Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan đã được đề cập đến trong bài phát biểu Chủ tịch Thomas Bach tại phiên họp Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia. Hàng nghìn người sống ở Afghanistan đã cố gắng rời khỏi đất nước kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền sau khi quân đội Mỹ rút đi.
Một số tổ chức đã tìm cách sơ tán những người được coi là có nguy cơ, bao gồm cả phụ nữ chơi thể thao. Chủ tịch Thomas Bach cho biết Ủy ban Olympic quốc tế đã hỗ trợ sơ tán khoảng 300 người khỏi Afghanistan đồng thời đánh giá cao sự hỗ trợ của một số Ủy ban Olympic quốc gia.
Chủ tịch Thomas Bach cũng kêu gọi sự hỗ trợ thêm từ các Ủy ban Olympic quốc gia cũng như yêu cầu các tổ chức này làm việc với chính phủ để cung cấp thị thực nhân đạo và hỗ trợ sơ tán.
Vẫn còn nhiều thành viên của cộng đồng ở Afghanistan đang gặp rủi ro và Ủy ban Olympic quốc tế cần sự hỗ trợ của càng nhiều chính phủ và Ủy ban Olympic quốc gia càng tốt để đưa họ ra khỏi đất nước bằng các phương tiện như: máy bay, đường bộ và các lựa chọn thay thế khác.
Ủy ban Olympic quốc tế chỉ có thể đưa cộng đồng ở Afghanistan ra ngoài trong trường hợp có thể đảm bảo rằng họ được chào đón bằng thị thực nhân đạo ở các nước.
Chủ tịch Thomas Bach gửi lời cảm ơn các Ủy ban Olympic quốc gia cũng như kêu gọi cộng đồng thế giới nắm bắt cơ hội này xin thị thực nhân đạo cho các thành viên của cộng đồng Olympic ở Afghanistan.
Cũng theo Chủ tịch Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Afghanistan và tổng thư ký là hai trong số những người đã được sơ tán.
Cuộc bầu cử Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia sẽ được tổ chức tại Seoul
Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch thường trực tiếp theo của Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia sẽ được tổ chức tại Seoul sau khi thủ đô của Hàn Quốc được trao quyền đăng cai tổ chức phiên họp Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia năm tới.
Cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch sẽ chọn ra người thay thế Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah ở vị trí lãnh đạo cao nhất. Hiện Mitchell đang đảm nhiệm vai trò quyền Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia.
Mitchell là một thành viên của Ban điều hành Ủy ban Olympic quốc tế và cũng có ý định ứng cử vào vị trí này. Ứng cử viên Mitchell bày tỏ mong muốn gắn kết với Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia.
Ngoài Quyền Chủ tịch Mitchell còn có Chủ tịch Tổ chức thể thao liên châu Mỹ, thành viên Ủy ban Olympic quốc tế Neven Ilic, chủ tịch Ủy ban Olympic châu Âu Spyros Capralos cũng là những ứng cử viên nặng ký.
Ủy ban Olympic quốc tế cam kết giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Cam kết của Ủy ban Olympic quốc tế nhằm giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua các hình thức trực tiếp và gián tiếp vào năm 2030 đã được các đại biểu tham dự phiên họp Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia thống nhất ủng hộ.
Các Ủy ban Olympic quốc gia cũng cam kết tham gia khuôn khổ hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc và áp dụng mức giảm phát thải khí nhà kính tương tự. Chủ tịch của Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach cũng có bài phát biểu trong đó nêu rõ những giải pháp giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại phiên họp Đại hội đồng Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia. Trong đó, Ủy ban Olympic quốc tế cam kết giảm 45% lượng khí thải phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi Khí hậu.
Chủ tịch Thomas Bach cũng cảnh báo rằng khủng hoảng khí hậu được cho là thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt bởi nó ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống bao gồm cả thể thao. Bằng cách giảm hơn nữa lượng khí thải carbon, Ủy ban Olympic quốc tế tăng cường đóng góp vào việc hiện thực hóa Thỏa thuận Paris, tuân theo khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu và đóng góp tốt hơn cho nỗ lực toàn cầu.
Để đạt được mức cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030, Ủy ban Olympic quốc tế đã đặt ra mục tiêu giảm trung bình là 30%, sẽ đạt được vào năm 2024. Trong số các dự án được triển khai vì mục tiêu này có trồng "Rừng Olympic" ở Mali và Senegal, một yếu tố trong chiến lược tích cực với khí hậu đã được phát triển vào năm 2018 như một phần của Khung hành động vì khí hậu của Liên hiệp quốc.
Ủy ban Olympic quốc tế cũng quyết định làm cho không khí Thế vận hội Olympic trở nên tích cực. Từ năm 2030 trở đi, mỗi Ban tổ chức Thế vận hội sẽ có nghĩa vụ tuân tủ hợp đồng để giảm thiểu và bù đắp lượng khí thải carbon trực tiếp và gián tiếp và thực hiện các giải pháp không carbon lâu dài cho Thế vận hội và hơn thế nữa. Tất cả các Thế vận hội sắp tới đều cam kết trung lập carbon, với mục tiêu Paris 2024 trở thành Thế vận hội đầu tiên tích cực với khí hậu ngay cả trước thời hạn năm 2030.
Tất cả các địa điểm thi đấu tại Thế vận hội Olympic mùa đông năm sau đều hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Theo đó, hệ thống làm lạnh CO2 tự nhiên và ít phát thải carbon sẽ được sử dụng tại hầu hết các địa điểm thi đấu trên băng của Bắc Kinh 2022 - lần đầu tiên công nghệ tác động thấp đến khí hậu này sẽ được sử dụng ở Trung Quốc và tại Thế vận hội Olympic mùa đông.
Ủy ban Olympic Bahrain ký thỏa thuận hợp tác 4 năm với đối tác Nga
Thỏa thuận nhằm phát triển quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thể thao giữa hai nước.
Bản thỏa thuận hợp tác đã được ký bởi Chủ tịch Ủy ban Olympic Bahrain, Hoàng thân Sheikh Khalid bin Hamad Al-Khalifa và Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga, Stanislav Pozdnyakov tại Athens, Hy Lạp. Tham gia và chứng kiến buổi ký kết còn có Tổng thư ký Ủy ban Olympic Bahrain Mohamed Hasan Al -Nusuf.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Bahrain Sheikh Khalid bày tỏ sự vui mừng khi bản thỏa thuận hợp tác được ký kết cũng như đánh giá cao vị thế xuất sắc của Nga ở cấp độ Olympic và cho biết sự hợp tác song phương sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thể thao ở Vương quốc này.
Bản ghi nhớ có hiệu lực đến tháng 12/2025 sẽ mở ra cánh cửa cho các đợt tập huấn cũng như trao đổi các chuyến thăm của các đoàn thể thao giữa hai nước. Chủ tịch Sheikh Khalid cũng tiết lộ rằng Ủy ban Olympic Bahrain sẽ xem xét việc ký các thỏa thuận tương tự với các Ủy ban Olympic quốc gia hàng đầu khác để học hỏi kinh nghiệm từ các kỹ năng quản lý và kỹ thuật tiên tiến của họ trong nỗ lực phát triển phong trào Olympic ở Bahrain.
Philippines: 71 VĐV bơi được tuyển chọn cho mục tiêu giành danh hiệu vô địch thế giới
Những tài năng bơi mới của Philippines sẽ được tuyển chọn thông qua các cuộc thi đấu tại địa điểm tổ chức môn thể thao này trong khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 ở thành phố New Clark ở Capas, Tarlac
Những tài năng được tuyển chọn sẽ hướng tới mục tiêu chính đó là đạt điều kiện tham dự giải vô địch bơi lội thế giới của Liên đoàn Bơi quốc tế lần thứ 15 tại Abu Dhabi, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất từ ngày 16 - 21/12/2021 và giải vô địch thế giới của Liên đoàn Bơi quốc tế lần thứ 19 ở Fukuoka, Nhật Bản từ ngày 13 - 29 / 5/2002.
Chủ tịch Hiệp hội Bơi Philippines Lailani Velasco bày tỏ hy vọng rằng sự kiện có thể cho giới trẻ thấy sức sống và sự phục hồi sau đại dịch. Hiệp hội Bơi Philippines cũng khuyến khích các VĐV tập luyện nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu đặt ra.
71 VĐV được tuyển chọn từ chương trình tổ chức theo hình thức khép kín kéo dài ba ngày do Ủy ban Thể thao Philippines và Tập đoàn phát triển Clark phối hợp triển khai.
A.T