Luyện tập TDTT góp phần hình thành nhân cách ở trẻ

Đã từ lâu TDTT được biết đến không chỉ để nâng cao thể chất mà còn giúp con người phát triển cả về mặt trí tuệ. Trước hết, tập luyện TDTT được xem là nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày của con người. Trong quá trình rèn luyện đó, người tập có thể thấy những tác động tích cực của nó đối với sức khoẻ, giúp giảm lượng đường và cholesterol trong máu, đồng thời sẽ dễ dàng điều tiết những căng thẳng gặp phải trong cuộc sống.

Ảnh minh hoạ (parenthood.com)

Mỗi môn thể thao khác nhau sẽ có những tác động khác nhau lên cơ thể người tập. Đặc biệt, thực hiện tập luyện TDTT từ khi còn nhỏ sẽ giúp củng cố về cơ, xương phục vụ cho sự phát triển hoàn thiện của cơ thể.

Tập luyện TDTT còn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng về tự nhiên của trẻ, giúp phát hiện những tố chất của người làm lãnh đạo cũng như tinh thần làm việc theo nhóm ở trẻ. Trong quá trình thi đấu các môn thể thao có thắng và thua, điều này đem lại cho những người tham gia cảm nhận về thành công và thất bại. Trong quá trình tập luyện và thi đấu, thể thao giúp cho trẻ có được tinh thần đoàn kết, trân trọng đồng đội.

Tại các trường học, thi đấu thể thao giúp hình thành ở trẻ tính cạnh tranh lành mạnh cũng như giúp trẻ hoà nhập. Các giáo viên giáo dục thể chất tại trường học cũng luôn phải chú trọng tới việc dạy trẻ làm quen với cảm giác thua cuộc cũng như niềm hân hoan với chiến thắng. Điều quan trọng nhất khi dạy trẻ rèn luyện thể chất tại các trường học đó là tinh thần thể thao. Kết quả của mỗi trận đấu không quan trọng bằng việc giúp trẻ tiếp nhận kết quả đó với tâm lý thoải mái. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của trẻ trong quá trình phát triển.

Khi tham gia các hoạt động TDTT, trẻ được rèn luyện thói quen suy nghĩ thận trọng, để chọn ra phương án tốt nhất có thể ghi điểm, chiến lược tốt nhất để giành chiến thắng.

Không những vậy, tập luyện TDTT cũng rất có ích cho việc phát triển kỹ năng xã hội ở trẻ, giúp trẻ dễ dàng trong giao tiếp. TDTT có tác động tích cực tới những kỹ năng xây dựng kế hoạch và sắp xếp suy nghĩ của trẻ, đồng thời đem đến cho trẻ sự tự tin cũng như cảm giác hoàn thành nhiệm vụ. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ tham gia tập luyện TDTT thường tỏ ra hết sức thân thiện với bạn bè và dễ thích nghi với các hoạt động tại trường học.

Nếu hiểu về TDTT cũng như tập luyện đúng cách, thể thao sẽ góp phần không nhỏ hình thành nên nhân cách của mỗi người yêu thích nó. Theo đó, TDTT có vai trò rất lớn trong việc xây dựng nên một xã hội lành mạnh.

A.T (theo buzzle.com)

 

Ảnh trong bài
  • Luyện tập TDTT góp phần hình thành nhân cách ở trẻ