Dự án mới ra mắt đã thu hút tổng cộng 334 huấn luyện viên và trọng tài từ 12 Ủy ban Olympic quốc gia khu vực Tây Á. Các học viên sẽ tham gia vào dự án đặc biệt được chia thành ba giai đoạn khác nhau và được tổ chức theo hình thức kết hợp: hội thảo và phòng khám trực tuyến tại Kuwait cũng như tham gia trực tuyến.
Tổng giám đốc Hội đồng Olympic châu Á, ông Husain Al Musallam, cho biết đây là lần đầu tiên Hội đồng Olympic châu Á tổ chức một dự án tập trung vào sự phát triển của các huấn luyện viên và trọng tài, những người đóng vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của thể thao.
Tổng giám đốc Husain Al Musallam cũng bày tỏ vui mừng rằng Hội đồng Olympic châu Á đã nhận được phản hồi rất tích cực và đáng khích lệ từ Ủy ban Olympic quốc gia Tây Á cũng như gửi lời chúc tất cả các huấn luyện viên và trọng tài tham gia các cuộc thảo luận hiệu quả.
12 Ủy ban Olympic quốc gia tham gia dự án gồm: Bahrain, Iraq, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Palestine, Qatar, Saudi Arabia, Syria, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Yemen. 09 môn thể thao được đưa vào chương trình của dự án gồm: điền kinh, bóng rổ, bóng đá, thể dục dụng cụ, bóng ném, judo, bơi, bóng bàn và bóng chuyền.
Các môn bơi, bóng ném và bóng chuyền sẽ khởi động từ ngày 21 đến 25/3. Tiếp theo sẽ là bóng đá, judo và thể dục dụng cụ từ ngày 27 -31/3 và kết thúc là điền kinh, bóng rổ và bóng bàn từ ngày 7 -12/5.
Các khóa học bồi dưỡng và phòng khám nâng cao sẽ được tổ chức cho các huấn luyện viên trong khi các hội thảo khác nhau sẽ được tổ chức cho các trọng tài.
Tony Tarraf, Trưởng phòng Phát triển VĐV và các Dự án Đặc biệt, Hội đồng Olympic Châu Á, sẽ chịu trách nhiệm vận hành dự án mang tính đột phá này.
Ủy ban Olympic quốc tế đánh giá cao báo cáo mới của Liên minh châu Âu
Một báo cáo mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực bình đẳng giới trong thể thao đã được Nhóm cấp cao của Liên minh châu Âu về Bình đẳng giới trong thể thao công bố. Với tiêu đề “Hướng tới bình đẳng giới hơn trong thể thao”, báo cáo tổng hợp các khuyến nghị và đề xuất kế hoạch hành động cho Ủy ban Liên minh Châu Âu và các chính phủ Liên minh Châu Âu, cùng với các tổ chức thể thao và các nhóm xã hội dân sự liên quan đến thể thao.
Báo cáo xác định và đề xuất các khuyến nghị xoay quanh sáu lĩnh vực tham gia theo chủ đề chính phù hợp nhất đối với các cơ quan công quyền và các Liên đoàn thể thao Quốc tế gồm: tham gia; huấn luyện và lãnh đạo; các khía cạnh xã hội và kinh tế của thể thao; phương tiện truyền thông đưa tin và bạo lực trên cơ sở giới.
Cung cấp một loạt các phương pháp hay nhất trong những lĩnh vực này, danh mục mở rộng các dự án minh họa có thể đóng vai trò như một hộp công cụ đa diện cho các nhà hoạch định chính sách và tổ chức thể thao nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong và ngoài sân thi đấu.
Ủy ban Olympic quốc tế vui mừng nhận thấy rằng nhiều ví dụ trong số này là các sáng kiến được thực hiện bởi các thành viên của Phong trào Olympic, tổ chức đi đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong và thông qua thể thao. Mọi bên liên quan đến Phong trào Olympic đều được mời sử dụng báo cáo này như một bộ công cụ thiết thực để đạt được bình đẳng giới nhiều hơn.
Các thành viên của Nhóm Cấp cao đã chính thức trình bày những phát hiện của họ với Mariya Gabriel, Ủy viên Châu Âu về Đổi mới, Nghiên cứu, Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên. Ủy viên Mariya Gabriel đã thành lập Nhóm Cấp cao về Bình đẳng giới vào tháng 12/ 2020 và chỉ định 15 thành viên, là các chuyên gia từ nhiều Quốc gia Thành viên Liên minh châu Âu và các tầng lớp xã hội khác nhau, bao gồm các cựu VĐV, chính trị gia, thành viên Liên đoàn thể thao quốc tế và các học giả danh tiếng. Công việc của các chuyên gia là triển khai các hành động cụ thể ở cấp địa phương, quốc gia và châu Âu.
Thành viên Ủy ban Olympic quốc tế Marisol Casado, người cũng chủ trì Dự án Đánh giá Bình đẳng giới của Ủy ban Olympic quốc tế, là thành viên của Nhóm Cấp cao và là một trong những người đóng góp cho báo cáo, đảm bảo rằng các khuyến nghị trong báo cáo hoàn toàn phù hợp với các Mục tiêu Hòa nhập và Bình đẳng Giới của Ủy ban Olympic quốc tế cho giai đoạn 2021-2024 và Sáng kiến Thể thao Phụ nữ vì Bình đẳng Thế hệ của Liên hợp quốc.
Trong số các lĩnh vực chủ đề mà báo cáo xem xét là lãnh đạo, huấn luyện và miêu tả là những ưu tiên chính của Ủy ban Olympic quốc tế và Phong trào Olympic.
Phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp trong vai trò lãnh đạo thể thao, chỉ chiếm 14% trong tổng số các vị trí ra quyết định hàng đầu trong Liên đoàn thể thao quốc gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu. Để giải quyết vấn đề này, báo cáo đề xuất những cách thức rõ ràng và cụ thể để các tổ chức thể thao phấn đấu vì sự đại diện cân bằng giới trong các vị trí lãnh đạo - bằng cách đặt ra hạn ngạch 50% đại diện cho phụ nữ trong tất cả các cơ quan ra quyết định và giới hạn nhiệm kỳ cố định.
Sanda Čorak, người đã đóng góp vào báo cáo với tư cách là thành viên Nhóm Cấp cao và cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Croatia nhận xét rằng thật tuyệt khi chứng kiến ngày càng nhiều trẻ em gái và phụ nữ tham gia thể thao trên khắp thế giới. Tuy nhiên, phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo rất hiếm và chúng ta phải tham gia nhiều hơn và kiên trì hơn ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế để trao quyền, giáo dục và đảm bảo vị trí bình đẳng cho tất cả mọi người trong thể thao.
Điểm mạnh của báo cáo đặc biệt nằm ở chỗ các khuyến nghị được đề cập đến tất cả các bên liên quan chiến lược của hệ sinh thái thể thao châu Âu, cụ thể là Ủy ban châu Âu, các Quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, Liên đoàn thể thao quốc tế và các tổ chức quản lý thể thao cơ sở. Để đạt được bình đẳng giới trong thể thao đòi hỏi sự hưởng ứng và cam kết mạnh mẽ của tất cả mọi người tham gia để đạt được tiến bộ có ý nghĩa và bền vững.
Ví dụ, việc thu hẹp khoảng cách giới trong việc tham gia thể thao không thể đạt được nếu không có sự vận động của các Quốc gia thành viên, các quốc gia có thể thiết lập cơ chế khuyến khích trẻ em gái và phụ nữ tập luyện thể thao, bao gồm cả việc cung cấp các phương tiện và thiết bị an toàn. Theo cách tương tự, Ủy ban châu Âu có thể đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống bạo lực trên cơ sở giới trong thể thao bằng cách thu thập dữ liệu để đo lường mức độ của vấn đề và hiệu quả của các sáng kiến phòng ngừa trên toàn Liên minh châu Âu.
Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải áp dụng một cách tiếp cận xen kẽ đối với hành động bình đẳng giới để giải quyết nhiều hình thức phân biệt đối xử - dựa trên giới tính, dân tộc, khuynh hướng tình dục, tình trạng kinh tế xã hội… mà phụ nữ trong lĩnh vực thể thao có thể phải đối mặt. Những bất bình đẳng ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT luyện tập thể thao được đặc biệt xem xét, bao gồm liên quan đến định kiến trong việc đưa tin về thể thao - một chủ đề mà Ủy ban Olympic quốc tế cũng đã giải quyết thông qua Nguyên tắc chung của mình, nhằm đưa ra các miêu tả bình đẳng giới và không thiên vị trong mọi hình thức truyền thông
A.T biên dịch