Làng VĐV dự kiến sẽ chiếm 30 tỷ yên (tương đương 224 triệu đô la Mĩ) trong ngân sách 85 tỷ yên (khoảng 636 triệu đô la Mĩ) cho Đại hội thể thao châu Á 2026. Tuy nhiên trên thực tế, chi phí xây dựng dự kiến tăng gấp đôi lên khoảng 60 tỷ yên (449 triệu đô la).
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/30378/lang-VDV.jpg)
Aichi-Nagoya 2026 sẽ không có Làng VĐV (Ảnh:insidethegames)
Thay vì xây dựng Làng VĐV, Ban tổ chức sẽ sử dụng các khách sạn để làm nơi ở cho các VĐV. Dự kiến sẽ có quyết định cuối cùng về điều chỉnh vào cuối năm nay sau đợt kiểm tra của các cơ quan quản lý và Hội đồng Olympic châu Á.
Sự hoài nghi của công chúng đối với các sự kiện thể thao lớn do vụ bê bối tham nhũng Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020, đã cản trở hy vọng tổ chức Thế vận hội và Paralympic Mùa đông 2030 của Sapporo, và cũng là một yếu tố để Ban điều hành Aichi-Nagoya 2026 đưa ra quyết định không xây dựng Làng VĐV.
Thống đốc Aichi Hideaki Ōmura-Trưởng ban tổ chức của Aichi-Nagoya 2026 tuyên bố sẽ làm hết sức mình để kinh phí chuẩn bị tổ chức sự kiện nằm trong ngân sách. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công chúng sau vụ bê bối Tokyo 2020 bao gồm việc bắt giữ các quan chức cấp cao trong Ban tổ chức và 06 công ty vì cáo buộc gian lận đấu thầu.
Việc cắt giảm chi phí cũng liên quan tới khó khăn trong tìm kiếm nhà tài trợ và giá nguyên vật liệu tăng cao.
Với mong muốn tổ chức một sự kiện đơn giản, hợp lý và phù hợp với Nhật Bản, Ban tổ chức Aichi-Nagoya 2026 đang xem xét giảm quy mô của Đại hội thể thao châu Á về số lượng sự kiện.
Tổng cộng có 482 nội dung tranh huy chương trong 40 môn thể thao và 61 phân môn sẽ được tổ chức tại Đại hội thể thao châu Á ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Quy mô của sự kiện thể thao đa môn đã trở thành một mối quan tâm và Hội đồng Olympic châu Á năm ngoái đã phê duyệt các thay đổi để thu nhỏ quy mô.
Nhật Bản từng tổ chức Đại hội thể thao châu Á ở Hiroshima vào 1994. Tokyo cũng đã tổ chức Đại hội thể thao châu Á vào năm 1958.
Đại hội thể thao châu Á tại Aichi-Nagoya 2026 sẽ diễn ra từ ngày 19/9 -4/10.
Hội đồng Olympic châu Á đã công bố quốc gia đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2030 và 2034 lần lượt cho thủ đô Doha của Qatar và thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út.
Ủy ban Olympic Quốc tế được trao chứng nhận ISO 20121 về hiệu suất bền vững tại các sự kiện của tổ chức
Những nỗ lực của Ủy ban Olympic Quốc tế nhằm cải thiện một cách có hệ thống và liên tục hiệu suất bền vững trong các sự kiện đã giúp tổ chức này nhận được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 20121:2012.
ISO 20121:2012 là một tiêu chuẩn quốc tế dành cho các hệ thống quản lý tính bền vững được áp dụng cho các sự kiện, do Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012 khởi xướng. Tiêu chuẩn này đánh giá cách thức tính bền vững được tích hợp vào các quyết định quan trọng ở mỗi bước lập kế hoạch và dàn dựng sự kiện.
Các sự kiện của Ủy ban Olympic Quốc tế, tuân theo quy trình chứng nhận, bao gồm các sự kiện tổ chức và tài trợ, ví dụ như các phiên họp Ủy ban Olympic Quốc tế, các cuộc họp của ủy ban, các sự kiện Ngày Olympic, Diễn đàn VĐV Quốc tế và các hội nghị khác.
Marie Sallois, Giám đốc phụ trách Phát triển Doanh nghiệp và Bền vững của Ủy ban Olympic Quốc tế bày tỏ sự tự hào khi nhận được chứng chỉ ISO 20121. Phần thưởng này góp phần công nhận những nỗ lực của tổ chức trong việc quản lý tác động xã hội, kinh tế và môi trường trong các sự kiện của tổ chức. Ủy ban Olympic Quốc tế hy vọng sự công nhận này sẽ truyền cảm hứng cho các tổ chức khác trong Phong trào Olympic, khi Ủy ban Olympic Quốc tế cố gắng làm cho thế giới thể thao bền vững hơn.
Panos Tzivanidis, Giám đốc Dịch vụ và Sự kiện Doanh nghiệp cho biết, lấy cảm hứng từ những nỗ lực của London 2012 và phù hợp với lộ trình chiến lược của Ủy ban Olympic Quốc tế, Chương trình nghị sự Olympic 2020+5, Ủy ban Olympic Quốc tế bắt tay vào hành trình phát triển danh mục đầu tư đầy đủ các sự kiện của tổ chức và doanh nghiệp và trở thành một ví dụ cho Phong trào Olympic và hơn thế nữa.
Việc đánh giá chứng nhận ISO 20121 của Ủy ban Olympic Quốc tế được tiến hành vào tháng 11/2022 và có hiệu lực trong ba năm, với các cuộc đánh giá xác nhận hàng năm và đánh giá thường xuyên. Các mục tiêu bền vững hiện tại cho các sự kiện của Ủy ban Olympic Quốc tế, phản ánh các ưu tiên trong chiến lược bền vững của tổ chức, bao gồm:
Ngăn ngừa lãng phí và tối đa hóa việc tái sử dụng và tái chế. Ví dụ, bằng cách tránh sử dụng đồ nhựa dùng một lần, thuê thiết bị tại địa phương càng nhiều càng tốt, thiết kế thực đơn giảm lãng phí thực phẩm và sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ từ rác thải thực phẩm.
Kết hợp chặt chẽ các tiêu chí về môi trường và trách nhiệm xã hội khi mua hàng. Ví dụ: bằng cách ưu tiên thực phẩm địa phương và được chứng nhận cũng như các sản phẩm có nhãn sinh thái, chọn vật liệu trang trí và biển hiệu có thể tái sử dụng và tái chế, đồng thời đảm bảo quà tặng bền và được sản xuất trong điều kiện làm việc tốt.
Giảm lượng khí thải CO2 bằng cách đưa ra các định dạng sự kiện mới cho phép tham gia từ xa. Khuyến khích người tham gia sử dụng phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông theo nhóm Nâng cao nhận thức của những người tham gia sự kiện về các biện pháp bền vững tại chỗ.
Chứng nhận ISO 20121 do Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012 tiên phong, là chất xúc tác cho sự phát triển. Kể từ đó, Chứng nhận ISO 20121 đã trở thành một trong những yêu cầu bền vững cho mọi Thế vận hội Olympic, với Rio 2016, PyeongChang 2018, Tokyo 2020 và Bắc Kinh 2022 đều đã được chứng nhận. Chứng nhận ISO 20121 cũng được các môn thể thao lớn và các nhà tổ chức sự kiện khác đón nhận.
Paris 2024, đã nhận được chứng nhận ISO 20121 vào năm 2022, sẽ là một cột mốc quan trọng khác trong quá trình phát triển của hệ thống. ISO 20121 hiện đang được sửa đổi và sẽ được cập nhật theo bối cảnh ngày nay – vừa để phản ánh khả năng phát triển của ngành tổ chức sự kiện để trở nên bền vững hơn vừa để đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của công chúng. Paris 2024 sẽ đi tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn sửa đổi và Ủy ban Olympic quốc tế cũng đang đóng góp vào cuộc đối thoại do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế dẫn đầu về sự phát triển của ISO20121:2012.
David Stubbs, cựu Trưởng phòng Bền vững của London 2012 cho biết, bằng cách truyền cảm hứng cho sự phát triển của ISO 20121, London 2012 đã mang đến cơ hội thay đổi cách lên kế hoạch và quản lý các sự kiện. Kể từ đó, việc lập kế hoạch và dàn dựng tất cả các kỳ Thế vận hội Olympic đã phù hợp với tiêu chuẩn. ISO 20121 cũng đã được sử dụng rộng rãi ngoài Thế vận hội.
Tính bền vững là yếu tố chính trong lộ trình chiến lược của Ủy ban Olympic quốc tế, Chương trình nghị sự Olympic 2020+5. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Ủy ban Olympic quốc tế đã cam kết giảm 50% lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp vào năm 2030. IOC sẽ bù đắp nhiều hơn lượng khí thải còn lại thông qua dự án Rừng Olympic. Từ năm 2030, tất cả các Thế vận hội Olympic sẽ có nghĩa vụ theo hợp đồng để giảm thiểu lượng khí thải carbon và bồi thường hơn 100% lượng khí thải còn lại của họ. Paris 2024 sẽ là Thế vận hội Olympic đầu tiên phù hợp với Thỏa thuận Paris, với lượng khí thải dự kiến sẽ giảm một nửa so với Thế vận hội trước.
A.T biên dịch