Phó Tổng thư ký Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu, Chen Weiqiang, cho biết Ban tổ chức đã huy động được gần 628 triệu đô la Mỹ thông qua hoạt động tiếp thị để tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19.
![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/21793/0025669_Hang Chau.jpg.jpeg)
Chương trình tiếp thị quảng bá Hàng Châu 2022 hướng tới một Đại hội thể thao châu Á thịnh vượng (Ảnh: ocasia)
Theo ông Chen Weiqian, lợi ích kinh tế và các chương trình tiếp thị, quảng bá cho các sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn đóng vai trò quan trọng, đánh giá hiệu quả tài chính và hiệu quả hoạt động của hoạt động quảng bá.
Chia sẻ về những ưu tiên tiếp thị trong năm mới, Phó Tổng thư ký Chen Weiqiang cho biết, chỉ còn chưa đầy 300 ngày nữa là đến Hàng Châu 2022, Ban tổ chức sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động tiếp thị, tối ưu hóa dịch vụ và tận dụng những thành quả của mình để đặt ra tiêu chuẩn cao về chất lượng và số lượng trong lịch sử tiếp thị, quảng bá của Đại hội thể thao châu Á.
Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu sẽ cố gắng đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong việc thực hiện sứ mệnh mà Đại hội đặt ra là Đại hội thể thao châu Á dành cho thể thao, Đại hội thể thao châu Á để nâng cấp đô thị, Đại hội thể thao châu Á về thương hiệu và di sản.
Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu đã triển khai các hoạt động tiếp thị, quảng cáo cho Đại hội thể thao châu Á vào năm 2018 với mục đích tạo sự chú ý cho các thương hiệu và giới thiệu “Sự quyến rũ của Chiết Giang” và “Hương vị Hàng Châu” tại thành phố đăng cai và xung quanh tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc.
Kết quả của chương trình quảng bá, tiếp thị đạt được gồm: Mười đối tác uy tín chính thức: Geely Auto, China Mobile, China Telecom, Industrial and Commercial Bank of China (ICBC), LoongAir, Alibaba, Alipay, 361 Degrees, China Pacific Insurance và DAS-Security; 89 công ty tài trợ trên 67 hạng mục. Tổng giá trị tài trợ là 600 triệu đô la Mỹ. Sáu trong số 10 Đối tác Uy tín là các công ty thuộc danh sách Fortune 500: Geely Auto, China Telecom, China Mobile, ICBC, Alibaba và China Pacific Insurance.
Về nhượng quyền, Ban tổ chức Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu đã cấp phép cho 58 nhà sản xuất trên 17 danh mục được sử dụng trên nhiều nền tảng bao gồm các cửa hàng chính thức của Tmall, các nền tảng mua sắm trên truyền hình và hơn 480 cửa hàng bán lẻ. Hơn 800 sản phẩm hàng hóa chính thức và một bộ tem được thiết kế đặc biệt đã được tung ra thị trường, tạo ra tổng doanh thu gần 12 triệu đô la Mỹ.
Về bán vé, Damai đã được bổ nhiệm làm đại lý bán vé và phù hợp với khái niệm “Hàng Châu kỹ thuật số”, đã phát triển “ticket +” - một dịch vụ đặt vé mới, sáng tạo, tích hợp cho công chúng, cho phép tiếp cận thực phẩm, chỗ ở, phương tiện đi lại, du lịch và mua sắm tại Hàng Châu và các thành phố đồng đăng cai Ninh Ba, Ôn Châu, Kim Hoa, Thiệu Hưng và Hồ Châu.
Các chương trình từ thiện đã nhận được số tiền quyên góp hơn 15 triệu đô la Mỹ. Tổng số người tham gia sự kiện từ thiện “Hàng Châu 2022 mang lại lợi ích cho tất cả mọi người” là hơn 21,27 triệu người. Các hoạt động phúc lợi công cộng của Đại hội thể thao châu Á đã đến 30 tỉnh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia và các quốc gia khác, với hơn 700 triệu người tương tác trực tuyến và ngoại tuyến.
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 10 -25/9/2022 với 40 môn thể thao, 61 phân môn và 482 nội dung. Sẽ có 5 triệu vé cho 600 buổi thi đấu thể thao cũng như lễ khai mạc và bế mạc tại 55 địa điểm thi đấu.
Người đứng đầu Ủy ban Olympic Nga tuyên bố Moscow có thể hy vọng đăng cai Thế vận hội trong tương lai
Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Stanislav Pozdnyakov tuyên bố Moscow có thể hy vọng đăng cai một kỳ Thế vận hội trong tương lai. Chủ tịch Stanislav Pozdnyakov cũng chia sẻ cùng hãng thông tấn nhà nước chính thức TASS của Nga rằng nước này có cơ sở hạ tầng cần thiết để tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn. Một số thành phố của Nga bao gồm Kazan, Saint Petersburg và Vladivostok đã bày tỏ mong muốn tham gia vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2036.
Nga đã bị cấm tham gia cuộc vận động đăng cai cho Thế vận hội 2032 theo các điều khoản của lệnh trừng phạt áp dụng đối với nước này sau vụ bê bối doping tại Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi.
Theo tiêu chí những nơi đã có cơ sở hạ tầng cần thiết cho Thế vận hội thì Nga là một trong những khu vực ưu tiên. Trong 10 - 20 năm qua, Nga đã tiến xa hơn trong việc nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở hạ tầng cho hầu hết các môn thể thao.
Nga nằm trong số các quốc gia đã bày tỏ mong muốn đăng cai tổ chức Thế vận hội 2036 theo quy trình mới của Ủy ban Olympic quốc tế trong việc lựa chọn thành phố đăng cai. Các quốc gia khác gồm: Ấn Độ, Ukraine, Đức, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Anh.
Ủy ban Olympic Quốc tế cảnh báo Malaysia và Serbia bằng lệnh cấm tổ chức sự kiện
Ủy ban Olympic Quốc tế đã đưa ra một cảnh báo khác đối với các quốc gia từ chối cho phép các VĐV tham gia thi đấu tại các sự kiện thể thao quốc tế lớn thuộc hệ thống quản lý của tổ chức này vì lý do chính trị.
Như Jerusalem Post đưa tin, Ủy ban Olympic Quốc tế đã đề cập đến hai sự cố gần đây gồm việc hủy bỏ Giải vô địch cờ vua đồng đội thế giới tại Malaysia sau khi từ chối cấp thị thực cho VĐV Israel và Chính phủ Serbia ngăn Kosovo thi đấu tại Giải vô địch quyền anh thế giới ở Belgrade.
Ủy ban Olympic Quốc tế cảnh báo sẽ không cho những quốc gia này và những quốc gia khác vi phạm Hiến chương Olympic đăng cai tổ chức các sự kiện lớn nếu tiếp tục thực thi chính sách nêu trên.
Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết họ sẽ làm việc với Ủy ban Olympic quốc gia ở Malaysia và Serbia để đạt được giải pháp với Chính phủ của các nước này. Các quốc gia có động thái tương tự sẽ tự loại mình khỏi quyền đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế thuộc hệ thống quản lý của Ủy ban Olympic quốc tế cho đến khi có được tất cả các đảm bảo cần thiết.
Giám đốc thể thao Ủy ban Olympic Quốc tế Kit McConnell và James Macleod, giám đốc Ủy ban Olympic Quốc gia và Đoàn kết Olympic của Ủy ban Olympic Quốc tế đã kêu gọi tất cả các Liên đoàn thể thao Quốc tế phải hết sức cảnh giác khi phân bổ và tổ chức các cuộc thi đấu thể thao quốc tế. Đó là một vấn đề phức tạp đối với Phong trào Olympic, một vấn đề mà Ủy ban Olympic Quốc tế đã phải đau đầu để giải quyết.
Đã có hàng chục ví dụ về việc các quốc gia từ chối cấp thị thực cho các VĐV từ các quốc gia khác vì lý do chính trị. Kosovo đã bị từ chối nhập cảnh vào Serbia và điều này đã bị Hiệp hội Quyền anh quốc tế và Ủy ban Olympic Quốc tế chỉ trích.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã cho rằng Hiệp hội Quyền anh quốc tế đã không tiến hành thẩm định đầy đủ trước khi trao quyền đăng cai tổ chức giải vô địch Thế giới cho Serbia, quốc gia không công nhận Kosovo. Malaysia và Israel không có quan hệ ngoại giao và người Israel bị cấm đến thăm nước này.
Năm 2019, Malaysia bị tước quyền đăng cai Giải vô địch bơi thế giới vì đe dọa từ chối VĐV Israel và giải đấu đã được chuyển đến Luân Đôn.
A.T biên dịch