. Ủy ban Olympic Quốc tế đã phân bổ hạn ngạch một cách đồng đều: 50% cho nữ và 50% cho nam. Nguyên tắc bình đẳng giới tương tự sẽ được thực hiện hai năm sau tại sự kiện thể thao Olympic đầu tiên được tổ chức trên lục địa châu Phi: Thế vận hội Olympic trẻ Dakar 2026. Thế vận hội Olympic trẻ này cũng là một chủ đề được thảo luận tại diễn đàn. Những người tham gia kêu gọi xem xét tác động và cơ hội của sự kiện được tổ chức ở Châu Phi với mục đích thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em gái tham gia thể thao hơn.
Trong khi đó, ngoài thi đấu, số lượng thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế ngày càng bình đẳng về giới hơn, với hơn 40% thành viên là nữ và 50% vị trí trong các ủy ban của tổ chức là do phụ nữ nắm giữ. Cột mốc này đã đạt được vào năm 2022. Tuy nhiên, như Ủy ban Olympic quốc tế là cơ quan đầu tiên thừa nhận, vẫn còn nhiều việc phải làm để mang lại bình đẳng giới trong Phong trào Olympic rộng lớn hơn – đặc biệt là ngoài thi đấu.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach nhấn mạnh: “Mỗi người đều có một vai trò”
Đó cũng là phát biểu của ông tại diễn đàn cùng với các bài phát biểu quan trọng của Tiến sĩ Phumzile Mlambo-Ngcuka, cựu Giám đốc Điều hành của phụ nữ liên hiệp quốc và hiện là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn về Nhân quyền của Ủy ban Olympic quốc tế và Thành viên Ủy ban Olympic quốc tế, Hoàng tử HRH Faisal Al Hussein, người vừa giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bình đẳng giới của Hiệp hội Ủy ban Olympic quốc gia vừa là Phó Chủ tịch Ủy ban Bình đẳng giới, Đa dạng và Hòa nhập của Ủy ban Olympic quốc tế.
Trong thông điệp của mình, Chủ tịch Thomas Bach ca ngợi những tiến bộ mà Hiệp hội Ủy ban Olympic quốc gia châu Phi đã đạt được cho đến nay đồng thời nhấn mạnh rằng toàn bộ Phong trào Olympic cần phải hợp tác cùng nhau để thu hẹp khoảng cách giới tính trong các môn thể thao.
Chỉ có 26% vị trí lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc gia là do phụ nữ nắm giữ. Trong số các Liên đoàn Quốc tế, chỉ có 4 tổ chức do phụ nữ lãnh đạo và chỉ 8 tổ chức có nữ là tổng thư ký. Khoảng cách giới tính này trong đội ngũ VĐV, nơi số lượng phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo vẫn ở mức thấp.
Nếu thực sự muốn thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong thể thao, không chỉ với tư cách là VĐV mà còn với tư cách là huấn luyện viên, quan chức và lãnh đạo, thì mọi người đều có vai trò – Liên đoàn Quốc tế, Ủy ban Olympic quốc gia, VĐV, tất cả các đối tác khác và các bên liên quan.
Cam kết hành động
Sau hai ngày thảo luận sôi nổi, những người tham gia diễn đàn đã trình bày “cam kết hành động” của mình như một lộ trình cùng nhau hợp tác vì bình đẳng giới ở Châu Phi. Những cam kết này bao gồm một loạt các hành động và nâng cao nhận thức về nhu cầu bình đẳng giới từ cấp cơ sở đến thể thao thành tích cao, bao gồm: tăng cường sự tham gia của VĐV nữ từ cấp cơ sở đến cấp cao; Thực hiện hạn ngạch cân bằng giới tính trong các cơ quan quản lý, với tỷ lệ đại diện nữ tối thiểu là 30%, như đã nêu trong quy chế của Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia; Tăng cường năng lực và sự đại diện của phụ nữ trong tất cả các hạng mục (ví dụ như những người hỗ trợ của VĐV, quản trị viên, v.v.) từ cấp cơ sở đến cấp cao; Thực hiện và phổ biến Nguyên tắc trình bày của Ủy ban Olympic quốc tế về truyền thông và thể thao; Thiết lập và thực hiện các biện pháp vì môi trường thể thao an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ.
Chủ tịch Thomas Bach chỉ ra tầm quan trọng của những hành động đó trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới: “Bình đẳng giới không chỉ xảy ra một cách kỳ diệu. Để tiếp tục phát triển, chúng ta cần có những chính sách thận trọng và cam kết thể chế. Đây là lý do tại sao tôi rất vui khi thấy Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia, thông qua Ủy ban Bình đẳng Giới, đang thực hiện những bước quan trọng như thế nào. Với sự tập trung mạnh mẽ vào việc thúc đẩy thể thao trên khắp Châu Phi ở cấp khu vực, chứng minh tầm quan trọng của cách tiếp cận từ dưới lên khi nói đến bình đẳng giới”.
Hội thảo bảo vệ Ủy ban Olympic quốc tế
Bên lề diễn đàn, Ủy ban Olympic quốc tế cũng tổ chức một hội thảo về bảo vệ an toàn cho các Ủy ban Olympic quốc gia. Hội thảo được tổ chức như một phần trong mục tiêu của Ủy ban Olympic quốc tế nhằm giúp các Ủy ban Olympic quốc gia phát triển các chính sách và chương trình của riêng họ nhằm ngăn chặn hành vi quấy rối và lạm dụng, tập trung vào việc tìm hiểu những thách thức địa phương đang phải đối mặt trong việc tăng cường thể thao an toàn và thảo luận về các giải pháp địa phương sẵn có trong các khu vực khác nhau của Châu Phi.
A.T biên dịch