Quyết định đã được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng của Hội đồng Olympic Châu Á. Đây là phiên bản thứ bảy của Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á với các môn thể thao truyền thống của châu Á như pencak silat, cầu mây và muaythai hay các môn Olympic như bóng rổ 3x3, cầu lông và taekwondo. Các sự kiện mới hơn, như thể thao điện tử và cheerleading cũng sẽ được giới thiệu tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật Châu Á năm 2025.
Đại hội cũng được coi là sự kiện lớn thứ hai sau Đại hội thể thao châu Á trong hệ thống giải đấu của Hội đồng Olympic châu Á. Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, được tổ chức gần đây nhất là tại Ashgabat, Turkmenistan vào năm 2017, có sự tham gia của hơn 4.000 VĐV đến từ 63 quốc gia gồm 45 quốc gia thành viên của Hội đồng Olympic châu Á và 18 quốc gia khách mời từ Châu Đại Dương và Thái Bình Dương.
Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á đầu tiên được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc vào năm 2013. Đại hội là một trong nhiều sự thể thao mà Ả Rập Xê Út mong muốn tổ chức với mục tiêu sử dụng thể thao như một phương tiện để quảng bá hình ảnh quốc tế của mình.
Ả Rập Xê Út hiện đang tham gia vận động giành quyền đăng cai Cúp Bóng đá châu Á 2027.
Campuchia được trao quyền tổ chức Đại hội thể thao châu Á trẻ 2029
Thông tin trên đã được chính thức công bố tại phiên họp Đại hội đồng Hội đồng Olympic châu Á.
Bộ trưởng Du lịch Thong Khon, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Campuchia cho biết: sự kiện sẽ sử dụng các cơ sở vật chất hiện đang được xây dựng cho Đại hội thể thao Đông Nam Á 2023, mà Campuchia sẽ đăng cai.
Điểm nhấn của các Đại hội sắp tới sẽ là Sân vận động quốc gia Morodok Techo trị giá 168 triệu đô la, có sức chứa 60.000 chỗ ngồi mới được xây dựng ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Bên cạnh sân vận động hiện đại, khu phức hợp còn bao gồm một trung tâm thể thao dưới nước, phòng tập thể dục, phòng tập trong nhà và làng VĐV.
Gần 3.000 VĐV đến từ 45 quốc gia dự kiến sẽ tranh tài ở 18 môn thể thao tại Đại hội thể thao châu Á trẻ ở Campuchia.
Bộ trưởng Thong Khon khẳng định việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á trẻ là một cơ hội tuyệt vời và dự đoán sự kiện này sẽ giúp phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng thể thao ở Campuchia.
Đại hội thể thao Châu Á trẻ lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore vào năm 2009. Đại hội thể thao thanh thiếu niên châu Á 2021 đã được trao cho Sán Đầu ở Trung Quốc, nhưng sự kiện hiện đã bị hoãn lại cho đến tháng 12 năm sau do đại dịch COVID-19. Tashkent ở Uzbekistan sẽ là điểm đến của Đại hội thể thao Châu Á trẻ vào năm 2025.
Judo Pháp đặt mục tiêu thành lập 1.000 võ đường mới cho Paris 2024
Judo Pháp đã đặt mục tiêu thành lập 1.000 võ đường mới nhằm hướng tới Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Paris 2024. Judo Pháp đang tích cực phối hợp với chính phủ, các nhà tài trợ và cơ quan thể thao quốc gia để cố gắng đạt được những lợi ích xã hội và giáo dục mà môn thể thao này mang lại.
Võ đường mới đầu tiên của chương trình tại Nanterre sẽ được khánh thành vào cuối tháng 11. Hervé Morin, Chủ tịch Normandy, đã có buổi gặp mặt với Chủ tịch Judo Pháp Stéphane Nomis để thảo luận về kế hoạch sắp thành lập 30 võ đường mới trong khu vực này.
Đề triển khai kế hoạch này, Judo Pháp tiến hành xác định các cơ sở để trống, làm việc với các đối tác nhà nước và tư nhân để chuyển đổi lại cơ sở theo tiêu chuẩn của một võ đường, sau đó thành lập một câu lạc bộ mới để điều hành hoặc tham gia vào nhóm cộng đồng hiện có.
Chủ tịch Stéphane Nomis cũng đã gặp Bộ trưởng Thể thao Roxana Maracineanu và Bộ trưởng Nhà ở Emmanuelle Wargon để thảo luận về dự án. Theo Chủ tịch Stéphane Nomis, việc phối hợp cùng nhà nước và với các nhà tài trợ giúp giảm chi phí và làm cho dự án trở nên thực tế hơn.
Pháp là một trong những cường quốc judo hàng đầu thế giới và quốc gia này đứng thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương Olympic mọi thời đại của môn thể thao này, chỉ sau Nhật Bản. Các VĐV Judo Pháp đã giành được tám huy chương tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Clarisse Agbegnenou đã giành được HCV cá nhân và là đương kim vô địch thế giới hạng dưới 63 kg.
Pfizer và BioNTech tặng vắc xin COVID-19 cho Bắc Kinh 2022
Ủy ban Olympic quốc tế cho biết Pfizer và BioNTech sẽ tặng liều tiêm chủng COVID-19 cho các VĐV tranh tài tại Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2022. Động thái này được thực hiện theo Biên bản ghi nhớ đã được ký vào tháng 5 để làm căn cứ cho các công ty này tặng vắc xin, cho những người tham gia trước tiên tại Tokyo. Biên bản ghi nhớ đã được mở rộng cho Bắc Kinh 2022, đúng như lời hứa của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đưa ra vào tháng 9 về việc hỗ trợ một chương trình vắc xin cho Thế vận hội.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã gửi lời cảm ơn Pfizer và BioNTech vì khoản tài trợ này vào thời điểm Thế vận hội mùa đông Olympic Bắc Kinh 2022 đang đến gần.
Đây là một biện pháp trong kế hoạch của Ủy ban Olympic quốc tế để tổ chức các Thế vận hội an toàn cho các VĐV và tất cả những người tham gia và được xây dựng dựa trên sự hợp tác thành công giữa tổ chức này với các hãng dược nổi tiếng.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons cũng đồng thuận với quan điểm của Chủ tịch Thomas Bach đối với vấn đề này. Theo đó, Chủ tịch Andrew Parsons nhấn mạnh toàn thể Phong trào Paralympic vô cùng biết ơn Ủy ban Olympic quốc tế vì đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin từ Pfizer và BioNTech trước thềm Thế vận hội mùa đông Olympic và Paralympic Bắc Kinh 2022.
Các VĐV và quan chức tại Bắc Kinh 2022 sẽ bắt buộc phải được tiêm phòng đầy đủ theo yêu cầu của quốc gia sở tại ít nhất 14 ngày trước khi khởi hành đến Trung Quốc, để được phép vào hệ thống khép kín mà không cần kiểm dịch. Bất kỳ ai không được tiêm phòng đầy đủ sẽ phải cách ly trong 21 ngày khi đến Bắc Kinh.
Các trường hợp ngoại lệ có thể được áp dụng cho các VĐV và các quan chức của đội tùy từng trường hợp, căn cứ dựa trên lý do y tế
Phó Chủ tịch Liên đoàn thể thao đại học quốc tế Marian Dymalski được Ủy ban Olympic quốc tế tặng Huân chương Olympic
Phó Chủ tịch Liên đoàn thể thao đại học quốc tế Marian Dymalski đã được Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach trao Huân chương Olympic. Huân chương Olympic là phần thưởng cao quý được trao cho những cá nhân đã tích cực đóng góp vào việc phát huy các giá trị và ý tưởng Olympic, đồng thời có ảnh hưởng đối với sự phát triển của thể thao.
Phó Chủ tịch Marian Dymalski cũng là Phó chủ tịch Liên đoàn thể thao Đại học Ba Lan và thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Olympic Ba Lan đã được trao tặng giải thưởng vì những việc mình đã làm trong suốt phong trào Olympic và thể thao trường đại học.
Là một trong những người sáng lập Hiệp hội thể thao đại học châu Âu hơn 20 năm trước, Phó Chủ tịch Marian Dymalski tham gia nhiều Liên đoàn quốc tế khác nhau trong đó Liên đoàn thể thao đại học quốc tế, Hiệp hội thể thao thế giới và Liên đoàn thể thao Đại học Ba Lan.
Chia sẻ về phần thưởng này, Phó Chủ tịch Marian Dymalski gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Ủy ban Olympic Ba Lan Andrzej Kraśnicki và Chủ tịch Liên minh thể thao Đại học Ba Lan, Giáo sư À Alojzy Nowak vì sự hợp tác và hỗ trợ trong nhiều năm qua.
Liên đoàn thể thao đại học quốc tế cũng đánh giá cao Phó Chủ tịch Marian Dymalski về thành tích đã có tác động to lớn đến thể thao đại học ở Ba Lan và phong trào thể thao đại học toàn cầu.
A.T