Các VĐV Hungary cần được tiêm ba mũi để thi đấu tại Bắc Kinh 2022

Các VĐV Hungary tham dự Thế vận hội Olympic mùa đông 2022 tại Bắc Kinh sẽ cần tiêm ba mũi vắc xin COVID-19 để có thể yên tâm thi đấu.

Ủy ban Olympic Hungary đã thông qua các tiêu chí để đoàn thể thao Olympic Hungary có thể đến thủ đô của Trung Quốc trong cuộc họp được tổ chức ở Budapest.

Hungary là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vắc xin cho các VĐV Olympic khi nước này phát động chiến dịch vào tháng Giêng.

Đội kayak nam của Hungary nằm trong số 10 VĐV được tiêm vắc xin Moderna tại Bệnh viện thể thao ở Budapest trước khi lên đường tới trại huấn luyện ở Nam Phi. Một danh sách gồm 868 VĐV tiềm năng cho Tokyo 2020 và Bắc Kinh 2022 do Ủy ban Olympic Hungary đề xuất được Thủ tướng Hungary Viktor Orbán phê duyệt để tiến hành tiêm chủng.

Sau đó, Ủy ban Olympic Hungary đã ra quyết định rằng chỉ những VĐV được tiêm đủ hai mũi vắc xin mới có thể thi đấu cho Hungary tại Tokyo 2020. Và để tham gia thi đấu tại Bắc Kinh 2022, các VĐV phải hoàn thành đủ ba mũi tiêm chủng (bao gồm cả một mũi tiêm nhắc lại).

Tiến sĩ András Tállay, Chủ tịch Ủy ban Y tế Ủy ban Olympic Hungary và bác sĩ trưởng của đoàn thể thao Hungary cho biết, VĐV có thể được miễn trừ yêu cầu này với lý do chính đáng.

Theo sách hướng dẫn của Bắc Kinh 2022, các VĐV và quan chức được tiêm vắc xin kép sẽ có thể vào vòng quản lý khép kín khi đến Trung Quốc tham dự Thế vận hội và sẽ không phải kiểm dịch. Ai không được tiêm chủng sẽ phải tự cách ly trong 21 ngày trước khi được phép tham gia vòng quản lý khép kín.

Hungary đã tham gia tranh tài ở mọi kỳ Thế vận hội Olympic mùa đông kể từ lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Chamonix vào năm 1924.

Nhưng đoàn thể thao Olympic mùa đông Hungary chỉ giành được HCV đầu tiên tại Pyeongchang 2018 với sự tham gia của 19 VĐV ở 06 môn thể thao. Hungary đã giành được tổng cộng bảy huy chương tại Thế vận hội mùa đông với một HCV, hai HCB và bốn HCĐ.

Hơn 30 quốc gia sẽ tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật trẻ châu Á 

Bahrain sẽ tổ chức ấn bản lần thứ tư của Đại hội thể thao người khuyết tật trẻ châu Á và đây cũng sẽ là lần đầu tiên Bahrain đăng cai tổ chức một sự kiện thể thao người khuyết tật lớn với sự tham gia của 800 VĐV dưới 20 tuổi của tổng cộng 32 quốc gia. Có thêm hai quốc gia tham dự sự kiện so với kỳ Đại hội được tổ chức vào năm 2017 ở Dubai.

Các VĐV sẽ tranh tài ở 09 môn thể thao gồm điền kinh, cầu lông, boccia, goalbal, cử tạ, bơi, bóng bàn, taekwondo và bóng rổ xe lăn.

Đại hội sẽ diễn ra tại hai địa điểm là Sân vận động đa năng thành phố thể thao Khalifa ở Thị trấn Isa với các môn điền kinh và bơi. Thành phố thể thao Isa sẽ tổ chức các cuộc thi còn lại.

Khẩu hiệu của Đại hội thể thao người khuyết tật trẻ châu Á ở Bahrain mang tên "Cùng nhau, vươn lên, mạnh mẽ hơn". Theo Ban tổ chức, khẩu hiệu này được chọn để phản ánh mục đích của Đại hội là thúc đẩy tình bạn, cải thiện thành tích của các VĐV và đưa họ đến một nơi tốt hơn để tiếp tục sự nghiệp thể thao của mình. Ban tổ chức cũng hy vọng Đại hội sẽ hỗ trợ các VĐV người khuyết tật trên con đường đến Thế vận hội Paralympic 2024 tại Paris.

Hai phiên bản đầu tiên của Đại hội được tổ chức tại Tokyo vào năm 2009 và Kuala Lumpur vào năm 2013 và phiên bản gần đây nhất là tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm 2017.

ASEAN kỷ niệm Ngày thanh niên ASEAN trong hành động với khí hậu và ứng phó với thiên tai năm 2021 

Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức hội thảo để kỷ niệm Ngày Thanh niên ASEAN trong hành động với khí hậu và ứng phó với thiên tai. Hội thảo quy tụ các bên liên quan, các nhà lãnh đạo thanh niên và các nhà vô địch ASEAN với chủ đề “Hợp tác cùng nhau vì một ASEAN có khả năng ứng phó với thiên tai và thân thiện với khí hậu”. Đại diện của các tổ chức phi chính phủ, các khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển và trao quyền cho thanh niên, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng tham gia Hội thảo.

Alexa Danielle C. Dayanghirang, Ủy viên Ủy ban thanh niên quốc gia Philippines, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sự tham gia và trao quyền của thanh niên, xem xét vai trò quan trọng của thanh niên trong việc hiện thực hóa một ASEAN thân thiện với khí hậu và chống chọi với thiên tai.

Yohanes Paulus từ nhóm nòng cốt của Hệ thống Hậu cần Khẩn cấp Thảm họa cho ASEAN (DELSA)/AHAckathon 2021, đã nêu bật câu chuyện thành công của AHAckathon 2021, một sáng kiến ​​hàng đầu của Trung tâm AHA cho phép những người trẻ tuổi đóng góp vào nỗ lực giải quyết vấn đề hậu cần thông qua các giải pháp kỹ thuật số.

Kết thúc, hội thảo đã đưa ra 06 hành động gồm: cung cấp các nền tảng và quyền tiếp cận toàn diện, dân chủ và an toàn hơn cho thanh niên vào hoạch định chính sách và ra quyết định; Làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của các nhóm yếu thế, đặc biệt là những nhóm dễ bị bạo lực, khó khăn và thách thức hơn trong các thảm họa và khủng hoảng; Kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN thúc đẩy nhiều chương trình, hoạt động, sáng kiến ​​mang tính liên ngành để khuyến khích sự hợp tác giữa Thanh niên ASEAN; Để thanh niên sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các sáng kiến ​​hành động với khí hậu và ứng phó với thiên tai, đồng thời để chính phủ tạo điều kiện và giải quyết những trở ngại mà thanh niên đang gặp phải liên quan đến biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu với thiên tai; Tăng cường sự phối hợp giữa chính phủ và thanh niên để khuyến khích sự hợp tác theo định hướng hành động hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa và các vấn đề liên quan đến các hành động khí hậu và khả năng chống chịu với thiên tai; Đảm bảo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và dựa trên quyền trong việc tìm kiếm giải pháp và xây dựng các sáng kiến ​​và chương trình phù hợp với Tuyên bố Nhân quyền ASEAN và Điều lệ ASEAN.

Năm 2018, dưới sự chủ trì của Philippines thông qua Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Thanh niên và phối hợp với Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua tuyên bố chỉ định Ngày Thanh niên ASEAN trong Hành động với Khí hậu và Ứng phó với Thiên tai.

Tuyên bố này thể hiện vai trò quan trọng của thanh niên ASEAN trong việc giảm nhẹ các cuộc khủng hoảng do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời nhằm kỷ niệm và thúc đẩy sự đóng góp của thanh niên ASEAN đối với khả năng ứng phó với thiên tai và hành động với khí hậu.

Nhà vô địch Olympic Ấn Độ Neeraj Chopra khởi động chương trình tiếp cận cộng đồng cho học 

VĐV giành HCV Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 Neeraj Chopra đã khởi động một chương trình tiếp cận đầy tham vọng nhằm kết nối các VĐV xuất sắc của Ấn Độ với học sinh trường học.

Ngôi sao ném lao Olympic đã gặp gỡ học sinh từ 75 trường học và nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ ăn uống, thể dục và thể thao trong một cuộc giao lưu tại Trường Sanskardham ở Ahmedabad.

Neeraj Chopra đã chỉ cho các em kỹ năng ném lao. Neeraj Chopra cũng thu hút sự quan tâm của các em học sinh khi chia sẻ về một bữa ăn lành mạnh, bổ dưỡng với các khoáng chất. Ngoài ra, việc nấu ăn còn giúp phục hồi tinh thần mệt mỏi sau một buổi tập luyện dài.

Chương trình là ý tưởng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm tạo ra sự tương tác giữa các VĐV Olympic và Paralympic với học sinh từ 75 trường học, mỗi trường trong khoảng thời gian hai năm để thúc đẩy những người trẻ tuổi có một chế độ ăn uống cân bằng và tham gia các hoạt động thể dục.

Các VĐV Ấn Độ khác cũng đã cam kết tham gia chương trình như Tarundeep Rai (bắn cung), Sarthak Bhambhri (điền kinh), Sushila Devi (judo), KC Ganapaty và Varun Thakkar (chèo thuyền) sẽ đến thăm các trường học ở các vùng khác của đất nước trong hai tháng tới.

Avani Lekhara (bắn súng), Bhavina Patel (bóng bàn) và Devendra Jhajharia (điền kinh) sẽ là những VĐV Paralympic  tiên phong.

A.T