Chính phủ Úc tăng cường nỗ lực thu hút tình nguyện viên cho các môn thể thao sau COVID-19

Chính phủ Úc đã tăng cường nỗ lực thu hút và giữ chân các tình nguyện viên để đảm bảo rằng các CLB và tổ chức thể thao có thể hoạt động trở lại sau tác động của COVID-19, như một phần của quan hệ đối tác với Cơ quan thể thao Úc.

Thông qua báo cáo mới nhất của Cơ quan thể thao Úc, các tình nguyện viên có vai trò rất quan trọng đối với các cuộc thi đấu thể thao, đặc biệt cho những người khuyết tật, người về hưu, hộ gia đình có thu nhập thấp và những người nói một ngôn ngữ không phải tiếng Anh.

Gần ba triệu người Úc tình nguyện tham gia thể thao, nhưng cần có thêm sự hỗ trợ để đảm bảo các cuộc thi có thể được tổ chức ổn định trở lại.

Giám đốc điều hành Rob Dalton của Cơ quan thể thao Úc khẳng định rằng nếu không có tình nguyện viên, thể thao ở cấp độ cộng đồng sẽ không tồn tại. Úc là một quốc gia may mắn khi có 2,9 triệu người chung tay làm tình nguyện và Cơ quan thể thao Úc biết ơn những tình nguyện viên này rất nhiều vì đã dành thời gian và năng lượng của họ cho thể thao.

Với 8,5 triệu người lớn và 3,4 triệu trẻ em tham gia các môn thể thao có tổ chức mỗi năm, rõ ràng cần có nhiều tình nguyện viên hơn để đảm bảo rằng mong muốn của tất cả những người Úc tham gia các môn thể thao có tổ chức đều có thể thực hiện được.

Giám đốc điều hành Rob Dalton cũng chỉ ra một nghiên cứu cho thấy hầu hết các tình nguyện viên đều có mối liên hệ chặt chẽ với môn thể thao thường là người tham gia hoặc có con cái chơi thể thao

Các môn thể thao có nhiều người tham gia nhất cũng có nhiều tình nguyện viên nhất, dẫn đầu là bóng đá, bóng lưới và bóng rổ.

Bộ trưởng thể thao Úc Richard Colbeck cho biết, chính phủ Úc thông qua Cơ quan thể thao Úc, cam kết làm cho Úc mạnh hơn thông qua thể thao. Tham gia thể thao không chỉ giới hạn ở việc chơi, các tình nguyện viên có thể được hưởng những lợi ích như cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần và đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp các CLB hoạt động.

Cơ quan thể thao Úc công bố cam kết kích hoạt kế hoạch tình nguyện viên thể thao quốc gia để giúp đỡ các tổ chức thể thao của đất nước. Giám đốc điều hành Rob Dalton cũng bày tỏ mong muốn tất cả người dân Úc có cơ hội tham gia vào thể thao bất kể địa vị xã hội, tình trạng kinh tế hay khả năng thể chất. Thể thao dành cho tất cả mọi người và kế hoạch tình nguyện viên thể thao quốc gia của tổ chức là một ưu tiên khi tiếp tục cải thiện trải nghiệm tình nguyện, mở rộng sức hấp dẫn và khuyến khích nhiều người Úc tham gia hơn.

Các VĐV kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia hành động vì khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh COP26 

Một nhóm gồm hơn 50 VĐV Olympic và Paralympic đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động vì khí hậu trong hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow thông qua một video do Ủy ban Olympic quốc tế hỗ trợ dựng.

Các VĐV gồm ngôi sao marathon người Kenya Eliud Kipchoge và huyền thoại bóng rổ Tây Ban Nha đã nghỉ hưu Pau Gasol, cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu đối với thể thao và mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra cho tương lai của thể thao. Đoạn video do nhà vô địch đua thuyền đôi Olympic người Anh Hannah Mills và VĐV chèo thuyền Olympic Melissa Wilson khởi xướng, được chiếu tại một trong những hội nghị về biến đổi khí hậu quan trọng nhất từng được tổ chức.

COP26 được gọi là Thế vận hội của các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị dự kiến ​​sẽ phác thảo các cam kết về khí hậu của họ tại sự kiện này..

Nội dung của video có đề cập tới việc Tokyo và người dân Nhật Bản đã đã làm được điều tưởng chừng không thể đó là tổ chức thành công Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Sự kiện cũng sẽ mang lại một di sản lâu dài. Nhưng làm thế nào để truyền lại di sản đó, nếu không có một hành tinh an toàn và lành mạnh để trải nghiệm. Nhiệt độ, độ ẩm và điều kiện thời tiết khắc nghiệt có nghĩa là nhiều môn thể thao đang bị đe dọa. Và thể thao chỉ là một phần của bức tranh toàn cầu lớn hơn nhiều.

Hannah Mills - vào năm 2019 đã phát động Big Plastic Pledge, một phong trào kêu gọi VĐV tham gia loại bỏ việc sử dụng nhựa sử dụng một lần trong và ngoài lĩnh vực thể thao - đã tuyên bố các VĐV "đang trông đợi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện hành động khí hậu tăng tốc tại COP26".

Hannah Mills khẳng định đây là cuộc đua mà chúng ta cần phải giành chiến thắng và tốc độ của cuộc đua được quyết định bởi mỗi người tham gia trong đó.

Tại COP26, Thế vận hội của các hội nghị về khí hậu, là sự kiện thể hiện tham vọng và lòng dũng cảm thực sự. Làm việc cùng nhau để đảm bảo tương lai mà tất cả chúng ta phụ thuộc vào.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã kêu gọi các chính phủ hợp tác nhiều hơn để chống lại biến đổi khí hậu, cảnh báo thế giới đang trong cuộc chạy đua với thời gian mà không ai có thể chiến thắng một mình. Ủy ban Olympic quốc tế cũng đã cam kết giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp đến năm 2030.

Chủ tịch Thomas Bach cũng bày tỏ sự vui mừng được hỗ trợ sáng kiến ​​này và giúp các VĐV Olympic sử dụng tiếng nói mạnh mẽ của họ để tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt và Ủy ban Olympic quốc tế tự hào dẫn đầu phong trào Olympic đối phó với cuộc khủng hoảng này. Thể thao có sức mạnh làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn và ngày nay chúng ta có cơ hội sử dụng sức mạnh này khi đối mặt với biến đổi khí hậu.

Ủy ban Olympic quốc tế chuẩn bị tổ chức cuộc họp cuối cùng của Ủy ban điều phối Bắc Kinh 2022 

Ủy ban điều phối của Ủy ban Olympic quốc tế cho Bắc Kinh 2022 sẽ tiến hành các cuộc họp cuối cùng với Ban tổ chức nước chủ nhà và kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2022 trước Lễ khai mạc.

Cuộc họp lần thứ sáu và cũng là cuộc họp cuối cùng của Ủy ban điều phối Bắc Kinh 2022 do nguyên phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Juan Antonio Samaranch chủ trì cũng sẽ thảo luận về các biện pháp đối phó với COVID-19.

Phiên bản thứ hai của sách hướng dẫn bao gồm các quy tắc nghiêm ngặt mà tất cả những người tham gia Olympic phải tuân thủ trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội sẽ ra mắt vào tháng 12. Theo nội dung của phiên bản lần một thì các VĐV, quan chức và giới truyền thông không được tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ bị buộc phải trải qua đợt cách ly bắt buộc 21 ngày như một phần của hệ thống "quản lý khép kín" sẽ được triển khai tại Thế vận hội. Người hâm mộ nước ngoài đã bị cấm nhưng khán giả trong nước vẫn được phép tới xem các trận thi đấu tại các địa điểm ở Bắc Kinh 2022. Đây cũng sẽ là chủ đề được thảo luận trong cuộc họp của Ủy ban Điều phối.

Nguyên phó chủ tịch Juan Antonio Samaranch khẳng định sẽ có sự linh hoạt liên quan đến sức chứa của địa điểm và kêu gọi tuân thủ đầy đủ các quy tắc.

Ban tổ chức cũng bày tỏ lo lắng về những hạn chế liên quan tới các chuyến bay quốc tế đi và đến Trung Quốc do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Thế vận hội Olympic mùa đông dự kiến ​​diễn ra từ ngày 4 - 20/ 2, còn Paralympic sẽ diễn ra từ ngày 4 -13/ 3.

A.T