Quả đúng với tính chất của một cuộc giao lưu! Paralympic là một sân chơi quá cỡ so với các VĐV khuyết tật Việt Nam, do đó mục tiêu mà chúng ta đặt ra chỉ là "hòa nhập cùng bạn bè thế giới". Trong chuyến du đấu tại Hy Lạp, hành trang mà các chị mang theo toàn những lời dặn dò, động viên ân cần, thân mật, những cử chỉ săn sóc, ngọt ngào…
Không thể tìm thấy bất cứ một nét âu lo, căng thẳng nào trong căn phòng số 144 - khách sạn Công đoàn Quảng Bá, nơi ở tập trung của 4 VĐV khuyết tật Việt Nam. Chỉ có những câu chuyện nở như ngô rang, những vòng tay ấm áp của bạn bè, người thân, của cả những người từng là đối thủ tại các giải trong nước…
- Chị Loan, trước lúc đi thế này chị có hồi hộp không?
- Ủa, có chứ, hồi hộp chứ, vì chưa khi nào được biết Hy Lạp mà…
Châu Hoàng Tuyết Loan, VĐV cử tạ hạng 48kg nữ, vừa lăn chiếc xe từ ngoài cửa vào vừa trả lời người bạn gái. Chị đã có dịp sang Hàn Quốc dự ASIAN Paralympic Busan 2002, và bây giờ là đất nước Nam Âu Hy Lạp. Kỷ niệm mà chị Loan nhớ nhất ở Busan, đó là suýt nữa giành được tấm huy chương đồng. "Hồi đó mình mới tham gia hạng 44kg thôi, thành tích thì được xếp thứ ba, nhưng trọng tài bắt lỗi phạm quy, về nước cứ tiếc dấm dứt mãi" …
Có lẽ chính nhờ kỷ niệm ấy mà Loan trở thành niềm hy vọng nho nhỏ trong chuyến đi sắp tới. Ông Trần Duy Hiệp, HLV môn cử tạ: "So với thành tích 75kg đạt HCB ASEAN Paragames 2 thì hiện nay, Loan đã có tiến bộ đáng kể. Tuy chưa ăn thua gì nếu đứng cạnh VĐV của đoàn Thái Lan thôi, đừng nói Nam Phi, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ…, nhưng biết đâu, một ngày đẹp trời…".
Nụ cười hóm hỉnh của ông HLV khiến cho Nguyễn Thị Hồng đang ôm chăn ngồi một góc giường xem tivi cũng phải góp chuyện:
Thật đó, biết đâu hôm đó chị Loan khỏe như lực sỹ, chú hè!
Hồng quê Quảng Trị, là một trong hàng ngàn nạn nhân của chất độc da cam trong chiến tranh chống Mỹ. Bị bại liệt đôi chân từ lúc lọt lòng, nhưng không nản chí, cô mày mò học nghề may và bây giờ đã gây dựng được một tiệm may nhỏ ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Cô thợ may có đôi bàn tay không chỉ khéo léo mà còn đầy sức mạnh. Nhờ nó, Hồng được đi dự giải Tiền Para Games 2 và đoạt luôn HCV Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á môn cử tạ.
Ít tuổi nhất trong đoàn là Nguyễn Thị Hảo, VĐV bơi 50m ếch dành cho người khiếm thị. Hảo sinh ra tại Hải Dương, năm 13 tuổi em phải xa nhà, vào sống dưới "Mái ấm Thiên Ân" ở TPHCM. Bây giờ đã 16 tuổi nhưng Hảo mới chỉ về thăm nhà được có 2 lần, toàn vào những dịp đi thi đấu. Thường thì hai mẹ con chỉ biết tin tức nhau qua thư. Học lớp 6, Hảo đã có thể viết thư bằng máy tính. Lần này Hảo ra Hà Nội, chị Thuần lại tranh thủ lên chăm sóc con ít bữa. Hai mẹ con cứ ôm nhau thủ thỉ. Chị Loan hỏi Hảo có muốn đưa mẹ sang Hy Lạp chơi không, cô bé cười, đùa mẹ bằng cái giọng lơ lớ Nam lai Bắc: "Mẹ về bán nhà đi, sang chơi với con nhỉ"? Mẹ Hảo không nói gì, ngồi im vuốt tóc con. Chiều nay con đi, chị cũng lại trở về với thửa ruộng ở nhà…
Chúng tôi không gặp được Nhữ Thị Khoa - VĐV điền kinh đã xuất sắc giành 5HCV ASEAN Paragames 2. Chị tranh thủ tạt về qua nhà ở ven sông Kim Ngưu (Hà Nội). Có lẽ là để bàn giao lại cửa hàng bánh mỳ "di động" của mình trong khoảng thời gian đi vắng.
Cuộc mưu sinh của những người khuyết tật như chị Khoa, chị Loan, như Hồng, như Hảo lúc nào cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, vất vả. Ngay cả trong tập luyện thể thao, điều kiện dành cho họ cũng còn thiếu thốn đủ đường. Nhưng trước mỗi cơ hội được cọ xát, được thi đấu, họ đều dẹp bỏ tất cả nhọc nhằn của riêng mình. Lần đi Athens này cũng vậy. "Sẽ cố, cố nhiều hơn ở nhà. Nếu không giành được huy chương thì cũng phải có cái gì mang về làm quà chứ…" - vẫn là tiếng chị Loan.
Hy vọng là như vậy.
Theo ViệtNamNet