Nhóm đánh giá dự án của Liên đoàn thể thao người khuyết tật Đông Nam Á do Tổng thư ký, Tiến sĩ Wandee Tosuwan làm trưởng đoàn cùng với 14 thành viên là giám đốc kỹ thuật đại diện cho các quốc gia Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc. Đoàn sẽ đến thăm các địa điểm thi đấu ở bốn quận chính là Solo, Karanganyar, Sukoharjo và Semarang ở Trung Java, Indonesia.
Kiểm tra các địa điểm tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á ở Indonesia (Ảnh: insidethegames)
Tiến sĩ Wandee Tosuwan cho biết, ngoài đánh giá địa điểm, nhóm công tác còn đánh giá dự án, tổ chức các cuộc họp với Ban tổ chức địa phương và Ủy ban Paralympic quốc gia của Indonesia để đưa ra các quyết định quan trọng trong một số khía cạnh của công tác tổ chức. Trong số các quyết định được đưa ra có những nội dung liên quan tới công tác phòng, chống doping và phân loại thương tật.
Các quan chức cũng dự kiến sẽ thảo luận về hậu cần, vận chuyển, đón, tiễn, công nghệ thông tin, truyền thông, phát sóng, chống doping và phân loại cũng như quảng bá cho sự kiện.
Hội thảo dành cho các Trưởng đoàng cũng sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Khoảng 134 quan chức kỹ thuật quốc tế dự kiến sẽ điều hành Đại hội ở tất cả 14 môn thể thao. Trong đó có 110 quan chức đến từ khu vực Đông Nam Á và 24 quan chức đến từ khu vực Châu Á và Châu Đại Dương.
Đại hội sẽ có sự tham gia của hơn 1.600 VĐV từ tất cả 11 quốc gia Đông Nam Á bao gồm cả Timor Leste, dự kiến khai mạc vào ngày 30/7. Đây là kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Ắ được tổ chức từ sau lần gần đây nhất vào năm 2017 tại Kuala Lumpur.
Ủy ban Olympic Brazil ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với đô thị Saint-Ouen
Ủy ban Olympic Brazil đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với thành phố Saint-Ouen. Hoạt động này được triển khai sau cuộc họp giữa Ủy ban Olympic Brazil và Ban tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 nhằm thảo luận về kế hoạch cho Thế vận hội Olympic tiếp theo.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil Paulo Wanderley cùng với giám đốc hiệu suất cao Ney Wilson đã tham gia Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác. Về phía Ủy ban Olympic Pháp có Chủ tịch Brigitte Henriques, tổng thư ký Didier Seminet và giám đốc Olympic và thể thao thành tích cao André Pierre Goubert.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Brazil Paulo Wanderley cho biết, Chủ tịch Brigitte Henriques đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình khi cùng với các giám đốc của Ủy ban Olympic Pháp trình bày chi tiết cơ cấu tổ chức và các dự án mà tổ chức này phát triển.
Hai Bên đánh giá rằng lễ ký kết Biên bản đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các Ủy ban.
Giám đốc hiệu suất cao Ney Wilson khẳng định mối quan hệ thể thao tuyệt vời giữa hai quốc gia. Những tên tuổi lớn lĩnh vực thể thao hai nước vẫn được tôn kính như Guga (Kuerten), VĐV ba lần vô địch Roland Garro. Ngoài ra, hai quốc gia có những điểm tương đồng trong thể thao thành tích cao, có truyền thống trong các môn thể thao đồng đội và lịch sử đạt kết quả tốt trong các nội dung cá nhân giống nhau, ví dụ như judo.
Mối quan hệ thể thao giữa hai quốc gia đã cho phép huyền thoại judo người Pháp Teddy Riner tập luyện ở Rio de Janeiro trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và tổ chức một trại tập huấn kéo dài 10 ngày, tập luyện với những võ sĩ hạng nặng người Brazil.
Ngoài ra, các đội judo của nữ từ cả hai quốc gia đã tập huấn tại Pindamonhangaba và các VĐV bóng bàn người Pháp Simon Gauzy, Can Akkuzu và Alexis Lebruin đã tham gia giải đấu giao hữu ở Rio và được tập luyện với các đồng nghiệp Brazil Hugo Calderano, Vitor Ishiy và Eric Jouti.
Taekwondo được dự kiến đưa vào chương trình thi đấu của Liên hoan Olympic trẻ châu Âu
Các cuộc thảo luận liên quan tới ý tưởng đưa taekwondo vào chương trình thi đấu của Liên hoan Olympic trẻ châu Âu đã được tổ chức. Slavi Binev, phó chủ tịch Liên minh Taekwondo châu Âu đã đại diện cho tổ chức này tham gia thảo luận tại phiên họp Đại hội đồng Ủy ban Olympic châu Âu.
Phó chủ tịch Slavi Binev trước đó cũng đã tổ chức cuộc họp với các quan chức cấp cao của Ủy ban Olympic châu Âu tại Skopje ở Bắc Macedonia. Phó chủ tịch Slavi Binev cũng đã gặp Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thoms Bach và Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Âu Spyros Capralos trong chuyến đi.
Liên minh Taekwondo châu Âu cho biết đây là sự kiện thể thao đa môn duy nhất được tạo ra trực tiếp cho các VĐV trẻ xuất sắc nhất ở châu Âu. Liên minh Taekwondo châu Âu khẳng định taekwondo nên được đưa vào chương trình thi đấu của Liên hoan Olympic trẻ châu Âu.
Phiên bản tiếp theo của Liên hoan Olympic trẻ mùa hè châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 7 tại Banská Bystrica ở Slovakia. Maribor ở Slovenia dự kiến tổ chức sự kiện năm 2023, trước phiên bản năm 2025 tại Brno, Cộng hòa Séc.
44 VĐV đầu tiên được trao học bổng của Ủy ban Olympic quốc tế dành cho cho người tị nạn
Ủy ban Olympic Quốc tế đã công bố danh sách 44 VĐV đầu tiên đã được trao học bổng Olympic dành cho các VĐV tị nạn để giúp họ tập luyện hướng tới mục tiêu được chọn vào Đội tuyển Olympic tị nạn Thế vận hội Olympic mùa hè 2024 tại Paris.
VĐV Taekwondo người Syria Wael Fawaz Al-Farraj là một trong 44 VĐV đến từ 12 quốc gia khắp năm châu lục trên thế giới. Wael Fawaz Al-Farraj được đào tạo tại Học viện Tổ chức Nhân đạo Taekwondo và là người tị nạn Syria đầu tiên thi đấu tại một sự kiện ở nước ngoài sau khi tham dự tại Cúp Ả Rập ở Fujairah, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Chàng trai 19 tuổi này là VĐV đầu tiên giành được đai đen từ Học viện Tổ chức Nhân đạo Taekwondo tại Azraq và đã tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 với tư cách là một thành viên của đoàn thể thao người tị nạn.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach chào mừng các VĐV đến với cộng đồng Olympic. Chủ tịch Thomas Bach cũng khẳng định các VĐV đã phải trải qua giai đoạn khó khăn để đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic. Đó là những nỗ lực đáng ngưỡng mộ.
Chương trình Học bổng Olympic dành cho các VĐV tị nạn được triển khai sau khi Đội tuyển Olympic tị nạn đầu tiên xuất hiện tại Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016. Học bổng được tài trợ hoàn toàn bởi Ủy ban Olympic quốc tế thông qua chương trình Đoàn kết Olympic dành riêng cho các VĐV tị nạn nhằm cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết vể đào tạo và thi đấu trong các giải đấu đủ tiêu chuẩn trên chặng đường hướng tới Thế vận hội Olympic.
Các VĐV đến từ Afghanistan, Cameroon, Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Ethiopia, Iraq, Iran, Nam Sudan, Sudan, Syria và Venezuela tham gia tập luyện và thi đấu ở các môn điền kinh, cầu lông, quyền anh, đua thuyền, xe đạp, judo, karate, bắn súng, bơi, taekwondo, cử tạ và vật.
Ba trong số các VĐV cầu lông Aram Mahmoud, cử tạ Cyrille Tchatchet và marathon Tesfay Felfele đang hưởng lợi từ học bổng chuyển tiếp vì họ đã hoặc đang trong quá trình trở thành công dân của nước sở tại.
Chương trình Học bổng Olympic dành cho các VĐV tị nạn được triển khai sau khi Đội tuyển Olympic tị nạn đầu tiên tham dự Rio de Janeiro 2016. Kể từ đó, chương trình đã được mở rộng để cung cấp cho các Ủy ban Olympic quốc gia cơ hội xác định các VĐV tị nạn sống ở quốc gia của họ và hỗ trợ họ trong quá trình chuẩn bị.
Tính đến nay đã có hơn 50 VĐV được nhận học bổn, được giúp đỡ trong giai đoạn chuẩn bị cho Tokyo 2020. 29 VĐV cuối cùng được chọn vào Đội tuyển Olympic tị nạn tham dự thi đấu tại Nhật Bản.
A.T biên dịch