Bắt đầu từ một sân cricket…
Giải đấu vốn được coi là Grand Slam của châu Á – Thái Bình Dương ban đầu có tên là Australasian Championships. Sau khi thành lập Hiệp hội Quần vợt Sân cỏ Úc-Á (Australasian Lawn Tennis Association), các quan chức quần vợt Australia và New Zealand đã tổ chức giải đầu tiên vào năm 1905.
17 tay vợt nam đã tranh tài trong giải lần đầu diễn ra trên sân Warehouseman’s Cricket Ground trong khu Albert Park, Melbourne (đến năm 1922, các tay vợt nữ mới góp mặt). Rodney Heath, một thành viên của câu lạc bộ cricket Melbourne, đã trở thành nhà vô địch đầu tiên sau khi đánh bại vị bác sĩ vùng Adelaide Arthur Curtis. Trận chung kết đầu tiên diễn ra dưới sự chứng kiến của 5.000 khán giả, kết thúc với tỷ số 4-6, 6-3, 6-4, 6-4.
… 2 lần tổ chức tại New Zealand và 1 lần diễn ra trong… vườn thú
Giải đấu đã hai lần được tổ chức “nhờ” tại New Zealand vào các năm 1906 và 1912. Tuy nhiên, giải lạ kỳ nhất diễn ra vào năm 1909. Các nhà tổ chức đã cho các trận đấu tiến hành trong vườn thú Perth. Thêm một chi tiết thú vị, các lần giải phải thay đổi địa điểm đều ghi tên chung một nhà vô địch: Anthony Wilding.
7 năm gián đoạn vì chiến tranh
Năm nay, Australian Open tròn 100 tuổi. Nhưng đây là cuộc tranh tài lần thứ 93. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã khiến giải phải tạm dừng trong hai giai đoạn 1916-18 và 1941-45.
Và những nỗ lực ổn định địa điểm tổ chức
Trong những thời gian đầu, ngoài 2 lần di chuyển sang New Zealand và 1 lần tranh tài trong sở thú, Australian Open cũng không có được một địa điểm cố định. Các trận đấu đã từng diễn ra tại Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth.
Frank Sedgman, người đã thi đấu tại Sydney năm 1947, nhớ lại “Họ cho 2 hoặc 3 trận đấu đồng thời diễn ra tại sân trung tâm. Đó là một điều không thể tưởng tượng nổi. Các trái bóng bay khắp mọi nơi”. Trong cuốn sách kỷ niệm 100 năm Australian Open, Sedgman viết thêm “chúng tôi không có chỗ ngồi trong giờ nghỉ vì không có ghế”. Sedgman cũng là nhà vô địch của các giải năm 1949 và 1950.
Đến năm 1972, các nhà tổ chức mới ấn định Melbourne là địa điểm duy nhất tiến hành Australian Open.
Những năm 80 thế kỷ trước, Australian Open có được sự kết hợp táo bạo nhưng thiếu thực tế với Câu lạc bộ Quần vợt sân cỏ Kooyong ở ngoại ô Melbourne. Cơ sở vật chất thiếu thốn tại đây đã khiến tương lai của Australia bị đe doạ. Năm 1985, một quyết định mang tính bước ngoặt được đưa ra: giải được tổ chức ở Melbourne Park (ban đầu có tên là Flinders Park).
Một khu thể thao liên hợp với các sân đấu có sức chứa 15.000 chỗ cùng hệ thống mái che hiện đại được hoàn thành năm 1988. Mặc dù còn một số ý kiến nuối tiếc mặt cỏ ở Kooyong, không ai có thể phủ nhận được sức hút của địa điểm mới. Lượng khán giả ngay trong năm đầu tiên Australian Open diễn ra ở Melbourne Park đã tăng 90%, lên con số 266.500.
Đến bây giờ, tròn một thế kỷ sau giải đấu đầu tiên, Australian Open đã trở thành sự kiện thể thao thường niên lớn nhất tại xứ sở Kangaroo. Người ta ước tính sẽ có 500.000 người hâm mộ trực tiếp theo dõi trong thời gian hai tuần giải diễn ra.
… Đến việc khẳng định vị trí
Dù sắp bước sang tuổi 100, Australian Open vẫn còn “non trẻ” so với 3 giải Grand Slam còn lại. Về lịch sử, Australian Open ra đời sau Wimbledon hay US Open cả phần tư thế kỷ. Về danh tiếng, giải Grand Slam đầu tiên trong năm này cũng theo sau 3 giải Grand Slam kia cả một bước dài. Cho tới năm 1969, khi giải chính thức mang tên Australian Open, các tên tuổi lớn của quần vợt thế giới vẫn tỏ ra miễn cưỡng khi phải dời các giải chuyên nghiệp ở Châu Âu hay Mỹ để thực hiện cuộc hành trình dài đến Australia.
Nhưng giờ đây, sau những nỗ lực lựa chọn địa điểm tổ chức lý tưởng và thu hút khán giả thành công, Australian Open đã có một vị thế mới. Với món tiền thưởng lên tới 1,2 triệu đô la và hàng trăm điểm thưởng cho ngôi vô địch, các ngôi sao quần vợt thế giới thực sự coi việc thi đấu tại Australian Open là một cuộc chinh phục hấp dẫn. Còn khán giả hâm mộ thì coi đây là một trong những sự kiện thể thao đáng xem nhất của thế giới.
Đất diễn của khách và giấc mơ chủ nhà
Thời gian đầu, gần như Australasian Championships chỉ là sân chơi của các tay vợt chủ nhà. Fred Alexander của Mỹ là tay vợt nước ngoài đầu tiên giành chức vô địch nam. Trong khi đó, Dorothy Round lại đem vinh dự về cho nước Anh khi cô giành danh hiệu năm 1935. Sau đó, các tay vợt chủ nhà vẫn làm mưa làm gió.
Tuy nhiên, khi Australasian Championships đổi tên thành Australian Open, ngôi vô địch không còn mặn mà với các tay vợt chủ nhà nữa. Lần lượt những huyền thoại Mats Wilander, Stefan Edberg, Ivan Lendl và Boris Becker ghi tên mình trên bục vinh quang.
Mỹ đặc biệt thành công với giải Grand Slam trên đất Australia. Từ khi giải có tên mới, 13 danh hiệu đã về tay các tay vợt mang quốc tịch Mỹ. Trong đó, Andre Agassi đang là người có số lần vô địch nhiều nhất (4 lần). Agassi có được danh hiệu đầu tiên năm 1995, 7 năm sau chức vô địch đầu tiên của vợ anh Steffi Graf.
Trong khi Australian Open ngày càng thành công, các tay vợt chủ nhà vẫn chưa thoát khỏi chuỗi thành tích nghèo nàn. Đã gần 30 năm rồi khán giả Australia chưa được ăn mừng chiến thắng của một tay vợt chủ nhà (sau ngôi vô địch của Mark Edmondson năm 1976 và Chris O’Neil năm 1978). Chức vô địch cứ lần lượt tuột khỏi tầm tay của Pat Cash, Pat Rafter, Lleyton Hewitt và Mark Philippoussis. Năm nay, những hy vọng của cả đất nước Australia được dồn vào Lleyton Hewitt và Alicia Molik.
Một số thông tin khác về Australian Open
- Rosewall đã đi vào lịch sử Australian Open với thành tích đặc biệt. Anh đồng thời nắm giữ hai kỷ lục là nhà vô địch trẻ tuổi nhất và nhà vô địch lớn tuổi nhất. Rosewall có được danh hiệu đầu tiên (trong tổng số 4 danh hiệu) vào năm 1953 khi mới 18 tuổi 2 tháng. 19 năm sau, anh lại có được chức vô địch (năm 1972) khi đã bước sang tuổi 37.
- Martina Hingis là tay vợt nữ trẻ nhất đăng quang (giành danh hiệu năm 1997 khi mới 16 tuổi 3 tháng). Với chiến thắng năm 1954 khi đã 35 tuổi 5 tháng, Thelma Long là nhà vô địch nữ nhiều tuổi nhất.
- Margaret Smith Court là tay vợt nữ thành công nhất với 11 danh hiệu. Cô cũng nắm giữ kỷ lục có mạch chiến thắng liên tiếp dài nhất: 7 chức vô địhc từ 1960 đến 1966.
- 4 tay vợt nữ đã giành được “hattrick” (danh hiệu đơn, đôi nữ, đôi nam nữ): Daphne Akhurst (1925,1928,1929); Nancye Wynne Bolton (1940, 1947, 1948); Thelma Long (1952) và Margaret Smith (1963).