Không có hòa bình nếu không đoàn kết

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay là “Chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Xây dựng Hòa bình” đã mang tiếng vang đặc biệt cho Ủy ban Olympic quốc tế và Phong trào Olympic.

Mục tiêu cơ bản mà mỗi kì Thế vận hội Olympic mong muốn hướng tói là đoàn kết toàn thế giới trong hòa bình. Hòa bình là trọng tâm của sứ mệnh này.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Hòa bình năm nay là “Chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc (Ảnh: insidethegames)

Tại Thế vận hội Olympic, các VĐV thể hiện sứ mệnh hòa bình này khi gạt bỏ những khác biệt gây chia rẽ thế giới. Mặc dù cạnh tranh gay gắt với nhau để giành giải thưởng cao nhất trên sàn đấu, nhưng sau đó là chung sống hòa bình với nhau dưới một mái nhà ở Làng Olympic. Điều này làm cho Thế vận hội Olympic trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của hòa bình.

Nhưng hòa bình không chỉ đơn thuần là gạt bỏ những khác biệt. Đó là về việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mọi người đều có thể phát triển, trong đó mọi người được đối xử bình đẳng và là nơi mà phân biệt chủng tộc và mọi hình thức phân biệt đối xử không có chỗ đứng.

Pierre de Coubertin đã hồi sinh Thế vận hội Olympic để đóng góp cho hòa bình thông qua thể thao. Ông từng nói: "Chúng ta sẽ không có hòa bình cho đến khi những định kiến ​​chia rẽ các chủng tộc khác nhau còn tồn tại."

Do đó, không phân biệt đối xử nằm trong nguyên tắc của Ủy ban Olympic quốc tế và Thế vận hội Olympic. Tại Thế vận hội, mọi người đều bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội, giới tính, khuynh hướng tình dục hay niềm tin chính trị. Nguyên tắc không phân biệt đối xử được ghi trong Hiến chương Olympic. Các VĐV đã mang nguyên tắc này vào cuộc sống trong Thế vận hội Olympic, truyền cảm hứng cho hàng tỷ người trên thế giới.

Khi nói đến việc xây dựng hòa bình lâu dài, không phân biệt đối xử thôi là chưa đủ, chỉ tôn trọng nhau thôi là chưa đủ, cần tiến thêm một bước nữa và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta phải đoàn kết sát cánh bên nhau. Không có hòa bình nếu không có sự đoàn kết.

Đoàn kết là trọng tâm của Thế vận hội Olympic. Đây là lý do tại sao Ủy ban Olympic quốc tế phân phối lại 90% tổng doanh thu của mình để hỗ trợ các VĐV và sự phát triển của thể thao trên toàn thế giới.

Được thúc đẩy bởi cam kết đoàn kết, Ủy ban Olympic quốc tế đã tạo ra Đội tuyển Olympic tị nạn đầu tiên cho Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016 và một đội khác cho Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, các VĐV tị nạn đã cùng tham gia thi đấu với các đội đến từ tất cả các Ủy ban Olympic Quốc gia khác, gửi một thông điệp về hy vọng và hòa nhập cho tất cả những người tị nạn trên thế giới.

Vì các VĐV tị nạn không có đội tuyển quốc gia nào thuộc về, không có cờ để diễu hành, không có bài hát để xướng lên, Ủy ban Olympic quốc tế đã chào đón các VĐV tị nạn đến Thế vận hội với lá cờ Olympic và bài hát Olympic, cho họ một ngôi nhà ở Làng Olympic.

Những gì áp dụng cho Ukraine cũng áp dụng cho các thành viên khác trong cộng đồng Olympic. Ủy ban Olympic quốc tế là một tổ chức toàn cầu. Đây là lý do tại sao Ủy ban Olympic quốc tế đang hỗ trợ các cộng đồng Olympic ở Afghanistan, Yemen và rất nhiều nơi khác bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới.

Những nỗ lực đoàn kết này cũng là trọng tâm của cam kết của Ủy ban Olympic quốc tế nhằm xây dựng sự hiểu biết tốt hơn giữa mọi người. Bằng cách này, Ủy ban Olympic quốc tế đã và đang xây dựng những nhịp cầu thông qua thể thao và mở ra cánh cửa cho sự hiểu biết, hòa bình và hòa giải tốt hơn.

Điều này đã đúng trong những năm gần đây ở nhiều tình huống xung đột, như Triều Tiên và Hàn Quốc, Armenia, Azerbaijan, Serbia, Kosovo, Israel, Palestine, Iran và nhiều nước khác.

Vào thời điểm mà nhân loại đang đồng thời đối mặt với quá nhiều cuộc khủng hoảng hiện hữu, sứ mệnh hòa bình và đoàn kết của Ủy ban Olympic quốc tế càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Thế vận hội Olympic không thể ngăn cản chiến tranh và xung đột, không thể giải quyết tất cả các thách thức chính trị và xã hội trong thế giới. Nhưng có thể làm gương cho một thế giới nơi mọi người đều tôn trọng các quy tắc như nhau và lẫn nhau.

Có một trật tự thế giới mới đang hình thành. Trật tự thế giới mới này sẽ gây chia rẽ nhiều hơn so với trật tự mà nhân loại đang phấn đấu. Xu hướng đáng tiếc này hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh Olympic là đoàn kết thế giới trong sự cạnh tranh hòa bình.

Trong những thời điểm đầy chia rẽ và đối đầu này, Ủy ban Olympic quốc tế không đơn độc trong việc tìm kiếm một mối liên kết chung của nhân loại. Hàng triệu người trên thế giới đang khao khát hòa bình. Cùng với tất cả những người thiện chí này, Ủy ban Olympic quốc tế muốn đóng góp khiêm tốn cho hòa bình bằng cách thống nhất toàn thế giới trong cạnh tranh hòa bình.

Để cam kết hơn nữa đối với sứ mệnh hòa bình thống nhất này, gần đây Ủy ban Olympic quốc tế đã sửa đổi phương châm Olympic của mình thành: Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - Cùng nhau.

Từ “cùng nhau” nêu bật thực tế là để vượt qua những thử thách - dù là cá nhân, cộng đồng hay nhân loại - chúng ta cần sát cánh cùng nhau.

Vào Ngày Quốc tế Hòa bình và trong tinh thần đoàn kết và hòa bình của Thế vận hội Olympic, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach nhắc lại lời kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới đã đưa ra tại Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022, trước hàng trăm triệu khán giả toàn cầu: Hãy cho hòa bình một cơ hội.

Giải vô địch đua thuyền người khuyết tật thế giới  thu hút 120 VĐV

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida rất mong được chào đón các VĐV người khuyết tật từ khắp nơi trên thế giới tới tham dự Giải vô địch đua thuyền người khuyết tật thế giới đầu tiên.

Dự kiến ​​được tổ chức từ ngày 20 -23/10 tại Vịnh Hiroshima, giải dự kiến chào đón hơn 120 VĐV từ 11 quốc gia tới tranh tài tại Nhật Bản.

Phát biểu tại một sự kiện quảng bá, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh về cách thức các môn thể thao người khuyết tật có thể giúp tạo ra một xã hội đa dạng, bình đẳng và hòa nhập.

“Đó là một thách thức chung đối với cộng đồng quốc tế trong việc tạo ra một xã hội nơi tất cả mọi người, già trẻ, người khuyết tật, đàn ông và phụ nữ, đều có thể cảm nhận được mục đích sống”, Thủ tướng Fumio Kishida chia sẻ.

Thủ tướng Fumio Kishida tin rằng nhiều người tham gia từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung tại Hiroshima sẽ truyền cảm hứng, khuyến khích mọi người hướng tới cuộc sống tươi sáng và giúp Nhật Bản phát triển một xã hội trong đó sự đa dạng được tôn trọng.

Là một phần của chiến lược đua thuyền buồm thế giới người khuyết tật, Liên đoàn chủ quản đã làm việc với Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức thể thao người khuyết tật với mục đích tăng cường sự tham gia.

Đua thuyền buồm thế giới cũng tổ chức Chương trình phát triển đua thuyền buồm trước thềm Giải vô địch thế giới để kỷ niệm môn thể thao này. Thành lập vào năm 2017, chỉ sáu năm sau, Đua thuyền buồm thế giới đã có số lượng thành viên lên tới 45 quốc gia

David Graham, Giám đốc điều hành của đua thuyền buồm thế giới cho biết: đây là cơ hội lớn để thể hiện thực tế rằng khi chèo thuyền, đòi hỏi rất nhiều khả năng thể chất và giác quan. Điều thú vị ở Nhật Bản là diễn ra ngay sau thành công của Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, sự kiện này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ VĐV đua thuyền buồm người khuyết tật hoàn toàn mới ở Nhật Bản và hơn thế nữa.

A.T biên dịch