Karate hy vọng sẽ được góp mặt tại Thế vận hội Olympic mùa hè Los Angeles 2028

Hy vọng trở lại chương trình Olympic của Karate là một trong những chủ đề được thảo luận tại buổi gặp và làm việc giữa Chủ tịch Liên đoàn Karate Thế giới Antonio Espinós và Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia Châu Phi Mustapha Berraf tại Madrid.

Chủ tịch Mustapha Berraf, người đã giữ vai trò quản lý Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia Châu Phi từ năm 2018, một năm trước khi trở thành thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế, cũng đã chia sẻ về sự phát triển của karate ở Châu Phi khi đến thăm trụ sở của Liên đoàn Karate Thế giới.

Liên đoàn Karate Thế giới và Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia Châu Phi thảo luận về hy vọng Olympic của môn thể thao này (Ảnh: insidethegames)

Sau chuyến thăm, Chủ tịch Liên đoàn Karate Thế giới bày tỏ vui mừng được chào đón Chủ tịch Mustapha Berraf đến trụ sở của Liên đoàn Karate Thế giới để cùng xem xét tình hình thể thao và karate ở Châu Phi cũng như trên toàn thế giới.

Karate có thể mang lại giá trị gia tăng lớn cho Phong trào Olympic. Do vậy, Liên đoàn Karate Thế giới rất vui mừng được hợp tác với Chủ tịch Mustapha Berraf và Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia Châu Phi để nâng cao tác động của thể thao và hệ sinh thái thể thao trong xã hội, cả ở lục địa châu Phi và trên toàn thế giới.

Karate ra mắt Olympic tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. Tuy nhiên, môn thể thao này lại không được đưa vào chương trình của Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 và hiện hy vọng sẽ được góp mặt tại Thế vận hội Olympic mùa hè Los Angeles 2028.

Môn thể thao này là một trong 09 môn thể thao được Ban tổ chức Los Angeles 2028 mời trình bày để đưa vào chương trình của Thế vận hội Olympic mùa hè, cùng với bóng chày/bóng mềm, lacrosse, breaking, kickboxing, bóng quần, đua xe thể thao, cricket và flag football.

Quyết định về chương trình thi đấu thể thao sẽ được đưa ra tại Phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế ở Mumbai từ ngày 15-17 /10.

Mọi trẻ em ở Ấn Độ đều có được lợi ích từ thể thao và Phong trào Olympic 

Nhân dịp thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển, Ủy ban Olympic Quốc tế đã nêu bật cách thức các VĐV và toàn bộ Phong trào Olympic tích cực đóng góp cho một nền hòa bình lành mạnh, bình đẳng hơn, toàn diện và bền vững hơn trong 365 ngày (một năm), thông qua thể thao.

VĐV đoạt HCV Olympic Abhinav Bindra – một thành viên của Ủy ban VĐV Ủy ban Olympic Quốc tế chia sẻ về cách mà sự nghiệp VĐV bắn súng thể thao đã đưa anh đến cam kết trọn đời với các giá trị Olympic và cách anh hiện đang chia sẻ những giá trị đó với học sinh ở Ấn Độ thông qua Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic.

Khi sự nghiệp thể thao kéo dài hai thập kỷ của Abhinav Bindra khép lại với vị trí thứ 4 tại Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016. Kết quả đó đáng lẽ là thất vọng nặng nề nhưng lại trở thành khoảnh khắc tràn đầy thôi thúc khi các đối thủ, đồng đội, huấn luyện viên, mọi người từ khắp nơi trên thế giới chúc mừng và cảm ơn Abhinav Bindra vì đã đã thi đấu hết mình và luôn công bằng. Điều này đã giúp Abhinav Bindra nhận ra rằng, mặc dù không còn là một VĐV nữa, nhưng thể thao và các giá trị Olympic sẽ mãi ở bên. Thế vận hội Olympic đại diện cho một cam kết lâu dài đối với lối chơi công bằng, trung thực và chính trực, đồng thời là minh chứng cho thực tế rằng thể thao thực sự có thể giúp biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người.

Niềm tin mạnh mẽ trở thành một VĐV Olympic đòi hỏi mỗi cá nhân phải cam kết tuân theo các giá trị của Olympic và truyền lại những lợi ích cho càng nhiều bạn trẻ càng tốt. Với sứ mệnh này, Quỹ Abhinav Bindra đã ra mắt Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic ở Ấn Độ một năm trước, mang đến cho gần 50.000 trẻ em tại 90 trường công lập ở bang Odisha niềm vui và sự lạc quan.

Hoạt động thể chất tăng 50% ở các trường này. Một trường tiểu học công lập có số lượng học sinh đi học thấp đã chứng kiến số lượng học sinh tăng 12% chỉ ba tháng sau khi giới thiệu các buổi học sôi động và mới lạ của Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic.Chương trình bắt đầu được triển khai vào tháng 4/022, khi một nhóm từ Tổ chức Văn hóa và Di sản Olympic của Ủy ban Olympic quốc tế  trang bị cho hơn 150 giáo viên thể dục những công cụ cần thiết để thực hiện chương trình. Cùng với việc đảm bảo tăng cường hoạt động thể chất và hiểu biết về thể chất, môn thể thao đã trở thành phương tiện để qua đó các bài học về tính hòa nhập và sự tôn trọng được biến thành trải nghiệm thực tế cho trẻ em và giáo viên. Lớp thể dục hàng tuần trở nên mới lạ và vui nhộn.

Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic đi kèm với một số điều cơ bản phải làm: bất kể môn thể thao nào được chơi, mọi học sinh – bất kể giới tính hay khả năng thể chất – đều phải tham gia. Các trường thuộc Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic tham gia các môn thể thao đồng đội lớn như bóng đá và khúc côn cầu, cũng như các môn thể thao bản địa như kabaddi, kho-kho, pithu, laghori và thậm chí cả cricket. Các nguyên tắc cơ bản là tính toàn diện, hoạt động và cộng tác, với việc tính điểm, thắng và thua chỉ là thứ yếu. Trong bóng đá Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic, một bàn thắng vinh quang cá nhân không có ý nghĩa gì.

Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic đã dạy cách những thay đổi nhỏ nhất và những ý tưởng đơn giản nhất được thực hiện một cách nhất quán có thể có tác động sâu sắc nhất. Hàng nghìn học sinh đã tiếp thu, nhiệt tình và tràn đầy ý tưởng. Sau những kết quả như vậy, Quỹ Abhinav Bindra sẽ mở rộng quy mô trong năm thứ hai sắp tới và đưa Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic đến 250 trường học, hy vọng sẽ tác động đến hơn 150.000 học sinh.

Câu hỏi đặt ra là một chương trình thể thao có thể liên quan đến Thế vận hội. Quỹ Abhinav Bindra có thể và tin rằng mọi trẻ em ở Ấn Độ đều có thể đạt được điều gì đó từ thể thao và Phong trào Olympic. Càng có nhiều tài năng trẻ càng thêm cơ hội tạo ra những VĐV Olympic trong tương lai.

Hơn nữa, việc khắc sâu bản chất của chủ nghĩa Olympic vào tâm trí trẻ là vô giá. Thấm nhuần ý tưởng nắm bắt sự đa dạng về kỹ năng, bản sắc, văn hóa và nền tảng thông qua thể thao sẽ là vô giá trong bối cảnh Ấn Độ. Tìm kiếm điểm chung thông qua thể thao với tinh thần đồng đội về thể chất và tinh thần, tình bạn thân thiết, sự hợp tác và cùng nhau trải qua những thăng trầm là mục tiêu cuối cùng.

Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic đã truyền cảm hứng cho học sinh và giáo viên trên khắp thế giới thông qua giáo dục thể thao từ năm 2005. Các hoạt động và tài nguyên miễn phí của Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic dạy học sinh cách áp dụng các giá trị Olympic vào thực tế trong và ngoài lớp học, giúp gắn kết với cộng đồng, xây dựng sự tự tin và lựa chọn lối sống lành mạnh khi bước sang tuổi trưởng thành.

Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic cũng được triển khai tại Senegal vào tháng 1/2023. Kể từ đó, 70 giáo viên từ khắp Senegal đã được đào tạo, và nhờ các lớp học hàng tuần, 1,5 triệu trẻ em sẽ được hưởng lợi từ nền giáo dục này trước Thế vận hội Olympic trẻ.

Chương trình Giáo dục Giá trị Olympic cũng đóng góp vào chiến lược Olympism365 của Ủy ban Olympic quốc tế, được thiết kế để kết nối mọi người với các giá trị của Olympic ở mọi nơi, mọi ngày. Phù hợp với lĩnh vực ưu tiên là thể thao, giáo dục và sinh kế; đồng thời Chương trình giúp tăng cường vai trò của thể thao và Thế vận hội Olympic trong việc phát triển các kỹ năng có thể chuyển đổi và tăng khả năng tiếp cận giáo dục, việc làm và cơ hội kinh doanh.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Karate hy vọng sẽ được góp mặt tại Thế vận hội Olympic mùa hè Los Angeles 2028