Olympic 2008, tự hào thể thao châu Á(15:56 14/08/2008)

Vốn dĩ được đánh giá là có vóc dáng nhỏ bé, một bất lợi đối với các VĐV Châu Á trước các đối thủ Châu Âu cao lớn. Thế nhưng, những gì mà thể thao Châu Á làm được tại đấu trường Olympic 2008 đã lật ngược nhận định trên bằng bảng vàng thành tích đáng tự hào.

Niềm vui của đội tuyển TDDC Trung Quốc khi lần đầu tiên giành HCV (Ảnh: beijing 2008)

Vốn dĩ được đánh giá là có vóc dáng nhỏ bé, một bất lợi đối với các VĐV Châu Á trước các đối thủ Châu Âu cao lớn. Thế nhưng, những gì mà thể thao Châu Á làm được tại đấu trường Olympic 2008 đã lật ngược nhận định trên bằng bảng vàng thành tích đáng tự hào.

Trước hết phải kể đến nước chủ nhà TVH mùa hè lần thứ 29. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã giành được 27 huy chương (17 HCV, 5 HCB và 5 HCĐ), đó là tín hiệu đáng mừng cho vị trí vô địch của Olympic lần đầu tiên được tổ chức trên quê hương Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Người mở màn cho chuỗi thành công của Trung Quốc phải kể đến công của Chen Xiexia. Với thành tích 212kg (cử giật 95 kg và cử đẩy 117 kg) cô đã phá kỷ lục Olympic hạng 48kg nữ. Chiếc HCV thứ 2 cho đoàn Trung Quốc là ở môn Bắn súng thuộc về Pang Wei nội dung 10m súng ngắn hơi với số điểm 688,2. Ngoài ra còn phải kể đến nữ xạ thủ Guo Wenjun, người đã giành HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nữ với 492,3 điểm và cũng lập kỷ lục Olympic mới. Xạ thủ Chen Ying cũng xuất sắc đoạt HCV nội dung súng ngắn 25m của nữ với 793,4 điểm.

Ở môn Thể dục dụng cụ, đội nam Trung Quốc giành HCV với số điểm 286,125 và đội nữ cũng lần đầu tiên giành HCV với tổng cộng 188,900 điểm. Đánh bại VĐV người Pháp Nicolas Lopez với tỷ số 15-9, Zhong Man giành HCV cho Trung Quốc ở nội dung kiếm chém cá nhân nam.

Ở môn Nhảy cầu, nội dung 10m đồng đội nữ, cặp đôi VĐV Chen Ruolin và Wang Xin giành chiến thắng với điểm số 363,54. Bộ đôi VĐV người Trung Quốc là Guo Jingjing và Wu Minxia (ĐKVĐ thế giới và Olympic) cũng không chịu thua kém đồng hương khi tiếp tục thống trị ở môn nhảy 3m, giành HCV với số điểm 343,50 điểm. Trung Quốc thắng tuyệt đối khi tiếp tục đoạt chiếc HCV ở nội dung Nhảy cầu đôi nam 3m vớic công của VĐV Wang Feng và Qin Kai khi giành chiến thắng với số điểm rất cao 469,08 điểm, bỏ xa đội hạng nhì là Nga tới 47,10 điểm.

Trong số các gương mặt giành "vàng" cho Trung Quốc phải kể đến Liu Chunhong. Cô không chỉ giành HCV cho đoàn chủ nhà Trung Quốc mà còn lập kỷ lục thế giới mới hạng cân 69 kg nữ khi đạt tổng trọng lượng 286 kg (cử đẩy 128 kg và cử giật 158 kg), phá kỷ lục cũ đến 10 kg. Còn ở hạng cân 69 kg của nam, lực sĩ Liao Hui đoạt HCV cho đoàn Trung Quốc. Môn Judo, hạng 52 kg của nữ Xian Dongmei cũng xuất sắc giành "vàng", ...

Bám sát theo sau là 2 quốc gia châu Á luôn được đánh giá cao về thành tích thể thao trên các đấu trường lớn là Hàn Quốc (đứng thứ 3) và Nhật Bản (đứng thứ 5).

Với 13 huy chương (6 HCV, 6 HCB và 1 HCĐ), Hàn Quốc đã tiếm ngôi của Nga tại Olympic Athens 2004. Có được thành công này phải nhờ đến những nỗ lực rất lớn của các VĐV xứ sở kim chi. Ở nội dung súng ngắn 50m nam, Jin Jong-Oh của Hàn Quốc giành HCV với số điểm 660,4. Trong khi đó, ở nội dung bơi 400m tự do nam, VĐV người Hàn Quốc Park Tae-Hwan đánh bại đối thủ nặng ký là VĐV Grant Hackett của Úc (từng 2 lần vô địch Olympic ở cự ly bơi 1.500m) để giành HCV với thời gian 3 phút 41 giây 86. Park cũng từng vô địch thế giới ở nội dung thi đấu trên tại Melbourne, Úc, hồi năm ngoái. Trước đó, tại Asiad Doha 2006, anh đoạt cả 3 HCV ở các nội dung 200m, 400m và 1.500m bơi tự do. Ở nội dung Bắn cung đồng đội nữ, các cung thủ Hàn Quốc đã cùng nhau bước lên bục cao nhất của vinh quang.

Nhật Bản đứng vị trí thứ 5 với 10 huy chương (5 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ). Với vị trí thứ 5 này, đoàn thể thao xứ sở mặt trời mọc vẫn đang bảo toàn ngôi vị có được tại Athens 2004. Quốc ca Nhật Bản 5 lần được vang lên tại đấu trường Olympic năm 2008 là do công của Ayumi Tanimoto giành được sau khi thắng điểm ippon trước võ sĩ Judo số 1 thế giới và là ĐKVĐ châu Âu người Pháp Lucie Decosse ở hạng 63kg của nữ. VĐV Masae Ueno chỉ cần đúng 1 phút để đánh bại đối thủ Judo người Cuba Anaysi Hernandez trong trận chung kết để giành ngôi vô địch hạng 70kg của nữ. VĐV Masato Uchishiba cũng đã xuất sắc giành HCV hạng cân 66 kg Judo của nam về cho đất nước...

Một trong số các gương mặt sáng giá của thể thao Cộng hoà Triều Tiên, được đánh giá là người con gái can trường, nữ lực sỹ Pak Hyon Suk đã xuất sắc đem về cho CHDCND Triều Tiên chiếc HCV Cử tạ đầu tiên tại Olympic Bắc Kinh 2008 chiều 12/8. Chiến thắng của Pak Hyon Suk được giới truyền thông quốc tế nhắc đến khá nhiều như một nỗ lực tột bậc. Với chiếc HCV này, Pak Hyon Suk đã trở thành niềm tự hào của CHDCND Triều Tiên ở Olympic Bắc Kinh.

Ấn Độ cũng góp phần làm rạng danh Châu Á với 1 chiếc HCV để xếp vị trí 21. VĐV Abhinav Bindra đã vượt qua đối thủ nặng ký Zhu Qinan của đội chủ nhà Trung Quốc ở nội dung súng trường hơi 10 m nam. Với 700,5 điểm, VĐV 25 tuổi đã đi vào lịch sử với tư cách là VĐV Ấn Độ đầu tiên có được tấm HCV cá nhân tại một kỳ Olympic.

Đáng tự hào và cũng là thành tích làm nức lòng người hâm mộ thể thao Đông Nam Á đó là chiếc HCV của Thái Lan do công của Prapawadee Jaroenrattanatarakoon. Không chỉ giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ, nữ VĐV 24 tuổi này còn đồng thời thiết lập kỷ lục ở hạng 53kg của môn Cử tạ. Đây cũng là chiếc HCV đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tại Olympic 2008

Nếu so sánh với Athens 2004 thì nền thể thao các quốc gia Châu Á có sự phát triển khá rõ rệt, tính đến thời điểm này, ngoài Nhật Bản vẫn giữ vị trí thứ 5, chủ nhà Trung Quốc xếp vị trí thứ 2 thì hiện đang dẫn đầu, Hàn Quốc từ vị trí thứ 9 lên thứ 5, Cộng hoà Triều Tiên từ vị trí 57 nhảy lên vị trí 13, Thái Lan xếp hạng 25 và Ấn Độ vị trí 65 đều thăng đồng hạng 21. Những gì mà VĐV châu Á làm được tại TVH lần này, liệu có "cửa sáng" cho sự ra đời một trật tự mới trên bảng tổng sắp!?

 

A.T (tổng hợp)

 

Ảnh trong bài
  • Olympic 2008, tự hào thể thao châu Á(15:56 14/08/2008)