Năm giải thưởng cao quý của 5 châu lục được trao cho các nữ ứng cử viên sáng giá đã có đóng góp tích cực nhằm làm tăng số lượng phụ nữ và nữ thanh niên vào các phong trào thể thao quốc tế. Đó là:
Lydia Nsekera (Burundi_đại diện Châu Phi) nguyên là VĐV Nhảy cao và Bóng rổ, Lydia trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá Châu Phi và cũng là người phụ nữ thứ 2 trên thế giới đạt tới vị trí này. Lydia cũng là người tiên phong trong việc tạo dựng nên các CLB thể thao dành cho phụ nữ tại Burundi. Lydia còn là người khởi xướng giải Bóng đá đầu tiên dành cho các nữ cầu thủ. Năm 2004, Lydia đã tiến hành tổ chức một loạt chiến dịch thành công cho phụ nữ tham dự vào các khóa học trọng tài, quản lý thể thao và HLV. Lydia cũng là người gây quỹ chống xâm hại và bạo hành phụ nữ và chiến dịch phòng chống HIV/AIDS.
María Caridad Colón Ruenes (Cuba_đại diện Châu Mỹ) trở thành VĐV CuBa đầu tiên giành HCV Olympic nội dung Ném lao vào năm 1980, María đã trở thành thành viên tích cực trong các hoạt động phát triển thể thao tại CuBa, Liên Mỹ và quốc tế. María cũng là Chủ tịch Uỷ ban Phụ nữ thể thao thuộc Uỷ ban Thể thao quốc gia, là thành viên của Uỷ ban Phụ nữ Liên đoàn Điền kinh thế giới... María phát triển các CLB trẻ và huấn luyện các cô gái ở trong và ngoài nước. María cũng là người đảm nhiệm các bài giảng về tầm quan trọng của thể thao.
Arvin Dashjamts (Mông Cổ_đại diện Châu Á) là Chủ tịch Uỷ ban Phụ nữ và Thể thao và cũng là thành viên nữ duy nhấy của Ban Điều hành Uỷ ban Thể thao quốc gia Mông Cổ, Arvin Dashjamts đã đóng vai trò không thể thiếu trong việc làm tăng số lượng các thành viên nữ tham gia vào các môn thể thao và giáo dục thể chất tại Mông Cổ. Dashjamts cũng là người phụ nữ đấu tranh không ngừng nghỉ vì sự phát triển của phong trào Olympic với vai trò là người phụ nữ hiện đại. Dashjamts cũng luôn gắn liền với những vị trí quan trọng tại các tổ chức thể thao trong nước. Hai lần được bầu làm trưởng đoàn thể thao Mông Cổ, Dashjamts đã giúp thành lập nên Quỹ Phụ nữ và Thể thao và được bầu là thành viên Nghị viện Mông Cổ năm 2000.
Danira Nakic Bilic (Croatia_đại diện Châu Âu) giành HCB môn Bóng rổ năm 1988, thành viên Uỷ ban Phụ nữ và Thể thao quốc gia, Danira Nakic Bilic đã tổ chức các khoá học và diễn đàn có liên quan tới Olympic tại các trường Tiểu học và THCS, tổ chức các chương trình phát triển dành cho nữ VĐV trong lĩnh vực quản lý thể thao. Được bầu là thành viên Nghị viện năm 2004, Danira Nakic Bilic đã không ngừng phấn đấu vì sự phát triển của thể thao. Năm 2008, Danira Nakic Bilic được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quỹ Di sản Croatia.
Auvita Rapilla (Papua New Guinea_đại diện Châu Đại Dương) đã có 14 năm cống hiến tại Liên đoàn Thể thao Papua New Guinea và Uỷ ban Olympic Papua New Guinea nơi Auvita Rapilla giữ cương vị Phó Tổng thư ký. Với vai trò là thành viên của Ban Thể thao và Phụ nữ Châu Đại dương, Auvita Rapilla là cầu nối giữa thể thao với phụ nữ trong khu vực.
Giải thưởng được đích thân các thành viên Uỷ ban Olympic quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế và các Liên đoàn Châu lục trao tặng.
Chủ tịch IOC, Jacques Rogge đã có lời phát biểu chia sẻ hạnh phúc với 5 gương mặt nhận giải thưởng vinh quang: "Tôi rất vui có mặt tại đây hôm nay để đánh dấu những thành công của những người phụ nữ, đã góp công lớn cho sự gắn kết giữa phụ nữ và thể thao bằng chính tình yêu, lòng nhiệt huyết của mình". Ông cũng chỉ ra một dấu ấn đáng ghi nhận trong lịch sử thể thao quốc tế khi có tới 42% nữ VĐV có mặt tại Olympic Bắc Kinh.
Bà Anita DeFrantz, Chủ tịch Uỷ ban Phụ nữ và Thể thao IOC kiêm thành viên IOC phát biểu rằng: "Ở sân chơi thể thao này, tất cả mọi người đều có thể nhận thấy rõ ràng khoảng cách về số lượng tham dự một sự kiện thể thao giữa nam và nữ ngày càng thu hẹp. Uỷ ban Phụ nữ và Thể thao IOC ghi nhận về những cống hiến về số lượng và chất lượng ngày càng tăng của phụ nữ ở lĩnh vực này đồng thời muốn họ sẽ tiếp tục cống hiến trong tương lai để phụ nữ ngày càng có vai trò và ảnh hưởng to lớn trong lĩnh vực thể thao nói riêng và các lĩnh vực khác của xã hội nói chung trong tương tai.
A.T (theo olympic.org)