Có lẽ nên nhắc lại một chút về biến cố trên sân Old Trafford hôm 9-10: Cú va chạm mạnh với hậu vệ Xứ Gan Ben Thatcher khiến Beckham đau quặn ở bẹ sườn nhưng anh vẫn đá thêm được vài phút còn kịp tung một cú truy cản ác liệt vào đối thủ. Cố nhiên cú trả thù thô bạo đó phải trả giá bằng một chiếc thẻ vàng và khiến Beckham bị treo giò trong lượt trận vòng loại World Cup trên sân Azerbaijan.
Mặc dù vậy, nó vẫn không tệ hại, không trần trụi bằng những gì tờ Daily Telegraph đăng tải hôm 12-10: “Tôi đã cố ý đấy!”, Beckham nói, “Tôi biết ngay rằng mình bị gãy xương sườn, sẽ phải nghỉ vài tuần. Thế nên tôi nghĩ là hãy nhận một thẻ vàng nữa rồi nghỉ luôn. Chắc chắn người ta cho rằng tôi mất trí. Nhưng tôi không mất trí”…
Tất nhiên Becks không mất trí. Anh tính toán…quá chính xác là đằng khác – nếu hiểu theo “trào lưu” tư tưởng thực dụng trong bóng đá hiện đại. Anh chủ động nhận chiếc thẻ vàng thứ hai để dứt khoát khỏi bận tâm về chuyện có thật sự cần phải thi đấu trong tình trạng chấn thương cho đội tuyển hay không. Anh chọn “điểm rơi” của bản án treo giò là trận đấu với một đối thủ không phải là mạnh. Khi đội tuyển Anh trở lại vòng loại World Cup vào ngày 26-3 sang năm, Becks cũng trở lại, sạch sẽ và “tươi mới” nhờ đã rũ sạch 2 chiếc thẻ vàng và sẵn sàng cho những trận đấu lớn. Hiểu theo một cách nào đó, Becks đã làm đúng những gì anh thấy cần.
Tại Baku, tiền đạo Michael Owen lên tiếng ủng hộ Beckham: “Trong bóng đá ngày nay, nếu không linh hoạt một chút trong vấn đề luật lệ, bạn sẽ bị tụt hậu”.
Vấn đề là cái cách “tẩy sạch hồ sơ” như Beckham đã làm chỉ phổ biến ở cấp CLB và những cầu thủ chủ tâm nhận thẻ như vậy thường ngậm chặt miệng. Đội tuyển và CLB, đó là hai hình ảnh khác nhau, hai ý nghĩa khác nhau, hai phẩm cách khác nhau. Thừa nhận là đã cố tình nhận thẻ vàng, níu áo, đóng kịch…trong các trận CLB thì dẫu chẳng hay ho gì nhưng vẫn còn châm chước được vì đó mới chỉ là đội bóng của một vùng, một địa hạt hoặc một tập đoàn công ty.
Trái lại, đội tuyển là đại biểu của cả một đất nước. Đụng vào màu cờ sắc áo là đụng vào một hình ảnh trang nghiêm, tôn quý. Cựu tiền đạo huyền thoại Geoff Hurst phê phán Beckham làm hoen ố hình ảnh bóng đá Anh. Nhật báo Daily Telegraph chỉ trích: “Becks là triệu chứng nổi bật của một căn bệnh – căn bệnh đánh đổi mọi nguyên tắc để đạt kết quả bằng mọi giá. Nhu cầu về kết quả càng cao, chuẩn mực về đạo đức càng hạ thấp. Beckham đã chứng tỏ như thế”.
Đối với FIFA, tất nhiên họ càng không chấp nhận những gì Becks đã làm và nhất là những gì Becks đã nói. Đối với họ, phang vào chân đối phương đã là một tội. Ngang nhiên thừa nhận đó là hành động cố ý lại là một tội khác – tội thách thức tinh thần thi đấu fair play. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố: “Thật đáng thất vọng. Beckham là tấm gương của các cầu thủ khắp mọi nơi nhưng hành động của Beckham không phù hợp với một vị đại sứ của bóng đá và tinh thần fairplay. Tôi sẽ trao đổi về việc này với Chủ tịch LĐBĐ Anh tại Baku”.
Becks có bị trừng phạt gì không? Về phía FIFA, chỉ đưa ra án phạt nếu mọi chuyện được ai đó đề đạt lên bằng văn bản chính thức. Về phía HLV Eriksson: “Tôi sẽ giải quyết chuyện này sau trận đấu với Azerbaijan. Tôi đã biết phải làm gì vào thứ Năm hay thứ Sáu này. Xin hãy chờ đấy”.
Trong lúc chờ xem Eriksson sẽ dám làm gì Beckham, một vấn đề khác được đặt ra: Tại sao Becks lại “thật thà” đến như vậy? Câu trả lời đơn giản nhất: Có lẽ vì Beckham đơn giản là muốn tỏ ra... thật thà, muốn chứng minh cầu thủ chuyên nghiệp là như thế (!)
Và chắc chắn Beckham cũng đã tiên liệu được những lời nói của mình có tác động như thế nào. Trận đấu với Xứ Gan là trưa ngày 9-10 (theo giờ Anh quốc), nhật báo Daily Telegraph đăng lời thú nhận của Beckham vào sáng 12-10. Tức là Becks đã có một thời gian đáng kể để cân nhắc, suy tính trước khi nói ra những chuyện đang làm cho anh càng nổi tiếng hơn.