Theo Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, thành viên của Ủy ban đấu thầu gồm hơn 100 người, trong đó có Thị trưởng của cả Gwangju và Daegu, các nhân vật thể thao và doanh nhân nổi tiếng.
Hai thành phố Gwangju và Daegu cách nhau khoảng 180 km, nhưng đã có truyền thống hợp tác trong nhiều năm. Thị trưởng Gwangju Lee Yong-seop cho biết một cuộc đấu thầu chung cho Đại hội thể thao châu Á có thể tạo ra bước ngoặt quốc gia cho sự hòa hợp Đông-Tây. Các thành phố đều ở khu vực phía nam của Hàn Quốc - Gwangju ở cực tây nam và Daegu ở phía đông.
Ủy ban đấu thầu cần được sự thông qua của Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc cũng như sự hỗ trợ của tổ chức này nhằm đề xuất ý tưởng đăng cai với Hội đồng Olympic châu Á. Hàn Quốc đã có kinh nghiệm đăng cai ba kỳ Đại hội thể thao châu Á trước đây.
Incheon là lần đăng cai gần đây nhất, vào năm 2014, Busan tổ chức Đại hội vào năm 2002 và Seoul là điểm đến của sự kiện năm 1986.
Mặc dù Daegu và Gwangju chưa tổ chức Đại hội thể thao châu Á trước đây, nhưng các thành phố này có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn cùng với lợi thế về một số cơ sở vật chất hiện có.
Có thể kể ra một số sự kiện thể thao lớn mà hai thành phố đã từng tổ chức gồm: Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa hè 2003 diễn ra ở Daegu, giải vô địch điền kinh thế giới năm 2011. Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa hè 2015 diễn ra ở Gwangju và Giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước năm 2019.
Ngoài ra, Gwangju và Daegu cũng đã từng tổ chức các trận đấu của Cúp bóng đá thế giới của Liên đoàn bóng đá quốc tế vào năm 2002.
Với hơn 15 năm diễn ra Đại hội thể thao châu Á 2038, Phó chủ tịch Hội đồng Olympic Malaysia, ông Dato 'Shahrul Zaman Yahya cho biết đang xem xét việc đăng cai Á vận hội chứ không vội vàng đưa ra quyết định.
Ấn Độ lần cuối cùng tổ chức Đại hội thể thao châu Á vào năm 1982, quốc gia có tham vọng đăng quang Thế vận hội, cũng có thể khởi động một cuộc đấu thầu. Hàng Châu ở Trung Quốc sẽ tổ chức Á vận hội tiếp theo vào năm sau, trước khi sự kiện trở lại Aichi-Nagoya Nhật Bản vào năm 2026.
Vào cuối năm ngoái, thủ đô Doha của Qatar giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2030 và Ả Rập Xê Út đã được trao quyền đăng cai sự kiện vào năm 2034.
Raymond Blondel được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Paralympic châu Âu
Raymond Blondel đã được bầu làm Chủ tịch của Ủy ban Paralympic châu Âu tại phiên họp Đại hội đồng và Hội nghị của cơ quan này ở Limassol ở Síp. Asa Llinares Nolin của Thụy Điển sẽ hỗ trợ Blondel người Hà Lan với vai trò phó chủ tịch, trong khi Terje Jentoft Roel của Na Uy được bầu làm thủ quỹ.
Raymond Blondel sẽ thay thế người tiền nhiệm Ratko Kovačić của Croatia, người đã giữ chức Chủ tịch từ năm 2017.
Tân Chủ tịch Raymond Blondel bày tỏ niềm vinh dự trước sự tin tưởng và tín nhiệm mà các thành viên châu Âu đã dành cho cá nhân mình. Tân Chủ tịch Raymond Blondel khẳng định: các VĐV Paralympic là nguồn cảm hứng cho nhiều người và Phong trào Paralympic có thể đóng góp to lớn vào một xã hội châu Âu đoàn kết và hòa nhập hơn. Chính vì vậy Tân Chủ tịch Raymond Blondel mong muốn củng cố vị thế của thể thao Paralympic châu Âu trong những năm tới, tổ chức các sự kiện Paralympic hiện đại và xây dựng một Ủy ban Paralympic châu Âu vững mạnh.
Miriam Malone của Ireland, Anita Urr của Hungary, Lukasz Szeliga của Ba Lan, Geoff Newton của Anh và Mindaugas Bilius của Lithuania là các thành viên của Ủy ban điều hành Ủy ban Paralympic châu Âu mới được bầu tại phiên họp Đại hội đồng.
Ủy ban Paralympic châu Âu cũng đã thông qua một kế hoạch chiến lược mới cho sự phát triển trong tương lai của tổ chức tại phiên họp Đại hội đồng. Động thái này cho thấy cam kết mạnh mẽ và tham vọng rõ ràng trong việc xây dựng và củng cố môn thể thao Paralympic ở châu Âu.
Các đại biểu cũng nhất trí tập trung mạnh hơn vào các sự kiện thể thao dành cho thanh thiếu niên, tổ chức thường xuyên hơn các sự kiện này cũng như mở rộng mạng lưới của Ủy ban Paralympic châu Âu trong Liên minh châu Âu, Ủy ban Olympic châu Âu và các tổ chức phi chính phủ châu Âu.
Ủy ban Olympic quốc gia Palestine tổ chức phiên họp Đại hội đồng tại Trụ sở mới
Chủ tịch Ủy ban Olympic Palestine, Thiếu tướng Jibril Rajoub, đã khai trương trụ sở thường trực mới của Ủy ban Olympic Palestine tại Al Ram, phía bắc Jerusalem. Đại diện Hội đồng Olympic châu Á, Giám đốc bộ phận Đại hội thể thao châu Á, ông Haider Farman cùng ông Abdulhadi Mohammad đã tham dự.
Đại diện Ủy ban Olympic Jordan có Tổng thư ký, ông Nasser Majali, và Tiến sĩ Sari Hamdan, Phó chủ tịch.
Phiên họp Đại hội đồng có sự tham gia của 53 trong số 57 thành viên. Chương trình nghị sự bao gồm thông điệp từ Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cam kết hỗ trợ đầy đủ cho Ủy ban Olympic Palestine.
Chủ tịch, Thiếu tướng Jibril Rajoub nhấn mạnh tầm quan trọng của thể thao đối với tất cả người Palestine như một lực lượng đoàn kết, chính vì vậy Ủy ban Olympic Palestine tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng thể thao ở Palestine vì sự thống nhất của phong trào thể thao tại Palestine.
Trụ sở thường trực mới của Ủy ban Olympic Palestine là hạ tầng cơ sở mới nhất sau Trung tâm Y tế Olympic, Tòa án Thể thao và Học viện Olympic. Động thái này là nhằm hướng tới mục tiêu chuẩn bị đăng cai Thế vận hội.
Giám đốc bộ phận Đại hội thể thao châu Á Haider Farman cho biết Hội đồng Olympic châu Á tự hào về sự phát triển của phong trào thể thao Olympic ở Palestine ở cấp độ châu lục và quốc tế. Giám đốc Haider Farman cũng chúc mừng Ủy ban Olympic Palestine về việc khai trương trụ sở thường trực mới. Hội đồng Olympic châu Á sẽ hỗ trợ các hiệp hội và thể thao Palestine thông qua Ủy ban Olympic Palestine và các chương trình nhằm phát triển đội ngũ nhân viên thể thao.
Các tài liệu của phiên họp Đại hội đồng như nghị định thư của Tòa án thể thao, Dự luật tuân thủ và đạo đức Olympic và Luật ngăn chặn thao túng các cuộc thi đấu thể thao cũng như Cơ quan giám sát tài chính độc lập cho chu kỳ tiếp theo đã được phê duyệt.
Các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á kiểm tra công tác chuẩn bị cho Đại hội thể thao Nam Á lần thứ 14 tại Pakistan
Các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á đã có chuyến thăm để kiểm tra công tác chuẩn bị thi đấu và địa điểm tập luyện cho Đại hội thể thao Nam Á lần thứ 14 vào năm 2023.
Trước đó, lãnh đạo cấp cao của các Ủy ban Olympic Nam Á đã tham dự phiên họp Đại hội đồng của Các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á ở Crete, Hy Lạp. Tại sự kiện này, Bangladesh, Maldives, Nepal, Sri Lanka và Pakistan đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi bên lề nhằm thảo luận về những nội dung quan trọng nhất liên quan tới Đại hội thể thao Nam Á.
Tại chuyến thăm và kiểm tra, các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á đã được Chủ tịch Hiệp hội Olympic quốc gia Pakistan, Trung tướng Syed Arif Hasan, thông báo về tiến độ công tác chuẩn bị cho tới thời điểm này. Các thành viên đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Hiệp hội Olympic quốc gia Pakistan tổ chức một cuộc họp của Ban điều hành các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á tại Pakistan trước cuối năm nay.
Ngoài ra, các nước thành viên của Ủy ban Olympic Nam Á còn yêu cầu hoàn thiện số lượng các môn thể thao trong chương trình thi đấu của Đại hội thể thao Nam Á sau khi tiến hành kiểm tra thực tế các địa điểm thi đấu và tập luyện tại các thành phố được đề xuất đăng cai Đại hội.
Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab, sẽ là địa điểm đăng cai chính, ngoài ra còn có các thành phố đồng đăng cai khác gồm: Faisalabad, Gujranwala, Islamabad và Sialkot. Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội thể thao Nam Á được tổ chức tại Pakistan kể từ năm 2004 khi sự kiện được tổ chức tại Islamabad.
A.T