Huấn luyện viên nữ người kiến tạo con đường cho thế hệ tương lai

Huấn luyện viên nữ thường đứng sau hậu trường, bên lề và hiếm khi xuất hiện trên các bài báo. Tuy nhiên, vai trò của họ là giúp mở đường cho các thế hệ tương lai.

Ủy ban Olympic Quốc tế và Phong trào Olympic đã nỗ lực để Thế vận hội trở thành sự kiện thể thao bình đẳng giới lớn nhất trên thế giới. Tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, phụ nữ chiếm 48% số VĐV và Paris 2024 sẽ làm nên lịch sử với tư cách là Thế vận hội Olympic đầu tiên có sự bình đẳng giới hoàn toàn về VĐV.

Huấn luyện viên nữ người kiến tạo con đường cho thế hệ tương lai  (Ảnh: twitter.com)

Mặc dù Paris 2024 sẽ tạo ra một bước đột phá mới, nhưng khoảng cách giới tính thực sự vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong đoàn VĐV, nơi số lượng phụ nữ nắm giữ các vai trò lãnh đạo như Trưởng đoàn, Quan chức kỹ thuật và huấn luyện viên vẫn còn rất thấp. Tại Tokyo 2020, chỉ có 13% huấn luyện viên là phụ nữ.

Karin Harjo của Canada, người phụ nữ đầu tiên huấn luyện đội trượt tuyết Alpine cho biết, những phụ nữ trẻ muốn làm huấn luyện viên và muốn làm việc ở cấp độ cao nhất, sẽ dễ dàng hình dung hơn nhiều nếu họ thấy người khác làm việc đó.

Ủy ban Olympic Quốc tế cam kết giải quyết thách thức và hỗ trợ các bên liên quan của Phong trào Olympic tìm ra con đường để nhiều phụ nữ đạt được trình độ huấn luyện cao nhất. Đó là một mục tiêu.

Andrea Bednas, huấn luyện viên trượt ván đến từ Hà Lan, cho biết: điều quan trọng đối với các VĐV nữ là phải thấy rằng không nhất thiết phải là nam giới mới được tham gia huấn luyện.

Myriam Fox-Jerusalmi, VĐV giành huy chương Olympic bày tỏ: ngày càng có nhiều phụ nữ nghĩ rằng họ có thể làm những công việc này và trở thành huấn luyện viên. Luôn có cánh cửa mở ra cho họ để trở thành huấn luyện viên. Myriam Fox-Jerusalmi đã được vinh danh với Giải thưởng Thành tựu trọn đời dành cho huấn luyện viên của Ủy ban Olympic quốc tế năm 2022, công nhận những huấn luyện viên đã cống hiến cả cuộc đời cho các VĐV.

Tỷ lệ nữ huấn luyện viên ưu tú tại Thế vận hội Olympic chỉ vào khoảng 10% trong thập kỷ qua. Thách thức bắt đầu từ cấp cơ sở, với ít trẻ em gái và phụ nữ chọn đảm nhận vai trò huấn luyện hơn. Điều này cũng tạo nên khoảng cách cách giới tính. Sự nghiệp huấn luyện thường đòi hỏi 10-12 năm kinh nghiệm ở cấp quốc gia trong các cuộc thi khu vực trước khi đạt đến cấp độ Olympic. Điều này phần nào giải thích tại sao quá trình trở thành một huấn luyện viên lại chậm hơn nhiều so với quá trình trở thành một VĐV ưu tú.

Ngoài ra, vẫn còn một số trở ngại khiến phụ nữ khó trở thành huấn luyện viên hơn. Katie Allen, một VĐV khúc côn cầu Olympic đến từ Úc hiện đang huấn luyện một đội nam hàng đầu ở Tây Ban Nha, cho rằng phải cởi mở để cảm nhận những nghi ngờ đó và hãy mạnh dạn và đừng khuất phục trước những lo lắng. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ và tổ chức phải làm nhiều hơn nữa để tìm được huấn luyện viên nữ.

Đồng thời, ngày càng có nhiều VĐV trải nghiệm những lợi ích của huấn luyện viên nữ. Trong một phiên bản được ra mắt vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 2020, ngôi sao quần vợt người Anh đã hai lần vô địch Olympic Andy Murray đã chia sẻ quan điểm của anh ấy về vai trò mà phụ nữ, bao gồm cả huấn luyện viên cũ của mình, Amélie Mauresmo, rằng khi nói đến tư duy, kỹ năng và trí thông minh, không có lý do gì mà một người phụ nữ không thể giỏi như một người đàn ông, và hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi khi phụ nữ được trao nhiều cơ hội hơn.

Là một cựu VĐV thể dục Olympic, Cecile Landi có những hiểu biết độc đáo về việc huấn luyện nữ và trẻ em gái. Cecile Landi hiện đang huấn luyện nhà vô địch Olympic thể dục dụng cụ Hoa Kỳ Simone Biles, nghĩ rằng phụ nữ sẽ nhận được sự chú ý mà họ xứng đáng. Mục tiêu này đang đi đúng hướng vì phụ nữ đang phá vỡ các ranh giới và kỷ lục.

Ủy ban Olympic quốc tế cam kết làm việc để tạo ra lộ trình cho các huấn luyện viên nữ, từ cấp cơ sở đến cấp độ ưu tú. Con đường thành tích cao dành cho Phụ nữ trong Thể thao là một phần của lộ trình. Chương trình kéo dài bốn năm do Tổ chức Đoàn kết Olympic tài trợ nhằm mục đích trang bị cho hơn 100 đối tượng nữ huấn luyện ở các cấp độ ưu tú vào năm 2024.

Đại diện cho 17 môn thể thao và 53 quốc gia, 97 huấn luyện viên đã đăng ký tham gia chương trình cho đến nay. Các đại diện đều đã được các Liên đoàn Quốc tế và Ủy ban Olympic Quốc gia thông qua dựa trên thành tích cá nhân, tiềm năng và mục tiêu dài hơi.

Chương trình được thiết kế nhằm giúp các huấn luyện viên nữ phát triển kỹ năng lãnh đạo, sự tự tin và sự nghiệp. Cố vấn cũng là một phần rất quan trọng của chương trình. Các huấn luyện viên được hưởng lợi từ việc tư vấn lãnh đạo trực tiếp cộng với sự hỗ trợ liên tục từ một ncố vấn dành riêng cho thể thao. Những lời khuyên và phản hồi của chuyên gia như vậy về những thách thức trong cuộc sống thực có thể là vô giá đối với bất kỳ huấn luyện viên nào, đặc biệt là với một phụ nữ cố gắng đạt thành tích cao nhất trong sự nghiệp.

Đối với nhiều người tham gia, chương trình đã giúp thay đổi cuộc sống. Anna Wiese, một huấn luyện viên xe đạp đến từ Ba Lan cho biết, nhờ có chương trình, Anna Wiese có thể gặp gỡ những người thuộc các lĩnh vực khác nhau và học hỏi từ con đường cũng như kinh nghiệm của họ.

Kristina Sue, một huấn luyện viên bóng bầu dục đến từ New Zealand, cho biết chương trình này cho phép những người tham gia xác định và phát huy điểm mạnh cũng như khắc phục điểm yếu. Chương trình phản ánh sâu sắc về bản thân và những năng lực chính hoặc lĩnh vực lãnh đạo vốn là thế mạnh và những gì mỗi cá nhân cần phải cải thiện.

Được thúc đẩy bởi tầm nhìn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao, Ủy ban Olympic quốc tế coi bình đẳng giới là điều bắt buộc đối với mọi tổ chức và mọi quốc gia. Vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã nói với các bên liên quan của Phong trào Olympic rằng tất cả các tổ chức thể thao – bao gồm cả Ủy ban Olympic quốc tế – có trách nhiệm thúc đẩy bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập. “Không một tổ chức hay quốc gia nào có thể bỏ lại phía sau các kỹ năng của 50% dân số,”, Chủ tịch Thomas Bach nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã đạt được tiến bộ trong và ngoài lĩnh vực thi đấu và đã thiết lập một kế hoạch hoạt động đầy tham vọng cho giai đoạn 2021 đến 2024, tập trung vào 5 lĩnh vực chính. Đặt mục tiêu tăng số lượng huấn luyện viên nữ trong tất cả các môn thể thao Olympic rõ ràng là một phần của kế hoạch đó.

Ủy ban VĐV và Ủy ban bình đẳng giới Ủy ban Olympic Bhutan tổ chức hội thảo thể thao an toàn 

Ủy ban VĐV và Ủy ban Bình đẳng Giới Ủy ban Olympic Bhutan với sự hỗ trợ của Tổ chức Đoàn kết Olympic đã tổ chức một cuộc hội thảo về chính sách thể thao an toàn.

Các nhân viên an ninh của các Liên đoàn Thể thao Quốc gia khác nhau đã tham gia khóa đào tạo dưới sự điều hành của bà Tshering Wangmo và ông Umang Rai.

Chính sách thể thao an toàn của Ủy ban Olympic Bhutan được phát triển dựa trên chỉ thị của Hoàng tử HRH Jigyel Ugyen Wangchuk, Chủ tịch Ủy ban Olympic Bhutan và Thành viên Ủy ban Olympic Quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Bhutan nhấn mạnh trong hướng dẫn chính sách thể thao an toàn về việc thúc đẩy thể thao và xây dựng một nền văn hóa thể thao sôi động, toàn diện ở Bhutan. Điều quan trọng là giới trẻ và những người đam mê thể thao Bhutan có thể luyện tập và thưởng thức thể thao trong một môi trường an toàn. Các học viên tham gia Khóa học cấp chứng chỉ bảo vệ an toàn của Ủy ban Olympic Quốc tế và sẽ trở thành các quan chức bảo vệ an toàn đầu tiên được Ủy ban Olympic Quốc tế chứng nhận ở Bhutan.

Ủy ban Bình đẳng giới cũng ban hành các áp phích ủng hộ thể thao an toàn, được phân phát cho các liên đoàn và hiệp hội thể thao tham dự.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Huấn luyện viên nữ người kiến tạo con đường cho thế hệ tương lai