Olympic Athens 2004: Tam hùng tranh ngôi

Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội Olympic Athens 2004 sẽ khai mạc. Với sự có mặt của khoảng 10.500 vận động viên từ 201 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hàng trăm nghìn khán giả đến sân và khoảng bốn tỷ người xem truyền hình trên toàn cầu, Olympic 2004 sẽ là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất, hứa hẹn những cuộc đua hấp dẫn nhất.

 

 

Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội Olympic Athens 2004 sẽ khai mạc. Với sự có mặt của  khoảng 10.500 vận động viên từ 201 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hàng trăm nghìn khán giả đến sân và khoảng bốn tỷ người xem truyền hình trên toàn cầu, Olympic 2004 sẽ là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất, hứa hẹn những cuộc đua hấp dẫn nhất.

Suốt một thời gian dài, Mỹ và Liên Xô (cũ) là hai cường quốc thể thao chiếm hai ngôi đầu cách biệt so với các quốc gia khác. Nhưng ngày nay, với sự vươn lên mạnh mẽ của thể thao Trung Quốc, “đấu trường” Olympic Athens đã có ba nước tranh tài.

Cường quốc đầu tiên phải kể đến là Nga. Sau nhiều kỳ đại hội, Nga luôn đứng sau Mỹ. Nhưng kể từ năm ngoái, phong độ của các vận động viên Nga đang rất ổn định trong khi nhiều vận động viên chạy tốc độ Mỹ - vốn giành nhiều huy chương vàng (HCV) – đang dính đến những rắc rối do sử dụng doping.

Trung Quốc, một cường quốc thể thao mới, giành vị trí thứ ba tại Olympic Sydney 2000, đang quyết tâm nâng cao vị trí của mình tại Athens.

Điểm lại những kỳ Olympic gần đây, Nga giành 26 HCV tại Olympic Atlanta 1996 và 32 HCV tại Sydney 2000. Cả hai kỳ đại hội nói trên, Nga đứng thứ hai sau Mỹ, nhưng năm 2004, Nga tham dự với đội ngũ vận động viên hùng mạnh và hy vọng giành thành tích cao hơn. Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Leonid Tyagachev đặt mục tiêu giành 30 HCV tại Athens. Mục tiêu này khiêm tốn hơn so với mức mà đoàn vận động viên Liên Xô trước đây đạt được vào những năm 1960 đến 1980 khi họ giành khoảng 40 đến 50 HCV ở mỗi kỳ đại hội.

Từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, trong đó có Ukraine - nước có tới 50 triệu dân và cung cấp nhiều vận động viên hàng đầu cho thể thao Xô-viết, thì thành tích của thể thao Nga cũng bị ảnh hưởng. Một đoàn thể thao hợp nhất của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ dự Olympic Barcelona năm 1992 đã đoạt tới 45 HCV. Tuy nhiên, sau đó do khủng hoảng kinh tế, tiền lương thấp, nhiều huấn luyện viên và vận động viên Nga bỏ ra nước ngoài kiếm sống. Nhưng kể từ Olympic Sydney 2000, sức sống của thể thao Nga đã trỗi dậy, đặc biệt là môn điền kinh. Tại giải điền kinh thế giới năm 2003 tổ chức ở Paris, Nga chỉ kém Mỹ một HCV.

Các con số thống kê cho thấy, trong ba năm qua, Nga đã vượt Mỹ về “điểm số” ở tất cả các cuộc thi Olympic. Năm 2003, Nga “trỗi dậy” mạnh mẽ ở môn điền kinh và bơi lội và đó chính là thách thức lớn nhất đối với Mỹ tại Athens lần này. Ngoài ra, Nga vốn mạnh ở một số môn truyền thống của mình như vật, quyền Anh, đấu kiếm, xe đạp, lặn, thể dục, bơi nghệ thuật và bắn súng. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nga “càn quét” HCV ở những môn này tại Athens. Môn thể dục, Trung Quốc cũng là một cường quốc.

Có thể nói, mục tiêu đoạt 30 HCV Athens của Nga là quá “khiêm tốn”. Đó cũng là một mẹo “giấu” tham vọng thường thấy của các cường quốc trước mỗi kỳ Olympic.

Trước sự “đe dọa” từ đoàn vận động viên Nga, Mỹ đặt hy vọng vào vào các tay bơi của mình để kiếm càng nhiều HCV càng tốt. “Kình ngư” trẻ Michael Phelps đang được trông đợi lập thành tích ngang bằng hoặc vượt ngôi sao Mark Spitz lập kỷ lục đoạt bảy HCV tại Olympic 1972, sẽ dẫn đầu đội bơi hùng mạnh của Mỹ. Năm nay mới 19 tuổi, Phelps sẽ tham gia các nội dung bơi nam : 200 m tự do, cả hai nội dung bơi bướm và bơi hỗn hợp, ba nội dung bơi tiếp sức. Trong đội bơi nam của Mỹ còn có các “kình ngư” khác như Ian Crocker (100 m bướm), Brendan Hansen (100m và 200m ếch), Lenny Krayzlburg (100 m ngửa), Aaron Peirsol (200 m ngửa) . Các tay bơi nữ có : Amanda Beard (200 m ếch) và Natalie Coughlin (100 m ngửa).

Điền kinh vốn là môn sở trường của Mỹ đã bị yếu đi nhiều tại đấu trường Athens do bốn “chân” chạy tốc độ bị cấm thi đấu do sử dụng doping. Trong số này có, Tim Montgomery - giữ kỷ lục thế giới cự ly chạy 100 m nam - có thể bị cấm thi đấu suốt đời ; Marion Jones - người đoạt ba HCV tại Sydney đang bị cơ quan chống doping Mỹ điều tra. Tại Sydney 2000, hai môn bơi và điền kinh mang lại cho đoàn Mỹ 25 HCV, nhưng tại Athens  đoàn Mỹ khó có thể bảo vệ được thành tích này của mình.

Đoàn Trung Quốc với thành tích “lịch sử” lần đầu tiên đứng thứ ba tại Sydney với 28 HCV sẽ phấn đấu lặp lại hoặc vượt thành tích đó tại Athens.

Cũng từ sau Olympic Sydney, Trung Quốc đã có kế hoạch dài hạn nâng cao thành tích ở hai môn có nhiều huy chương nhất là bơi lội và điền kinh . Tuy nhiên, đó là về lâu dài, còn ở Athens lần này thì chưa. Các vận động viên bơi nữ Trung Quốc do Luo Xuejuan dẫn đầu đã thể hiện sức mạnh ở nội dung bơi bướm, hỗn hợp đơn và hỗn hợp tiếp sức tại Barcelona năm ngoái, nhưng không có phong độ tốt nhất năm nay.

“Ngôi sao” đang lên ở nội dung chạy 110 vượt rào nam Liu Xiang (HCĐ giải vô địch thế giới Paris 2003) là niềm hy vọng của điền kinh Trung Quốc tại Athens.

Nếu như Mỹ và Nga có “món sở trường” của mình, thì Trung Quốc cũng có “món gia truyền” ít ai bì kịp, đó là bóng bàn, cầu lông, bắn súng, thể dục, lặn, cử tạ và judo nữ. Những môn này có thể bảo đảm cho đoàn Trung Quốc giữ chắc vị trí thứ ba. Ngoài ra, tại Atlanta 1996 và Sydney 2000, các vận động viên đua thuyền Trung Quốc đã giành bốn HCV và tại Sydney, cầu lông Trung Quốc cũng đoạt bốn HCV. Tại Athens, đoàn Trung Quốc hoàn toàn có khả năng lập thành tích cao hơn ở hai môn nói trên.

Với phong độ xuất sắc của Xiong Ni, các “thợ lặn” Trung Quốc đã mang lại cho đoàn mình năm HCV tại Sydney và không ai có thể biết, với hai tài năng mới là Tian Liang và Guo Jingjing, Trung Quốc sẽ lập lại thành tích cũ hay còn vượt cao hơn tại Athens. Các nữ lực sĩ Trung Quốc còn “thề” rằng, họ sẽ “vét” đủ bốn HCV tại Athens, giống như họ đã làm ở Sydney bốn năm trước.

Lợi thế của Trung Quốc còn ở môn thể dục. Với năm HCV đoạt được tại giải vô địch thế giới năm ngoái, Trung Quốc hoàn toàn có thể làm được như vậy tại Athens và tranh chấp số HCV với đoàn Nga.

Với lợi thế ở một số môn và với quyết tâm cao, đoàn thể thao Trung Quốc đặt mục tiêu giành hơn 25 HCV lần này.

Đó là mục tiêu mà các chuyên gia cho rằng, đoàn Trung Quốc khá “khiêm nhường” . Hơn hai hết, chính hai “đại gia” Mỹ và Nga đều không thể xem thường “nhân tố” mới Trung Quốc. Thế giới những người hâm mộ thể thao đang chờ đợi cuộc đua “tam mã” quyết liệt này !

 
Theo Tân Hoa Xã

Ảnh trong bài
  • Olympic Athens 2004: Tam hùng tranh ngôi