Quần vợt nữ thế giới 2004: Bức tranh nhiều màu

Năm vàng cho gấu trắng Nga Trong tổng số 60 giải trong hệ thống thi đấu của WTA (các chức vô địch đã thuộc về 31 tay vợt đến từ 17 nước khác nhau), các cô gái Nga giành nhiều danh hiệu nhất với 14 lần đăng quang (hơn 2 danh hiệu so với quốc gia xếp thứ hai là Mỹ). Nga cũng là quốc gia đầu tiên kể từ năm 1979 có ba tay vợt khác nhau giành 3 chức vô địch Grand Slam trong cùng một năm.

 

Năm vàng cho gấu trắng Nga

 

Trong tổng số 60 giải trong hệ thống thi đấu của WTA (các chức vô địch đã thuộc về 31 tay vợt đến từ 17 nước khác nhau), các cô gái Nga giành nhiều danh hiệu nhất với 14 lần đăng quang (hơn 2 danh hiệu so với quốc gia xếp thứ hai là Mỹ). Nga cũng là quốc gia đầu tiên kể từ năm 1979 có ba tay vợt khác nhau giành 3 chức vô địch Grand Slam trong cùng một năm.
 

 

Tháng 6-2004, sau khi đánh bại Elena Diementieva tại chung kết Roland Garros, Anastasia Myskina trở thành tay vợt Nga đầu tiên có được danh hiệu Grand Slam. Chỉ 4 tuần sau, cô gái quê vùng Siberi Maria Sharapova vượt qua Serena Williams để lên ngôi vô địch Wimbledon. Tháng 9, tại giải Mỹ mở rộng, người hâm mộ quần vợt Nga thêm một lần được ăn mừng chiến thắng ngay cả khi trận chung kết còn chưa diễn ra. Vì cả hai người lọt vào trận đấu cuối cùng của giải là Svetlana Kuznetsova và Diementieva đều là đồng hương của Myskina và Sharapova (Diementieva lại một lần nữa không may mắn trong trận chung kết “toàn Nga”). Và chức vô địch Fed Cup

là cái kết rực rỡ cho một năm đầy tươi sáng.  

 

 

Nước Nga đóng góp 4 tay vợt trong top 10 và 7 tay vợt trong top 15 WTA. Các cô gái trẻ này đùa rằng muốn đứng đầu bảng xếp hạng WTA thì hãy là số 1 trong top Nga. Dù xếp thứ 6 thế giới, Diementieva vẫn cảm thấy hơi thất vọng vì còn phải đứng sau ba đồng đội khác. Rõ ràng, các tay vợt Nga đã tự tin lên rất nhiều. 

 

Bảng xếp hạng WTA

TT

Tay vợt

Điểm

1

Linsay Davenport - Mỹ

4760

2

A. Mauresmo - Pháp

4546

3

A. Myskyna - Nga

4012

4

M. Sharapova

3536

5

S. Kuznetsova - Nga

3533

6

E. Diementieva - Nga

3448

7

Serena Williams - Mỹ

3128

8

Justine Henin -Bỉ

2884

9

Venus Williams - Mỹ

2400

10

Jenifer Capriati - Mỹ

2359

 

Những thành tích trên là một kết quả xứng đáng và hợp lý. Trong những năm qua, Nga đã đầu tư rất nhiều vào khâu đào tạo các tay vợt trẻ. Liên đoàn quần vợt nước này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà lãnh đạo, nhất là cựu tổng thống Boris Yeltsin.

Thêm nữa, ngay từ nhỏ, những cô bé sinh ra tại đây đã sục sôi khát vọng trở thành tay vợt chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Sự thành công của Anna Kournikova (dù chủ yếu là trên lĩnh vực quảng cáo) mấy năm trước càng làm cho khát vọng ấy mạnh thêm. Năm nay, những ước mơ lớn đã trở thành sự thật.

 

Trật tự đa cực

Cuộc tấn công ồ ạt của các cô gái Nga vào làng quần vợt nữ thế giới làm thay đổi cân bằng sức mạnh giữa các cá nhân cũng như các quốc gia thành viên WTA. 2004 là năm thứ ba trong 7 năm qua (và chỉ là lần thứ tư kể từ năm 1981) người hâm mộ được chứng kiến bốn nhà vô địch khác nhau tại 4 giải Grand Slam. Đã xa rồi cái thời hết Steffi Graf rồi Martina Hingis hay hai chị em nhà Williams vô địch từ giải này đến giải khác.

Sự đổi chủ liên tục của các danh hiệu khiến cho các cuộc tranh tài của những người đẹp càng trở nên bất ngờ và lôi cuốn. Có thể nói, đây chính là điểm vớt vát được phần nào tính hấp dẫn của thể thao thế giới năm qua vốn quá nhiều sự đơn điệu khi
Federer “độc cô cầu bại” trong các giải ATP, Michael Schumacher thống lĩnh  F1, Valentino Rossi

bá chủ đường đua mô tô 500cc hay Lance Armstrong không có đối thủ tại Tour de France.

 

Sự sôi động của quần vợt nữ còn được thể hiện rõ qua các cuộc bám đuổi trên bảng xếp hạng WTA. Nếu như ở top ATP, Federer một mình độc chiếm vị trí số một với khoảng cách điểm số gần gấp đôi người thứ hai là Andy Roddick thì ở top WTA ranh giới ấy khá mong manh. Nếu vô địch WTA Tour Championships tại Los Angeles, Amelie Mauresmo đã có thể giành lại vị trí đầu bảng từ tay Lindsay Davenport.

Ngày 13 tháng 9, Mauresmo trở thành tay vợt Pháp đầu tiên có được vinh dự đứng đầu bảng xếp hạng thế giới, chấm dứt 44 tuần thống trị của Justine Henin. Thế nhưng, chỉ 5 tuần sau đó, Davenport đã lần thứ hai trở lại ngôi đầu kể từ năm 2001. Có một chi tiết thú vị là cả Davenport và Mauresmo đều leo lên vị trí cao nhất mà không cần phải vô địch một giải Grand Slam nào trong năm.

 

Trẻ người nhưng không non tay

 

Năm 2004 đánh dấu mốc thành công của một thế hệ mới với những cái tên Maria Sharapova, Tatiana Golovin, Nicole Vaidisova, Jelina Jankovic hay Svetlana Kuznetsova… Khi đăng quang tại Wimbledon, Sharapova mới 17 tuổi 2 tháng. Cô trở thành tay vợt trẻ thứ ba trong lịch sử có được danh hiệu cao quý này. Nhìn cách Golovin thi đấu và giành chiến thắng tại Fed Cup, ít ai ngờ cô bé người Pháp gốc Nga này mới bước sang tuổi 16.

Chung kết giải Birmingham năm nay đã trở thành cuộc đấu của tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” khi Sharapova gặp Golovin. “Chị cả” Kuznetsova khi vô địch Mỹ mở rộng cũng chỉ mới 19 tuổi. Tre chưa già, măng đã mọc, dấu ấn của các tay vợt trẻ trong mùa giải vừa qua như báo hiệu cuộc đua quyết liệt đang còn ở phía trước.

 

Những sự hồi phục ấn tượng

 

Justin Henin đã có được khởi đầu hoàn hảo với danh hiệu Úc mở rộng. Nhưng cho tới trước Olympic Athens 2004, tay vợt người Bỉ đã phải tạm nghỉ thi đấu 4 tháng để chữa bệnh. Vậy mà, với một sự hồi phục đáng kinh ngạc, Henin đã mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho đoàn thể thao Bỉ tại Athens sau khi xuất sắc vượt qua Mauresmo tại trận chung kết. Henin cũng là người đầu tiên chấm dứt được chuỗi  21 kỳ Thế vận hội các tay vợt số một thế giới không giành được huy chương vàng Olympic.

Serena Williams thậm chí còn phải xa sân quần lâu hơn Henin. Sau 8 tháng dưỡng thương, cô em nhà Williams đã có được danh hiệu thứ ba tại Miami. Trong lịch sử, chỉ có hai người khác làm được như thế: Margaret Court (1972) và Monica Seles (1995). Serena còn hai lần lọt vào chung kết tại Wimbledon và WTA Tour Championships.

 

Danh tiếng sinh phú quý 

 

Xếp hạng tiền thưởng

TT

Tay vợt

Tiền thưởng (USD)

1

Maria Sharapova (Nga)

2.506.263

2

Serena Williams (Mỹ)

2.251.798

3

Linsay Davenport  (Mỹ)

2.220.005

4

Anastasia Myskina  (Nga)

2.115.847

5

Svetlana Kuznetsova (Nga)

2.060.590

6

Amelie Mauresmo (Pháp)

1.964.070

7

Elena Dementieva (Nga)

1.825.688

8

Justine Henin (Bỉ)

1.570.656

9

Venus Williams (Mỹ)

1.474.128

10

Jenifer Capriati (Mỹ)

1.290.061

11 tay vợt đã vượt qua mốc thu nhập 1 triệu đô la trong năm nay – một điều chưa có tiền lệ trong lịch sử WTA. Năm ngoái, con số này chỉ dừng lại ở 4 người. Ngoài khoản tiền thưởng kếch xù, những người đẹp của quần vợt thế giới còn nhận được các hợp đồng quảng cáo béo bở.

Nhân vật nổi bật nhất trong số này là Maria Sharapova. Hợp đồng quảng cáo với hãng sản xuất đồng hồ TAG Heuer mới đây đã bổ sung vào túi đầy tiền của cô gái 17 tuổi này 1 triệu đô la mỗi năm.

 

Và những dấu ấn khác

 

Kim Clijsters trở thành tay vợt Bỉ đầu tiên vô địch giải Diamond Games tại thành phố Antwerp, nước Bỉ.

Venus William đã chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 14 tháng sau khi đăng quang tại Family Circle Cup tại Charleston. Trên đà đó, Venus đã có được chuỗi 19 trận bất bại trước khi chịu khuất phục trước Myskina tại tứ kết Roland Garros.

Với việc Myskina và Dementieva lọt vào chung kết, Nga là quốc gia thứ năm (sau Mỹ, Úc, Pháp và Bỉ) đóng góp cả hai tay vợt trong trận đấu cuối cùng của giải Pháp mở rộng.

Tại giải JPMorgan Chase Open, Lindsay Davenport trở thành tay vợt thứ năm đánh bại cả hai chị em nhà Williams trong cùng một giải đấu. Bốn người trước là Sanchez Vicario (Sydney 1998), Steffi Graf (Sydney 1999), Martina Hingis (Úc mở rộng) và Kim Clijsters (WTA Tour Championships 2002).

Myskina và Vera Zvonareva đã có loạt tie-break dài nhất lịch sử trong set thứ ba trận bán kết giải San Diego. Phần thắng 17-15 thuộc về Myskina.

Cặp Ting Ling và Tian Tian Sun đã gây bất ngờ lớn khi mang về cho Trung Quốc tấm huy chương vàng quần vợt đầu tiên tại Athens 2004.

Lần thứ năm trong lịch sử và là lần đầu tiên từ năm 1989, kịch bản trận chung kết Wimbledon được lập lại tại WTA Tour Championships khi Sharapova vượt qua Serena Williams trong cả hai trận chung kết.

Năm 2004, quần vợt nữ thế giới cũng chứng kiến sự chia tay của Amanda Coetzer, Barbara Strett và Iva Majoli. 

 

 

 

Theo Việt Nam Net

Ảnh trong bài
  • Quần vợt nữ thế giới 2004: Bức tranh nhiều màu