Thiên đường mong manh

Kể từ hôm nay, 32 gương mặt ưu tú nhất của bóng đá châu Âu, cấp CLB, sẽ bước vào một cuộc đua đường trường kéo dài tới 254 ngày để hướng tới SVĐ Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25.5.2005. Vinh quang không nửa vời, không san sẻ. Vì vậy, cuộc chiến đi tìm vinh quang hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt.

Hẳn nhiên, Champions League ngày nay không phải là sân chơi cho những kẻ nghiệp dư. Cứ nhìn vào cuộc chạy đua vũ trang ở các đội bóng chuẩn bị cho các trận đấu của Champions League sẽ thấy rất rõ điều đó. Các “đại gia” thi nhau rút hầu bao chi trả cho việc mua sắm cầu thủ.

 

Chelsea khiến cả làng bóng đá thế giới phải lè lưỡi khi chi tới 140,9 triệu euro. Monaco, á quân mùa trước, dù đang ngập trong cảnh nợ nần cũng vẫn nghiến răng chi 20,3 triệu euro để tăng cường hàng công sau sự ra đi của Morientes.

 

Sau một vụ shopping tốn kém như vậy, đổi lại, các đội bóng sẽ được gì từ bữa tiệc Champions League?

 

Chỉ cần tham dự mỗi trận ở các vòng bảng, các CLB sẽ nhận được khoản tiền thưởng 325.000 euro, nếu chiến thắng được thêm 325.000 euro/trận, hòa 162.000 euro/trận. Vượt qua vòng đấu bảng, mỗi CLB được thưởng 1,6 triệu euro. Tham dự vòng hai được 1,6 triệu, có mặt tại tứ kết được 1,95 triệu, bán kết được 2,6 triệu. Đội bóng vô địch nhận được khoản tiền 6,5 triệu, á quân 3,9 triệu. Cứ như vậy, nếu một CLB đi đến tận cùng cuộc chơi, họ sẽ nhận được tổng cộng 16.525.000 euro tiền thưởng. Cộng thêm tiền bản quyền truyền hình cho các trận đấu, đội bóng vô địch có thể thu về khoảng gần 40 triệu euro, khoản tiền chẳng thấm vào đâu so với nhưng gì Chelsea đã bỏ ra để “tân trang” lại đội hình. Chẳng thế mà có khối kẻ chơi trội, mang tham vọng đua tranh tại Champions League đã phải lâm vào cảnh khốn cùng.

 

Cơn lốc khủng hoảng tài chính trong bóng đá châu Âu bắt đầu từ mùa bóng hè năm 2002, đã khiến nhiều CLB suy sụp. Không tiền, những chiến thắng ngày một thưa thớt. Thay cho niềm vui, nụ cười rạng rỡ là những âu lo. Những cầu thủ xuất sắc nhất lần lượt ra đi.

 

Những điển hình có thể kể tới là sự suy sụp của Parma, hay chính xác hơn là ông chủ CLB, mắc nợ tới 10 tỉ đô. Fiorentina bị phá sản và rớt xuống tận Serie C2. Leeds phải bán đi những cầu thủ xuất sắc nhất của mình. Deportivo La Coruna, niềm kiêu hãnh của xứ Galicia, cũng nợ khoảng 178 triệu bảng sau thời gian có tham vọng “thay hình đổi dạng”… Giờ đây, hầu như tháng nào cũng có vài thành phố trung bình ở châu Âu bị xóa sổ trên bản đồ bóng đá Cựu lục địa. Cuộc đua đường trường cùng những ông lớn đã khiến họ kiệt sức.

 

Thế nhưng vì sao ánh hào quang của Champions League vẫn lôi kéo nhiều con thiêu thân đến vậy? Ngày nay, tầm cỡ và vị thế của một thành phố ở châu Âu không được đánh giá qua các nhà thờ mà từ những CLB bóng đá. Chiếc Cup Champions League không chỉ đánh bóng tên tuổi các thành viên CLB mà hơn thế nữa, sẽ làm nổi bật vị thế của thành phố quê hương CLB đó. Các nhà đầu tư, các công ty sẽ nối đuôi nhau tìm đến, một chân trời mới sẽ mở ra từ đó…

 

Thế nhưng, vinh quang không bao giờ dành cho số đông. Bởi thế, Champions League luôn là một thiên đường mong manh…

 

 

10 ứng cử viên hàng đầu cho chức VĐ Champions League 04-05 (theo đánh giá của William Hill)

 

5-1 Arsenal (Anh)

6-1 Real madrid (TBN)

7-1 Chelsea (Anh)

8-1 AC Milan (Italy), MU (Anh)

9-1 Barcelona (TBN)

12-1 Juventus (Ý)

14-1 Valencia (TBN)

20-1 Inter Milan (Ý), Roma (Ý)

22-1 Bayern Munich (Đức)

 

Theo Báo bóng đá

 


Ảnh trong bài
  • Thiên đường mong manh