Khi các cầu thủ MU bước ra khỏi đường hầm của sân Old Trafford thì cũng là lúc quán Bar có tên the Bobby Dazzler (quán rượu dành cho hội những CĐV trung thành của MU tại CH Ireland) náo động với những tiếng cổ vũ không ngớt. Không khí cuồng nhiệt đó không chỉ được bắt gặp trên các khán đài của Old Trafford hay tại Bobby Dazzler mỗi khi các trận đấu có MU tham gia được truyền hình trực tiếp, mà xuất hiện trên khắp thế giới, nơi có những CĐV bóng đá yêu mến đội bóng nước Anh này.
Tại Nga, những ai yêu bóng đá Anh đều không hề xa lạ với cái tên Moscow Reds, CLB những CĐV trung thành của MU được thành lập vào năm 2001 bởi một nhóm thanh niên hiện sống tại Moscow, đứng đầu là Vadim Vasiliyev, một cựu cầu thủ của CLB Dynamo Moscow: Chúng tôi bắt đầu yêu thích MU từ năm 1995, khi trong đội hình đội bóng này có Andrei Kanchelskis, một cầu thủ người Nga và đó cũng là thời điểm truyền hình Nga khởi chiếu các trận đấu tại Premiership….
Trong số những thay đổi mà bóng đá thế giới đã tạo ra trong thời gian qua, có lẽ xu thế toàn cầu hoá là đáng chú ý nhất. Nếu năm 1989, Arsenal giành chức VĐQG Anh bằng một đội hình toàn những cầu thủ đến từ Liên hiệp Anh và CH Ireland thì ở mùa giải 2003/04 vừa qua, chỉ tính riêng ở các CLB tham dự Premiership, đã có tới 79 cầu thủ đến từ các nước không thuộc Liên hiệp Anh.
Hiện tượng tương tự cũng đã và đang diễn ra tại Nga, nơi mà cách đây hơn 1 thập kỷ, giải VĐQG Nga chỉ có duy nhất một cầu thủ đến từ nước không thuộc Liên Xô (cũ), đó là cầu thủ người Syria, Assaf al-Khalifa, nhưng hiện nay, lượng các cầu thủ nước ngoài tại giải đấu này đã lên tới con số 114.
Sự góp mặt của các cầu thủ nước ngoài đã xoá dần ranh giới giữa các nền bóng đá khác nhau ở châu lục, đồng thời tạo ra sự giao thoa giữa con người và các nền văn hoá bóng đá. Bằng việc đầu tư vào Chelsea, Abramovich đã tạo ra mối liên kết vô hình giữa những người Nga và bóng đá Anh và ngược lại, giữa người Anh và bóng đá Nga. Sự thực là kể từ sau khi đội bóng thành London được nuôi dưỡng bằng những đồng rúp, những CĐV yêu mến Chelsea ở Nga ngày càng nhiều, và trong tương lại không xa, họ sẽ có được một hội CĐV hùng mạnh, không hề thua kém gì so với Moscow Reds hay các hội CĐV khác ở các quốc gia.
Không phải chỉ có những CLB lớn tại châu Âu mới thu hút được sự hâm mộ từ những CĐV ngoại quốc mà hiện tượng này cũng diễn ra với các đội bóng nhỏ hơn tại Anh. Newcastle hiện là đội bóng đang rất được ưa chuộng tại Macedonia, trong khi những người Bulgaria biết tiếng CLB Colchester cũng chỉ vì một người đồng hương của họ đã nhận được huân chương cao quý của Hiệp hội Bóng đá Anh vì những cống hiến cho CLB hạng Hai này trong suốt thời gian anh học tập tại đây. Ngoài ra, những người dân sống ở thủ đô Sofia (Bulgaria) lại “khoái” CLB hạng Hai Anh Rushden & Diamond hơn cũng chỉ vì cái tên của đội bóng này nghe quen quen…
Rõ ràng, trong những năm qua, sự lai căng giữa các nền văn hoá bóng đá khác nhau đã khiến bóng đá Anh không còn bị “mang tiếng” là nặng về thể lực, bóng đá Italia cũng mất dần tính chiến thuật và tư tưởng thực dụng hay giờ đây, các cầu thủ Hà Lan cũng chẳng phải chỉ thiên về lối chơi kỹ thuật. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, văn hoá bóng đá giữa các châu lục đã có sự đồng nhất, nhưng bù lại tại các giải bóng đá lớn của châu lục và thế giới, người xem dường như càng ít được thưởng thức những cuộc xung đột giữa các trường phái bóng đá khác nhau. Đó là một thực tế khó tránh khỏi trong xu thế toàn cầu hoá của bóng đá hiện đại, và cũng hoàn toàn hợp lý khi mà bản chất của bóng đá là môn chơi của một tập thể. Vì vậy, đó là một xu thế tất yếu.