Thông tin trên vừa được cơ quan Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA) thông báo.
Young, năm nay 28 tuổi, lần đầu tiên bị phát hiện dương tính với chất doping EPO (erythropoïetine) tại giải điền kinh Paris tháng 7.2004. Ngày 14.9, Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đã quyết định chuyển hồ sơ của Young đến Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA).
Hôm qua (10.11), USADA chính thức ra thông báo, kết quả kiểm tra lần 2 cho thấy Young vẫn bị dương tính với chất EPO. Ngay sau đó, USADA ra quyết định cấm thi đấu suốt đời với Jerome Young, bắt đầu từ ngày 3/11/2004.
Đây không phải là lần đầu Jerome Young, dính vào những scandal doping kiểu này. Hồi tháng 6.1999, Young đã từng bị phát hiện dương tính với chất nandrolone, một loại chất kích thích bị cấm. Tuy nhiên Young vẫn được phép tham dự Olympic Sydney do LĐ điền kinh Mỹ cố tình ỉm đi cho anh.
Sự việc trở nên phức tạp khi tháng 1.2004, tòa án trọng tài thể thao (TAS), một cơ quan của IAAF, đã ra phán quyết cấm Young thi đấu trong 2 năm, kể từ khi phát hiện dương tính (6.1999). Như vậy, về mặt pháp lý, Young không đủ tư cách tham dự Sydney 2000.
Cùng với phán quyết của TAS, tháng 7.2004, IAAF thông báo hủy bỏ tất cả những thành tích đạt được của Young trong khoảng thời gian từ tháng 6.1999 - 6.2001. Điều này có nghĩa, chiếc HCV cự ly tiếp sức 4x400m nam mà Mỹ giành được tại Sydney 2000 (trong đó Young là 1 thành viên) không được công nhận.
Chưa xong vụ nandrolone, Young đã dính ngay vào vụ EPO tại Paris và lần này LĐ điền kinh Mỹ đã không dám mạo hiểm đưa Young đến tham dự Athens 2004.
Án phạt cấm thi đấu suốt đời với Young đến gần một tháng sau vụ 1 VĐV điền kinh nổi tiếng khác của Mỹ là Alvin Harrison (đồng đội của Young tại Sydney 2000) bị cấm thi đấu 4 năm cũng do dính đến doping.
Trước Harrison và Young còn có Kelli White, nữ VĐV da màu VĐTG cự ly 100m tại Giải vô địch điền kinh thế giới năm 2003, cũng bị cấm thi 2 năm do dùng chất nandrolone.
- nguồn internet -