Một báo cáo do Hội đồng thành phố Gwangju và Hội đồng thành phố Daegu cùng thực hiện đã được công bố vào tháng 8 năm 2021 để thông báo cho công chúng về kế hoạch tổ chức Đại hội thể thao châu Á 2038 ở hai thành phố.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/29041/0040364_gwang.jpg.jpeg)
Gwangju từng có kinh nghiệm tổ chức Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới vào năm 2019 (Ảnh: insidethegames)
Gwangju từng có kinh nghiệm tổ chức Giải vô địch thể thao dưới nước thế giới vào năm 2019 và Daegu đã đăng cai Giải vô địch điền kinh thế giới 2011. Hai địa điểm cách nhau 180 km nhưng có mối quan hệ thân thiết từ lâu. Mục tiêu đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2038 được coi là một nội dung để xây dựng sự hòa hợp hơn nữa giữa phía đông và phía tây của đất nước.
Viện Nghiên cứu Gwangju Jeonnam đã phối hợp với Viện Khoa học và Chính sách Thể thao Hàn Quốc để khảo sát cho việc đấu thầu chung cũng như công bố kết quả nghiên cứu khả thi sơ bộ.
Kết quả khảo sát lợi ích công cộng cũng được công bố với 71,8% trong số 400 công dân Gwangju ủng hộ. Nghiên cứu trên toàn quốc với 1.000 hộ gia đình cho thấy tỷ lệ ủng hộ là 60,2%.
Thành phố Gwangju hiện có kế hoạch xin phép hội đồng thành phố để đệ trình kế hoạch tổ chức một sự kiện quốc tế, trước khi tiếp cận Hội đồng thể thao Hàn Quốc.
Một quan chức thành phố Gwangju cho biết, nếu thành phố Daegu nhận được sự đồng ý từ hội đồng để cùng tổ chức sự kiện, hai thành phố sẽ cùng nhau chuẩn bị kế hoạch tổ chức sự kiện.
Đại hội thể thao châu Á 2038 là phiên bản tiếp theo của của các kì Đại hội năm 2030 và năm 2034 lần lượt diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar và Riyadh ở Ả Rập Xê Út.
Phiên bản gần đây nhất của Đại hội được tổ chức tại Jakarta và Palembang, Indonesia, vào năm 2018, với sự kiện năm 2022 sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Đại hội thể thao châu Á năm 2026 dự kiến sẽ được tổ chức tại các thành phố Aichi và Nagoya của Nhật Bản. Hàn Quốc đã tổ chức Đại hội thể thao châu Á ba lần trước đây, gần đây nhất là vào năm 2014 khi Incheon đóng vai trò chủ nhà. Busan tổ chức phiên bản năm 2002, thủ đô Seoul tổ chức vào năm 1986.
Bảo tàng Olympic Bắc Kinh trở thành thành viên mới nhất của mạng lưới Bảo tàng Olympic toàn cầu
Bảo tàng Olympic Bắc Kinh, nơi lưu giữ các tư liệu của cả Thế vận hội Olympic mùa hè 2008 và Thế vận hội Olympic mùa đông 2022, đã gia nhập mạng lưới Bảo tàng Olympic toàn cầu với tư cách là thành viên thứ 33. Nằm bên trong Sân vận động Quốc gia Tổ chim”, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh với 34.500 mét vuông triển lãm và trưng bày đa phương tiện đưa du khách đến với lịch sử, văn hóa thể thao và di sản Olympic của Bắc Kinh.
Bảo tàng Olympic Bắc Kinh đã được đưa vào mạng lưới Bảo tàng Olympic toàn cầu, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ, tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 17, được tổ chức tại Bảo tàng Olympic ở Lausanne vào cuối năm 2022. Trong phiên họp Đại hội đồng, Giám đốc Bảo tàng Olympic Bắc Kinh Hou Ming đã trình bày các mục tiêu và kế hoạch của Bảo tàng Olympic Bắc Kinh trước 56 đại diện của 32 Bảo tàng Olympic từ 22 quốc gia.
Theo đó, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh được thành lập vào năm 2009, không ngừng thu thập các tư liệu và tạo ra các chương trình giáo dục để tiếp cận người dân địa phương và chia sẻ các giá trị Olympic. Bảo tàng Olympic Bắc Kinh cũng được tân trang để nâng cao trải nghiệm của khách tham quan và mang đến khả năng tiếp xúc tốt nhất với các bộ sưu tập tư liệu.
Kể từ năm 2014, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh đã tổ chức một loạt các chương trình và hội thảo cho công chúng địa phương để quảng bá văn hóa Olympic và giáo dục Olympic cho giới trẻ, bên cạnh việc giới thiệu các bộ sưu tập đuốc, huy chương, đồng phục, thiết bị và các vật phẩm di sản khác, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh còn tổ chức triển lãm thường trực “Một thế giới, Một giấc mơ”.
Bảo tàng Olympic Bắc Kinh chào đón khoảng 200.000 sinh viên mỗi năm và các hoạt động giáo dục của Bảo tàng được chia thành bốn hình thức: hướng dẫn du lịch, sự kiện đặc biệt, chiến dịch thông tin và tham quan triển lãm. Bằng cách tận dụng triệt để di sản do hai kỳ Thế vận hội để lại, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh hy vọng sẽ giới thiệu Phong trào Olympic tới nhiều người hơn và khuyến khích công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên, tích cực tham gia thể thao.
Angelita Teo, Giám đốc Quỹ Văn hóa và Di sản Olympic kiêm Chủ tịch mạng lưới Bảo tàng Olympic toàn cầu cho biết, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh là sự bổ sung tuyệt vời cho mạng lưới vốn đã năng động và điều này càng củng cố cam kết của phong trào Olympic trong việc tiếp cận nhiều người hơn để truyền bá lý tưởng Olympic. Từng tổ chức cả Thế vận hội Olympic mùa hè và mùa đông, Bảo tàng Olympic Bắc Kinh có vị trí đặc biệt để ủng hộ tinh thần Olympic
Mạng lưới Bảo tàng Olympic toàn cầu được ra mắt vào năm 2006 tại Bảo tàng Olympic ở Lausanne và hiện là một mạng lưới đa quốc gia gồm 33 thành viên, tạo ra một nền tảng tích hợp, độc đáo để quảng bá Thế vận hội Olympic, các giá trị của thể thao và Thế vận hội Olympic. Các thành viên của mạng lưới chia sẻ các phương pháp hay nhất, đồng phát triển các chương trình có ý nghĩa và hợp tác về các vấn đề chung để nâng cao hiệu quả liên quan đến việc mua lại, quản lý, bảo tồn và phục hồi các hạng mục di sản Olympic.
Gangwon 2024 ra mắt linh vật Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông
Ban tổ chức địa phương đã cho ra mắt linh vật, bài hát và vũ đạo chính thức ở thời điểm một năm nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông Gangwon 2024.
Cả ba nội dung này đều được tạo nên bởi những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc. Yeri Kim VĐV từng giành huy chương Thế vận hội Olympic trẻ được Ban tổ chức bổ nhiệm làm đại sứ danh dự.
Linh vật Moongcho tượng trưng cho quả cầu tuyết, được sinh ra từ trận đấu ném tuyết giữa Soohorang và Bandabi, linh vật của Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông PyeongChang 2018.
Tên của Moongcho bắt nguồn từ từ tiếng Hàn "Moongchida", có nghĩa là tập hợp nhiều suy nghĩ và sức mạnh khác nhau, được tạo ra bởi sinh viên đại học Hàn Quốc Soo-Yeon Park.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cho biết, việc ra mắt linh vật luôn là một cột mốc quan trọng. Chúng ta có thể tin tưởng rằng thế hệ trẻ trên toàn thế giới sẽ có trải nghiệm tuyệt vời trong thời gian ở Gangwon.
Gangwon 2024 cũng công bố bài hát chính thức mang tên “We Go High” do sinh viên âm nhạc Keun Hak Kim 25 tuổi sáng tác và vũ đạo đi kèm
Chủ tịch Ủy ban điều phối Ủy ban Olympic quốc tế Zhang Hong nhấn mạnh việc huy động thanh niên địa phương tham gia là ưu tiên hàng đầu. Những người trẻ tuổi nắm giữ sức mạnh để định hình và biến đổi xã hội theo những cách vừa quan trọng vừa có ý nghĩa. Bằng cách tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tham gia vào thể thao và giáo dục các giá trị Olympic, Ủy ban Olympic quốc tế có thể trao quyền cho các bạn trẻ trở thành hình mẫu trong cộng đồng của họ. Gangwon 2024 tạo cơ hội cho thanh niên địa phương phát huy hết tiềm năng của họ và góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 19/1 -1/2/2024 với sự tham gia của 1.900 VĐV đến từ 81 Ủy ban Olympic quốc gia.
A.T biên dịch