Liên đoàn thể thao điện tử châu Á ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Ban tổ chức Đại hội thể thao trẻ Đông Á 2023

Ban tổ chức Đại hội thể thao trẻ Đông Á Ulaanbaatar đã chính thức thông báo về việc đưa thể thao điện tử vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao trẻ Đông Á Ulaanbaatar 2023 sắp tới.

Trước đó, Liên đoàn thể thao điện tử châu Á và Ban tổ chức Đại hội thể thao trẻ Đông Á Ulaanbaatar đã tiến hành ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác nhằm đánh dấu sự ra mắt của Thể thao điện tử tại kì Đại hội này.

Liên đoàn thể thao điện tử châu Á ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với Ban tổ chức Đại hội thể thao trẻ Đông Á 2023 (Ảnh: huangzhou2022)

Các quan chức hàng đầu của Liên đoàn thể thao điện tử châu Á, Tổng Giám đốc Sebastian Lau và Giám đốc điều hành Steve Kim đã có buổi gặp mặt Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Olympic quốc gia Mông Cổ Ch.Naranbaatar, Ban tổ chức địa phương để thảo luận về quan hệ đối tác. Theo đó, Liên đoàn thể thao điện tử châu Á cũng sẽ tăng cường hỗ trợ để phát triển thể thao điện tử tại Mông Cổ, tập trung vào các giá trị và chương trình nghị sự của Olympic.

Liên đoàn thể thao điện tử châu Á và Ủy ban Olympic quốc gia Mông Cổ đã thảo luận chi tiết về môn thể thao đang dần bén rễ ở quốc gia này và các biện pháp được thực hiện để khuyến khích các VĐV tham gia môn thể thao điện tử. Đặc biệt, Liên đoàn thể thao điện tử châu Á sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Olympic quốc gia để tăng cường sự tham gia vào Thể thao điện tử tại Đại hội thể thao châu Á sắp tới ở Hàng Châu.

Các quan chức hàng đầu Liên đoàn thể thao điện tử châu Á cũng đã gặp Phó Thống đốc Thành phố Ulaanbaatar, Z.Tumurtumuu và Giám đốc Thông tin và Công nghệ của Văn phòng Thống đốc Thủ đô O.Chinzorig để thảo luận về công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Trẻ Đông Á 2023.

Phó Thống đốc Thành phố Ulaanbaatar Z.Tumurtumuu cho biết, Ulaanbaatar là thành phố của giới trẻ, với khoảng 70% dân số ở độ tuổi dưới 45. Đại hội Thể thao trẻ Đông Á là lễ hội lớn đầu tiên của giới trẻ được tổ chức ở Mông Cổ. Ulaanbaatar rất vui được hợp tác với Liên đoàn thể thao điện tử châu Á để phát triển thể thao điện tử một cách đúng đắn.

Liên đoàn thể thao điện tử châu Á sẽ đảm nhận vai trò cố vấn cho công tác chuẩn bị cho thể thao điện tử cùng với phát triển các chương trình giáo dục thể thao điện tử nhằm nuôi dưỡng tài năng trẻ. Công tác chuẩn bị cho thể thao điện tử sẽ bao gồm các lĩnh vực như tổ chức thi đấu, lựa chọn tựa games, họp kỹ thuật và công tác điều hành tại địa điểm thi đấu. Chương trình giáo dục thể thao điện tử nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ủng hộ thể thao điện tử đối với phụ huynh, người chơi và công chúng nói chung.

Đại hội Thể thao Trẻ Đông Á 2023 sẽ được tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ từ ngày 16 -23/8/2023. Dự kiến có hơn 1.500 VĐV của 9 quốc gia và khu vực tham gia tranh tài.

Hoa Kỳ thông qua dự luật trả lương bình đẳng cho các VĐV trong tất cả các môn thể thao

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật đảm bảo rằng nam và nữ VĐV sẽ được trả thù lao bình đẳng cho những thành tích tương ứng của họ trong thể thao.Kết quả này đạt được sau một chiến dịch lâu dài trong môn bóng đá.

Đạo luật Trả lương bình đẳng sẽ yêu cầu đơn vị chủ quản phải trả lương và lợi ích ngang nhau cho những đại diện cho Hoa Kỳ trong thể thao và điều này áp dụng với tất cả các môn thể thao quốc gia. Dự luật này đã được nhất trí thông qua tại Thượng viện.

Chủ tịch bóng đá Hoa Kỳ Cindy Parlow Cone cho biết Thượng Viện và Hạ Viện đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng đây là tiêu chuẩn cho tất cả các đội tuyển quốc gia trong tất cả các môn thể thao cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các VĐV để đạt được mức lương bình đẳng bao gồm cả tiền thưởng quốc tế.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ của Washington Maria Cantwell đã tài trợ cho dự luật này, sau đó dự luật có được sự đồng tài trợ từ thành viên cùng đảng, Thượng nghị sĩ bang Minnesota Amy Klobuchar. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Wyoming Cynthia Lummis và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tây Virginia Shelley Moore Capito cũng tham gia tài trợ cho dự luật.

Dự luật được thông qua để đảm bảo việc trả lương bình đẳng được thực thi hợp pháp. Yêu cầu đối xử bình đẳng với các VĐV cũng được nêu trong báo cáo hàng năm.

Chiến dịch trả lương bình đẳng diễn ra ở nhiều quốc gia, trong đó đội tuyển bóng đá nam quốc gia Canada gần đây đã đình công để thúc đẩy việc các đồng nghiệp nữ cũng  nhận được mức lương tương tự như họ.

Vào năm 2020, Anh và Brazil xác nhận sẽ trả lương bình đẳng cho các đội của mình tại các giải đấu lớn. Úc, Na Uy và New Zealand cũng hành động tương tự vào thời điểm đó.

Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á tổ chức phiên họp Đại hội đồng 

Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng mới nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức bằng hình thức trực tuyến do các hạn chế về đại dịch COVID-19.

Có 52 đại biểu đến từ 28 quốc gia tham dự phiên họp Đại hội đồng. Phiên họp Đại hội đồng của Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á cũng có sự hiện diện của các đại biểu khách mời là Quyền Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đại học Quốc tế Leonz Eder, Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao Đại học Quốc tế Eric Saintrond, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Đại học Châu Âu Adam Roczek, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Phi Nomsa Mahlangu, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Đại Dương David Schmude và Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Mỹ Alvarado.

Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á Yanqing Xue đã gửi lời cảm ơn các Bên liên quan đã thông cảm về việc hủy bỏ các sự kiện đã được lên lịch vào năm 2022.

Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á Kenny Chow khẩng định sự đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ủy ban điều hành và nhân viên để cùng nhau tổ chức các lễ kỷ niệm trong đó có sự kiện này.

Tại phiên họp, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao Đại học Châu Âu Adam Roczek cũng phản ánh về kết quả hợp tác giữa Hiệp hội Thể thao Đại học Châu Âu và Liên đoàn Thể thao Đại học Châu Á.

Hiệp hội Olympic Pakistan tổ chức hội thảo về Trao quyền cho các VĐV

Hiệp hội Olympic Pakistan, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Olympic Châu Á, đã tổ chức hội thảo về Trao quyền cho VĐV tại Đại học nữ sinh Lahore. Các chủ đề được đề cập trong hội thảo kéo dài hai ngày bao gồm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, kiểm soát doping, con đường sự nghiệp và chuyển đổi nghề nghiệp trong thể thao.

Tiến sĩ Bushra Mirza, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nữ sinh Lahore, đã khai mạc buổi hội thảo cũng như khẳng định sự vui mừng được đón tiếp các VĐV quốc gia tham dự sự kiện giáo dục này. Phó Hiệu trưởng Bushra Mirza cũng đảm bảo với các VĐV sẽ có được sự hỗ trợ đầy đủ của Trường Đại học Nữ sinh Lahore trong quá trình học tập và tập luyện cũng như thể thao.

Đại học nữ sinh Lahore đã đi đầu trong việc quảng bá các môn thể thao dành cho phụ nữ ở Pakistan.

Tiến sĩ Mirza cảm ơn Trung tướng (đã nghỉ hưu) Syed Arif Hasan, Chủ tịch Hiệp hội Olympic Pakistan và ông Muhammad Inam, Chủ tịch, Ủy ban Vận động viên của POA, vì đã hợp tác với LCWU cho sự kiện quan trọng này.

Chủ tịch Hiệp hội Olympic Pakistan Syed Arif Hasan cho biết tổ chức này đã tiến hành năm hội thảo nhằm giáo dục VĐV trong hai năm qua. Ông cho biết trách nhiệm chính của các tổ chức thể thao là giáo dục các VĐV, giúp họ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Phong trào Olympic trong tương lai. Các VĐV đã được cung cấp nền giáo dục quan trọng và có giá trị sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu thể thao và giáo dục của mình.

A.T biên dịch